Tố Hữu là nhà thơ lớn, cánh chim đầu đàn của văn hóa cách mạng Việt Nam. Sau ngày Đảng ta thành lập (3-2-1930), tháng 4-1933 Tố Hữu viết: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim/Hồn tôi là một vườn hoa lá/Rất đậm hương và rộn tiếng chim”.
Tự nguyện và chủ động chấp nhận lý tưởng mới, cùng với thế hệ thanh niên Việt Nam lên đường làm cách mạng để giành độc lập, tự do cho đất nước, họ dấn thân: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đày/Là dao kề tận cổ, súng kề tai…”. Thơ Tố Hữu là thơ cách mạng bởi Tố Hữu là nhà cách mạng. Cách mạng có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội và thơ Tố Hữu một thời và bây giờ vẫn là những bài học quý cho thanh niên Việt Nam, thơ ca Việt Nam.
Người làm cách mạng sáng tác thơ văn cách mạng. Điều đó là đáng quý, và đáng quý hơn là cuộc cách mạng lớn đã tạo dựng nên những nhà văn hóa lớn. Đảng ta, dân tộc ta làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại đã lôi cuốn tạo dựng nền văn hóa cách mạng và nền văn hóa cách mạng đã sản sinh cho dân tộc những nhà văn hóa lớn hoặc chắp cánh cho những nhà văn hóa vốn đã nổi tiếng càng có điều kiện thăng hoa.
Chưa bao giờ trong lịch sử văn hóa Việt Nam có nhiều tài năng trên mọi lĩnh vực như vậy. Ấy là những Tô Ngọc Vân, Diệp Minh Châu, Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… (mỹ thuật); Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, Hoàng Việt… (âm nhạc); Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng… (văn); Thế Lữ, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh… (thơ); Võ An Ninh, Đinh Đăng Định, Khương Mễ, Mai Lộc (điện ảnh, nhiếp ảnh)… Bên cạnh đó là một đội ngũ hùng hậu có uy tín về nghiên cứu lý luận phê bình như Hải Triều, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan…
Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng ta. Sự nghiệp là một quá trình lâu dài và các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp kế thừa và phát triển. Từ ánh sáng của tiêu chí, mục đích và nguyên tắc trong bản Đề cương văn hóa, chúng ta có Hội Văn hóa cứu quốc tập hợp “văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ” (1943).
Đề cập tới vấn đề này, chúng ta lại nhớ về Tố Hữu. Với tư cách là nhà thơ, Tố Hữu đã thực hiện trọn vẹn hai nhiệm vụ một cách hài hòa, nhuần nhuyễn. Ông không chỉ làm thơ hay về Đảng và đường lối cách mạng Việt Nam, mà thơ ông còn nồng ấm tình quê, tình người cùng chí hướng. Tố Hữu dịch một số tác phẩm hay của thơ văn cách mạng nước ngoài. Có hai bài thơ Tố Hữu dịch được mọi người thích và thuộc nằm lòng. Đó là bài thơ “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” của L.Aragông, nhà thơ lớn, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và bài thơ “Đợi anh về” của Ximônốp (Liên Xô). Cả hai bài thơ dịch trở thành “tiếng lòng” của thế hệ thanh niên Việt Nam thời chiến tranh ái quốc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Bài thơ “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” được nhiều nhạc sĩ Việt Nam phổ nhạc, trong đó thành công nhất là nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/Đảng tôi ơi cám ơn Người dạy dỗ/Từ đây lòng tôi sướng vui, đau khổ và tình yêu căm giận hóa lời ca/Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà”…
Điều gì tạo nên sự phát triển kỳ thú như vậy trong nền văn hóa cách mạng? Mọi người đều có chung nhận định đó chính là nhờ cương lĩnh, mục tiêu phấn đấu và sự hy sinh của những người cộng sản chân chính của Đảng Cộng sản. Không nghi ngờ gì nữa khi quyền lợi của nhân dân được thể hiện trong sự lãnh đạo của Đảng là một, khi con người bị áp bức nô lệ vùng lên giành tự do hạnh phúc… sẽ khơi nguồn cho cảm hứng nghệ thuật. Do yêu cầu lịch sử, có lúc, chúng ta nhấn mạnh tính Đảng trong văn hóa nghệ thuật. Tính Đảng trong văn hóa nghệ thuật suy cho cùng là tính dân tộc - đại chúng - khoa học và tính tiên tiến - đậm đà bản sắc dân tộc. Nói cách khác ấy là tính định hướng của hoạt động văn hóa nghệ thuật.
80 năm Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, hai cuộc trường chinh kháng chiến oanh liệt chống Pháp, chống Mỹ xâm lược và 35 năm nước nhà hòa bình thống nhất, dựng xây và phát triển hội nhập, nền văn hóa Việt Nam đã và đang có những chuyển biến mới. Đội ngũ văn nghệ sĩ ngày nay của chúng ta hùng hậu nhiệt thành và tài năng. Chúng ta tự hào, tự tin hơn để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” như Nghị quyết của Đảng ta đề ra và nhu cầu của cuộc sống đòi hỏi.
Chúng ta vẫn “Lên đàng” cùng với Lưu Hữu Phước, đọc thơ cùng Chế Lan Viên: “Chọn thời mà sống chăng, anh sẽ chọn vào năm nào ấy nhỉ?/Cho tôi sinh ra buổi Đảng dựng xây đời/Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy”… và hát ca “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” như L.Aragông - Tố Hữu - Phạm Tuyên…
VŨ ÂN THY