Theo quy hoạch được duyệt, TPHCM sẽ dành 59,43ha ở khu trung tâm TP cho việc quy hoạch công viên cây xanh, chiếm tỷ lệ 6,4% (tăng gấp đôi so với hiện trạng); đồng thời quy hoạch bổ sung và chỉnh trang thêm các khu vực không gian quảng trường (4,41ha), cây xanh cách ly (1,99ha), góp phần tăng thêm tỷ lệ mảng xanh và chức năng công cộng phục vụ người dân trong khu vực.
Hiện TPHCM đã triển khai hiệu quả trục cảnh quan đầu tiên là phố đi bộ Nguyễn Huệ và tiến tới triển khai các trục khác, kết hợp với công tác lập đồ án quản lý không gian kiến trúc tỷ lệ 1/500 khu công viên cảng Bạch Đằng (đang chuẩn bị công tác lập đồ án) và công viên 23-9 (đang tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch kiến trúc cảnh quan). Cùng với định hướng quy hoạch mạng lưới giao thông được duyệt, khu lõi trung tâm thương mại tài chính (phân khu 1 - theo đồ án quy hoạch khu trung tâm 930ha) dự kiến bố trí thành khu vực thương mại sầm uất, dành nhiều không gian cho người đi bộ. Đường Lê Lợi sẽ tiếp nối dự án trục đi bộ Nguyễn Huệ chuyển thành các phố thương mại, mua sắm và kết hợp với vòng xoay trước chợ Bến Thành là quảng trường đi bộ, đồng thời sẽ được mở rộng sang hướng Đông phía sau nhà hát TP để trở thành phố buôn bán quá cảnh, nhằm hướng tới hình thành thêm trục đi bộ phủ xanh kéo dài từ khu Ba Son đến quảng trường trước chợ Bến Thành và công viên 23-9. Tiến độ thực hiện dự án tuyến tàu điện ngầm số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến sẽ sớm bàn giao mặt bằng trong năm 2019, đoạn từ quảng trường trước chợ Bến Thành đến nhà hát TP, nên công tác nghiên cứu thiết kế đô thị - cảnh quan cho trục đường Lê Lợi là yêu cầu cấp bách nhằm tái lập không gian, hoạt động đường phố.
Phạm vi nghiên cứu về thiết kế cảnh quan chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thiết kế kiến trúc cảnh quan khu vực công viên Nhà hát TPHCM (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến điểm giao cắt giữa đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ), kết hợp nghiên cứu phân khu chức năng và bổ sung một số hạng mục cây xanh, tiện ích trên trục đường Nguyễn Huệ nhằm kịp đáp ứng nhu cầu sử dụng của TP trong năm 2019. Giai đoạn 2, hoàn chỉnh thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan của trục đường Lê Lợi (từ ranh thực hiện của giai đoạn 1 đến quảng trường trước chợ Bến Thành và công viên 23-9), hướng tới việc kết nối định hình toàn bộ không gian công cộng kết hợp với không gian ngầm, thương mại dịch vụ theo định hướng quy hoạch được duyệt; đặc biệt chú trọng phương án nối kết không gian khu vực các đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Tôn Đức Thắng và Hàm Nghi.