- Đồng chí Trương Tấn Sang dâng hương các vua Hùng
- Họp mặt truyền thống chiến khu An Phú Đông lần thứ 34
(SGGP). - Ngày 17-2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm, chúc tết tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều thời gian tham quan các lớp học tại học viện. Đây là một trong bốn học viện Phật giáo lớn của cả nước, đang đào tạo khoảng 300 học viên. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, sự phát triển của Phật giáo trong giai đoạn hiện nay chứng tỏ, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến tự do tín ngưỡng của nhân dân, tạo mọi điều kiện để Phật giáo ngày càng phát triển. Đồng thời, ghi nhận những đóng góp của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước và khẳng định “đời và đạo” luôn gắn liền với nhau.
Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Phật giáo Việt Nam, đã thông báo về những kết quả đào tạo của học viện trong thời gian qua, đánh giá cao sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của Phật giáo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương tại Đền Sóc Sơn, nơi thờ Phù Đổng Thiên Vương; thăm mô hình tượng Thánh Gióng và ngựa sắt dự kiến được khánh thành vào dịp 19-5 tới và trồng cây tại Học viện Phật giáo. Tại buổi nói chuyện với lãnh đạo chủ chốt huyện Sóc Sơn TP Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng biểu dương những kết quả kinh tế, xã hội mà Đảng bộ và nhân dân huyện Sóc Sơn đã đạt được trong năm qua. Đồng thời chỉ rõ, Sóc Sơn cần sáng tạo hơn nữa, tận dụng tốt ưu thế địa lý, tiềm năng đất đai để phát triển.
* Cùng ngày, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã đến dâng hương tưởng niệm các vua Hùng tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc (quận 9, TPHCM).
Cùng đi với đồng chí Trương Tấn Sang có các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM.
Tìm hiểu về quá trình xây dựng Khu tưởng niệm các vua Hùng và tham quan mô hình toàn cảnh (tỷ lệ 1/500) công viên, đồng chí Trương Tấn Sang đề nghị TPHCM phải sớm hoàn chỉnh việc xây dựng để khu vực trên là điểm đến tâm linh, là nơi cả miền Nam đến tri ân các vua Hùng đã có công dựng nước.
Theo các bậc đá lên đền chính, nơi có 18 cột đá tượng trưng cho 18 đời vua Hùng và chiếc trống đồng biểu trưng cho sự đoàn kết giữa 15 bộ tộc đầu tiên khi hình thành nhà nước Văn Lang, đồng chí Trương Tấn Sang đã thành kính dâng lên quốc tổ Hùng Vương những nén nhang thơm. Theo đồng chí, TPHCM cần tổ chức các ngày lễ lớn, các cuộc mít tinh quan trọng, các buổi họp mặt truyền thống… ngay tại công viên để vừa thể hiện lòng biết ơn vô hạn với 18 đời vua Hùng, vừa giáo dục truyền thống cho lớp trẻ TPHCM.
Đồng chí Trương Tấn Sang cũng góp ý về cách dựng biểu trưng các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; về các phù điêu thể hiện phong tục thờ cúng xưa; về con đường tre dẫn lên đền chính và biểu tượng chim hạc tại đền tưởng niệm… Ngay tại vị trí cao điểm nhất của TPHCM - trên nóc đền chính - đồng chí Trương Tấn Sang cùng với các đồng chí lãnh đạo TPHCM đã thắp hương cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, nhà nhà ấm no hạnh phúc.
* Ngày 17-2, Quận ủy, UBND, UBMTTQ quận 12 TPHCM và 3 phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân đã tổ chức trọng thể họp mặt truyền thống Chiến khu An Phú Đông lần thứ 34. Tham dự họp mặt có các đồng chí: Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; Huỳnh Thị Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy; Dương Quan Hà, Chủ tịch UBMTTQ TPHCM; Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP; đại diện các mẹ Việt Nam anh hùng, các thế hệ cách mạng lão thành đã từng chiến đấu tại Chiến khu An Phú Đông.
Sau phần nghi thức dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ đến những chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống trên quê hương An Phú Đông, đồng chí Huỳnh Thị Nhân phát biểu ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của người dân An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân trong hai cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước hôm nay.
Nằm giữa ngã ba sông Sài Gòn, Chiến khu An Phú Đông đã trở thành một chiến lũy của lòng dân trước quân thù để bảo vệ từng tấc đất quê hương, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, góp phần làm nên những chiến công to lớn của quân và dân ta trong suốt cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc.
Hơn nửa thế kỷ qua, những bài học từ vùng chiến khu xưa vẫn còn nguyên giá trị. Đó là bài học về ý chí kiên cường của người chiến sĩ cách mạng, đã không tiếc máu xương vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; bài học về sức mạnh của nhân dân, về tinh thần đoàn kết chung sức, chung lòng quyết tâm giành thắng lợi vẻ vang cho dân tộc.
Gần 35 năm trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và 13 năm thành lập quận 12 đến nay, vùng chiến khu xưa đã từng bước chuyển mình theo nhịp sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều nhà máy, xí nghiệp được mọc lên, nhiều tuyến đường giao thông được mở rộng, nhựa hóa ở 3 phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân cho thấy tiềm năng và sức sống mãnh liệt của vùng đất chiến khu xưa đến ngày hôm nay vẫn tràn đầy.
M.KHANG - M.ANH – P.H.NAM