Đăng ký khai sinh để được cấp thẻ căn cước như thế nào?

Dự án Luật Căn cước công dân – một dự án luật sẽ có tác động đến toàn xã hội - đã được đại diện các bộ, ngành và các chuyên gia đóng góp ý kiến tại cuộc hội thảo do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức sáng nay, 26-9.

(SGGPO).- Dự án Luật Căn cước công dân – một dự án luật sẽ có tác động đến toàn xã hội - đã được đại diện các bộ, ngành và các chuyên gia đóng góp ý kiến tại cuộc hội thảo do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức sáng nay, 26-9.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GSTS Hồ Trọng Ngũ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, bên cạnh những ý kiến đồng ý với nội dung dự thảo Luật, hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau liên quan đến những vấn đề như thông tin về công dân được cập nhật và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; mối quan hệ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Giải thích thêm về dự án Luật, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, về cấu trúc, số định danh cá nhân có chứa mã đơn vị hành chính là tỉnh, thành phố (hoặc mã quốc gia trên thế giới) là nơi công dân đăng ký khai sinh; năm sinh, giới tính, thế kỷ sinh của người được cấp. Số định danh được cấp cho toàn bộ công dân Việt Nam từ khi sinh ra. Việc cấp số định danh từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gắn với việc đối sánh qua ảnh chân dung và đặc điểm sinh trắc học sẽ đảm bảo cho việc truy nguyên từng cá nhân, khẳng định tính duy nhất của số định danh cá nhân do Bộ Công an cấp.

Theo cơ quan soạn thảo, Bộ Công an không trình Chính phủ dừng cấp CMND 12 số để chờ Luật Căn cước công dân ban hành vì theo dự kiến, Luật Căn cước công dân đến ngày 01-01-2016 mới có hiệu lực, trong khi đó nhu cầu cấp CMND của công dân là nhu cầu thường xuyên, liên tục. Cả hai loại CMND hiện hữu đều tiếp tục có hiệu lực. Số CMND 12 số của công dân đã và đang cấp có giá trị sử dụng 15 năm từ ngày cấp, dự thảo Luật đã có điều khoản chuyển tiếp vẫn công nhận giá trị sử dụng đến khi hết hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước theo Luật này.

“Công tác cấp CMND theo công nghệ mới đang phát huy hiệu quả; mặt khác Nhà nước đã đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ chất lượng cao; vì vậy nếu dừng cấp CMND 12 số sẽ tạo ra sự lãng phí hệ thống máy móc và cán bộ”, đại diện Bộ Công an giải thích.

Về mối quan hệ giữa cơ quan đăng ký hộ tịch và cơ quan quản lý căn cước công dân trong việc đăng ký khai sinh và cấp thẻ căn cước công dân, được biết, theo phân công, cơ quan đăng ký hộ tịch là cơ quan tiến hành thủ tục đăng ký khai sinh cho công dân. Sau khi thu nhận dữ liệu thông tin của người được sinh ra, cơ quan này sẽ chuyển dữ liệu sang cơ quan quản lý căn cước công dân, để tiến hành làm các thủ tục cấp thẻ căn cước; chuyển lại cho cơ quan đăng ký hộ tịch để trả cho công dân. Bộ Công an nhận định, việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em mới sinh ra thay cho giấy khai sinh không làm phát sinh thêm thủ tục cho công dân, vì công dân chỉ tiến hành làm thủ tục đăng ký khai sinh một lần; sau đó chỉ việc nhận thẻ căn cước từ cơ quan đăng ký hộ tịch.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục