1. Mới đó, vậy mà chị đã xa mẹ, xa các em, xa chồng con hơn 5 tháng rồi. Có lẽ, đến giờ này vẫn không ai có thể nghĩ rằng, chị đột ngột ngã bệnh và ra đi vĩnh viễn ở cái tuổi 49 hãy còn quá trẻ, một cách quá nhanh như vậy! Nhưng khổ nỗi, sự thật trớ trêu ấy, đau lòng ấy vẫn cứ là sự thật phải không chị? Dẫu giờ đây chị không còn hiện diện trên cõi đời này bằng xương bằng thịt, nhưng với mẹ, với các em, với chồng con của chị và nhiều người thân, dáng chị vẫn còn vẹn nguyên đó. Vóc dáng chị nhỏ nhắn, nhưng tình thương mà chị dành cho gia đình thì không hề nhỏ chút nào!
Mẹ bảo: “Tội nghiệp chị Hai mày! Cái số sao mà khổ cực quá, quanh năm làm lụng lo cho con cái ăn học, gần đến ngày con thành tài thì…”. Có lẽ, không riêng gì mẹ thương con cái mà nói vậy, ai ai cũng tiếc thương và nói về chị như thế cả. Em nghĩ cũng đúng! Quanh năm, chị luôn “lặn lội thân cò”, không nề hà khó khăn, vất vả, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm tiền lo cho con cái ăn học. Có những lần chị em mình ngồi nói chuyện, chị bảo: “Thôi kệ, hai đứa cháu của mày chịu học hành, tao cũng mừng. Tao cố gắng làm kiếm tiền lo cho tụi nó ăn học bằng với bạn bè, mai này nó có công ăn việc làm ổn định cũng đỡ…”. Với suy nghĩ, lo cho con cái như vậy mà chị cứ làm việc quần quật mặc cho mưa nắng dãi dầu… Và giờ đây, hai con của chị đã và đang trưởng thành trong việc học hành. Con trai lớn của chị đã học xong cao học, lấy bằng thạc sĩ của Trường Đại học Bách khoa TPHCM và làm công tác giảng dạy. Còn con gái của chị đang học năm cuối đại học. Mừng quá phải không chị?
2. Những ngày tháng chín này, trời mưa gió nhiều hơn, nước đầy đồng, nhiều nhà đang lo vụ lúa hè thu. Nếu có chị, chắc là giờ này chị cũng đang tất bật với công việc chăm lúa, nhổ cỏ… ngoài đồng! Nhưng dường như bây giờ làm lúa khó khăn hơn trước. Mấy hôm nay, nghe anh Tuấn - chồng chị bảo: “Dự định sạ lúa, nhưng rốt cuộc ruộng có cỏ rác nhiều quá, xịt thuốc diệt cỏ mấy lần rồi mà vẫn không ăn thua gì…”. Rồi nghe đâu, bà con trồng lúa ở Vĩnh Lộc, Bình Chánh đang phải đối mặt với thực tế từ lỗ vốn đến lỗ vốn. Bởi ruộng lúa sau gieo sạ, cỏ mọc lên nhiều phải thuê nhân công nhổ cỏ, tiền thuê mướn nhân công lại cao… Cho nên nhà ai không có nhân công, phải thuê mướn người làm, coi như đang cầm chắc lỗ!
Nói đến việc thuê mướn nhân công làm lúa, hôm rồi nhiều người lại nhắc đến chị. Ai nấy đều bảo rằng, mấy cái vụ kêu công làm lúa phải chi bây giờ có “bà Hai Minh” - tên gọi thân thương mà nhiều người dành cho chị, thì quá dễ dàng rồi. Sao lạ vậy? Rồi có người kể, mấy năm qua, mỗi khi gia đình họ kêu công làm lúa đều nhờ đến chị. Thậm chí, có những lúc hiếm nhân công, vậy mà chị vẫn kêu được “các đồng nghiệp” cùng làm lúa cho họ. Ai cũng nể phục chị hết. Có người còn nhận xét về chị: “Coi cái tướng lùn lùn như vậy nhưng tốt tính lắm à nghen. Ai nhờ việc gì cũng giúp hết, nhất là cái việc kêu công làm lúa. Chị toàn kêu giùm, rồi làm bao nhiêu nhân công tính tiền bấy nhiêu. Cho nên, chị đi làm bất cứ ở đâu, ai ai cũng thương cũng quý mến hết!”. Mỗi khi đi làm lúa cho các hộ gia đình, chị vẫn thường mang đôi ủng, mặc đồ rộng, đội nón lá, chạy chiếc xe đạp cà tàng, cọc cạch, cọc cạch… Hình ảnh ấy đã trở nên quen thuộc khắp đồng trên ruộng dưới. Nhưng giờ thì, dáng chị… vẫn còn đó, mà em muốn tìm chị - đâu biết tìm chị ở đâu? Nhớ lắm chị Hai ơi…!
ĐỖ HẠNH