Đã bắt đầu niên vụ thu hoạch mía khá lâu nhưng người dân Quảng Ngãi chẳng mặn mà với việc thu hoạch bán cho nhà máy. Không những vậy, họ đang ồ ạt chặt bỏ mía để chuyển sang cây trồng khác.
Nguyên nhân do giá quá thấp, 1 năm chăm bẵm nhưng khi bán mỗi sào chỉ được 300.000 - 400.000 đồng. Trong khi đó, tại Bình Định, do không có tiền mua mía, nhà máy đành ép nông dân… nhận đường.
Số diện tích mía của ông Chánh dự định chuyển qua trồng cây màu.
Sắn, đậu thay mía
Chưa thu hoạch hết diện tích mía, ông Nguyễn Chánh ở thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) cũng không chút đắn đó khi phá bỏ số diện tích mía còn lại (gần 1.000m2) để trồng sắn, đậu xanh và đậu phộng. Lý giải việc phá bỏ cây mía, ông Chánh nói: “Một sào mía bán được có 3 triệu đồng (850.000 đồng/tấn), trừ hết chi phí từ nhà máy đầu tư giống, phân bón; tiền điện chạy nước tưới; thuê nhân công làm cỏ, xới đất, thu hoạch rồi nhà máy trừ tạp chất 2,5% - 3%, chỉ còn vỏn vẹn 400.000 đồng mà chưa kể tiền thuê đất. Khâu vận chuyển mía từ đồng về nhà máy cũng có “vấn đề”. Ngày xưa bao nhiêu tài xế cũng chở, còn bây giờ khi kiểm soát trọng tải, tui thu hoạch 7 tấn, tài xế chỉ dám chở 5 tấn, còn 2 tấn bỏ lại tới cả tuần sau mới chở làm mía khô rốc. Cả năm lam lũ mà thu nhập còn thấp hơn cả cây lúa thì phải chặt bỏ thôi!”. Đi dọc các cánh đồng khoảng 5 năm trước còn bạt ngàn màu xanh của mía thì nay thay vào đó bà con nông dân đang xuống giống cây sắn, đậu phộng.
Được mệnh danh “vua mía”, ông Nguyễn Văn Mười ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), mấy ngày qua ông Mười chạy ngược chạy xuôi tìm nhân công thu hoạch, nhưng đành bó tay vì đúng vào mùa thu hoạch keo. Vụ mía năm 2013, ông Mười thuê đất trồng cả gần 8ha mía, nhưng sang năm 2014 chỉ dám xuống giống 5ha, do giá mía xuống quá thấp. Trong khi đó, chi phí sản xuất, giá thuê nhân công cứ tăng vùn vụt khiến ông Mười cũng như nhiều người trồng mía ở Hành Thiện nản lòng. Hết vụ này ông cũng chưa biết dự định thế nào với cây trồng đã gắn bó với mình mấy chục năm qua.
Theo ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, giá mía luôn biến động, khiến nông dân không tập trung đầu tư là nguyên nhân dẫn đến năng suất và sản lượng đều giảm mạnh.
Ép nông dân đổi mía lấy đường
Từ đầu tháng 11 tới nay, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thôn 4, xã An Thành, huyện Đăk Pơ (Gia Lai) đã bán cho Công ty CP Mía đường Bình Định hơn 3.000 tấn mía nguyên liệu. Với giá trung bình khoảng 92 triệu đồng/tấn, nhà máy phải trả hơn 2,7 tỷ đồng. Nhưng tới thời điểm này, HTX mới nhận được vỏn vẹn 100 triệu đồng tiền mặt. Số còn lại đều bị quy ra đường trên giấy. Ông Thiều Kim Chung, Chủ nhiệm HTX, cho biết, việc trả đường cũng chỉ trên giấy tờ. Bởi vì nhà máy trả đường cho nông dân giá cao, rồi làm trung gian bán đi với giá thấp. Cứ mỗi tấn đường, nông dân tiếp tục phải chịu lỗ 2 triệu đồng. Như vậy, không tính đến chuyện công ty định giá đường thấp để trả cho nông dân sau khi thu mua mía, việc chênh nhau đến 200 đồng/kg mía, giữa giá công ty trả cho người dân và giá người dân bán cho trung gian thu mua đường đã gây tổn thất không nhỏ cho người trồng mía.
Với diện tích mía của toàn vùng hơn 38.000ha, sản lượng ước tính 50 tấn/ha, tính toán thì nông dân nơi đây mất một khoản tiền lớn. Một hộ dân trồng mía ở xã Xuân An, thị xã An Khê nói: “Gia đình tôi bán mía cho Nhà máy đường Bình Định, nhận phiếu thông báo sau 15 ngày sẽ thanh toán tiền. Nhưng hơn 15 ngày rồi, vẫn không thấy tiền đâu. Sốt ruột, gia đình tôi đành nhận phiếu quy ra đường theo mức giá công ty quy định. Sau đó đưa về bán giá thấp lấy tiền trang trải nợ nần đã đầu tư vào vườn mía”. Đa số nông dân đều vay tiền ngân hàng để đầu tư vào trồng mía, giờ đến vụ, họ phải lo xoay xở trả nợ. Đặc thù của mía là cứ đến mùa phải thu hoạch, rồi bán ngay cho nhà máy đường, không để lâu được. Nắm được những điểm yếu trên của người trồng mía, các công ty ra sức ép giá. Trong đó, có trường hợp ép người trồng mía nhận bằng đường khi bán mía. Trước cổng Công ty CP Đường Bình Định có nhiều đầu mối thu mua đường của nông dân. Để liên hệ với các đầu mối này, Công ty CP đường Bình Định lại tiếp tục đứng ra làm trung gian giữa nông dân và đầu mối thu mua đường. Khi đường đến tay các đầu mối, giá lại rẻ hơn mức giá công ty định trả cho nông dân. Điều nghịch lý là đầu mối thu mua xong lại bán cho công ty số đường trên. Như vậy, với cái vòng luẩn quẩn, đường cuối cùng lại về với công ty, còn ai được ai thiệt thì đã quá rõ.
Cũng theo bà con trồng mía tại địa phương, hai niên vụ mía gần đây, Công ty CP Mía đường Bình Định thường xuyên chây ỳ khi thanh toán tiền mua mía. Hàng ngàn người ở các huyện phía Đông của tỉnh Gia Lai đã kéo xuống trụ sở nhà máy tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định để đòi nợ. Sự việc kéo dài nhiều tháng liền, gây mất ổn định an ninh trật tự. Chỉ khi chính quyền can thiệp, sự việc mới được giải quyết. Theo các cơ quan chức năng, diện tích mía thu hoạch trên địa bàn đã đạt 60%. Trong những ngày đầu năm 2015, bà con thu hoạch chậm lại vì không có nơi tiêu thụ. Số lượng mía đang dồn ứ rất nhiều. Việc mua mía chậm thanh toán hoặc chỉ thanh toán bằng đường đang biến mía ngọt nơi đây thành “mía đắng”.
HÀ MINH - AN KHÊ