Đằng sau những chuyến bán hàng nông thôn

Bán hàng mà không phải bán hàng. Nói gì kỳ vậy? Nhiều lần ngồi tán gẫu với các bạn nhân viên bán hàng nông thôn của các công ty vào cuối những ngày nắng lửa bụi mù, chúng tôi thảo luận mục đích thực sự của mình là gì và sắp tới sẽ làm gì…

Những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn (phải là hàng Việt chính hãng), thực ra không phải nhằm vào doanh số bán, bởi chi phí và công sức bỏ ra luôn nhiều hơn doanh số. Họ nhắm vào lợi ích khác: mở mạng lưới mới, kiểm tra và xốc dậy sức khỏe của mạng lưới phân phối tại chỗ, quảng bá và lắng nghe trực tiếp khách hàng nông dân để chuẩn bị sản phẩm mới hay điều chỉnh, cải tiến sản phẩm đang có…

Dân “sale” thường gọi những chuyến bán hàng hiện nay (thường có quy mô 50 doanh nghiệp (DN) và một tổng thể 7 chương trình đi kèm) là cách “dội pháo” khai thông trận địa để “bộ binh” là các đội bán hàng, mở mạng lưới sẽ đi tiếp sau.

Vì vậy có thể thấy những hình ảnh thú vị: nhân viên chính hãng về địa phương nhưng không trực tiếp bán hàng, chính các đại lý lấy hàng của mình ra đứng bán và nhân viên của công ty thì hỗ trợ. Vợ con các đại lý vừa bán hàng, vừa phụ bơm bong bóng làm quà tặng, gói quà khuyến mãi còn nhân viên công ty thì lo thăm hỏi, giới thiệu, hướng dẫn tiêu dùng sản phẩm.

Vì vậy mà chuyến bán hàng nào cũng có mặt ông Bùi Đình Thắng, Phó Tổng Giám đốc của cân Nhơn Hòa, đi nghe ý kiến về sản phẩm; có ông Lương Vạn Vinh, Giám đốc Công ty Mỹ Hảo gặp gỡ nghe trực tiếp ý kiến người tiêu dùng. Theo ông, chuyến bán hàng nông thôn nào Mỹ Hảo cũng đi và ông cũng tranh thủ cùng đi vì đó là dịp kiểm tra thực lực, xác định vị trí mình và nâng cấp nhân lực, mở rộng mạng lưới. Ông còn cho biết thêm: Năm 2009, trong tình hình ảnh hưởng của khủng hoảng thấm dần và các thương hiệu quốc tế quá mạnh vẫn vừa “dội bom” quảng cáo, vừa tăng lực cho mạng lưới bán lẻ vùng xa, thì mấy chục chuyến hàng Việt về nông thôn đã tiếp sức kịp thời cho DN Việt còn yếu trong cạnh tranh.

Sau gần 30 chuyến bán hàng về nông thôn, DN và nhà tổ chức cùng thấy rõ hơn: bán hàng thực ra không chỉ nhằm bán hàng mà phải tính tới các hoạt động sau đó: tìm hiểu chuyển biến thị trường địa phương và bước tiến của hàng Việt sau chuyến bán hàng, tiếp tục hỗ trợ DN về truyền thông, tiếp tục kết nối DN với mạng lưới phân phối tại chỗ, huấn luyện nâng cấp mạng lưới bán lẻ địa phương. Mở rộng thị trường là việc của chính DN, nhà tổ chức hỗ trợ về kết nối, truyền thông và nâng cao kỹ năng người bán lẻ, đại lý địa phương.

VŨ KHÁNH

Tin cùng chuyên mục