Danh hiệu nghệ sĩ chân chính

Cứ mỗi đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú thì giới nghệ sĩ lại xôn xao. Không ít sự hồi hộp và cũng không ít sự băn khoăn. Thậm chí xuất hiện cả sự giận dỗi và trách móc. Điều ấy ít nhiều chứng minh rằng, sự tưởng thưởng của xã hội có giá trị không nhỏ đối với cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ.

Trừ vài lần đặc cách phong tặng do hoàn cảnh cụ thể, như danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho ca sĩ Y Moan mới đây, hầu hết các nghệ sĩ muốn được công nhận vị trí đều phải qua một qui trình làm hồ sơ và xét duyệt nghiêm túc. Thế nhưng, nghệ thuật vốn vô cùng vô tận, nên cái hay và cái đẹp trong mắt người này chưa chắc đã đồng thuận với người kia. Hơn nữa, chính đẳng cấp của Hội đồng Thẩm định cũng chỉ mang tính tương đối, chưa hoàn toàn thuyết phục được đại đa số những gương mặt làm đơn xin phong tặng danh hiệu.

Theo lẽ thường, từ một nghệ sĩ đến Nghệ sĩ ưu tú là một khoảng cách, và từ Nghệ sĩ Ưu tú đến Nghệ sĩ nhân dân lại là một khoảng cách nữa. Vài năm trở lại đây, cái khoảng cách ấy càng ngày càng mơ hồ. Có người tên tuổi lừng lẫy nhưng chật vật mới có cái danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, ngược lại có nhân vật mang danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân mà công chúng khá xa lạ.

Đi tìm nguyên nhân thực sự cho thực trạng ấy, hoàn toàn không dễ dàng gì. Bởi lẽ, sự quen biết nhau, sự nể nang nhau, sự ưu ái vùng miền và loại hình nghệ thuật luôn tạo ra nhiều vướng mắc lẫn thị phi!

Có hai thắc mắc tồn tại. Thứ nhất, có nên phong tặng danh hiệu cho những người sáng tác không? Thứ hai, việc bình chọn danh hiệu đang tiến triển theo phương pháp sống lâu lên lão làng chăng? Ở phương diện người sáng tác, nếu là họa sĩ tham gia thiết kế mỹ thuật cho sàn diễn hay màn ảnh thì còn chấp nhận được, chứ nhà biên kịch hay nhạc sĩ thì hình như không quá cần thiết phải trông cậy vào danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú hay Nghệ sĩ nhân dân.

Còn về vấn đề trẻ già, thì ai cũng biết. Đặng Thái Sơn và Lê Dung được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân khi còn thanh xuân. Chút ưu tư có chăng nằm ở chỗ, làm sao có được những tài năng vượt trội để danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân được trao mà ai cũng thấy hài lòng.

Một tiêu chí quan trọng để phong tặng danh hiệu là số lượng huy chương qua các hội diễn. Nói một cách thẳng thắn, mỗi kỳ hội diễn đều có một cơn mưa huy chương, nên diện mạo và phong cách của nghệ sĩ tương đối hạn chế khi muốn lan tỏa vào khán giả.

Mặt khác, nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đã tạo điều kiện tốt đẹp cho nhiều nghệ sĩ chinh phục người hâm mộ và thu nhập ổn định bằng khả năng biểu diễn mà không nhất thiết phải đứng trong đội ngũ một đoàn nghệ thuật nào. Thử hỏi, những nghệ sĩ năng động ấy, thì ai giới thiệu họ đi thi, ai giới thiệu họ ứng cử danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú hay Nghệ sĩ nhân dân?

Có thể khẳng định chắc chắn danh hiệu là sự ghi nhận thiện chí của Nhà nước dành cho những nghệ sĩ biểu diễn có đóng góp làm đẹp cho cuộc sống. Vì vậy, một xứ sở từng bước hội nhập sâu rộng với thế giới như Việt Nam đã đến lúc mạnh dạn loại bỏ cơ chế xin-cho trong việc phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và Nghệ sĩ nhân dân.

Một nghệ sĩ chân chính không mấy người đủ kiên nhẫn ngồi liệt kê ra giấy trắng mực đen về bản thân đã cống hiến như thế nào để cầu mong bất kỳ danh hiệu nào. Phải chăng, chỉ cần thành lập một hội đồng thẩm định thật xuất sắc, thật công tâm rồi sau đó chọn nghệ sĩ để trao danh hiệu, chứ không chờ nghệ sĩ đi tìm danh hiệu? 

LÊ THIẾU NHƠN

Tin cùng chuyên mục