Danh hiệu nghệ sĩ – Ý nghĩa tài năng hay công lao?

Thủy Vân

Mỗi đợt Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) và Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) thì các nghệ sĩ lại rộ lên lời ra tiếng vào trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những người được đề nghị xét tặng danh hiệu trên đều cho rằng: mình xứng đáng vì có thành tích và đủ thời gian cống hiến nghệ thuật! Nghĩa là họ có đủ tài, đức, công lao, thời gian để Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND hoặc NSƯT.

Tặng thưởng danh hiệu NSND và NSƯT cho người có công, có tài là ghi nhận những đóng góp của các nghệ sĩ. Bên cạnh ý nghĩa tôn vinh, trong thời bao cấp nhiều nghệ sĩ đam mê và hết lòng với nghệ thuật còn được chăm lo vật chất với các tiêu chuẩn như nhà cửa, khám chữa bệnh ở bệnh viện. Không ai có tiêu chuẩn, quyền lợi riêng.

Nhưng ngày nay tiêu chuẩn đó không còn. Ý nghĩa tôn vinh về tài năng cũng ngày càng giảm đi. Đó là chưa kể, mỗi lần xét phong tặng danh hiệu, do việc xem xét tiêu chuẩn không phù hợp đã khiến bao nhiêu nghệ sĩ buồn lòng. Không khí đua tranh về tài năng không khỏi bị vẩn đục.

Trên thế giới có rất nhiều nghệ sĩ điện ảnh, sân khấu, nhiều ca sĩ, ban nhạc, nhạc công, người mẫu… không có danh hiệu gì của Nhà nước ban tặng, mà nhắc đến họ ai cũng biết! Vì công chúng thẩm định và công nhận tài năng của họ – Đó chẳng phải sự tôn vinh xứng đáng nhất đối với nghệ sĩ hay sao?

Giá trị tinh thần ấy không gì khác là tài năng của chính họ ban tặng họ. Đương nhiên, khi tài năng được khẳng định thì họ sẽ nhận được các giải thưởng xứng đáng nhất dành cho họ tại quốc gia hoặc thế giới. Giải thưởng mang ý nghĩa tinh thần, đồng thời có giá trị vật chất xứng với sự đóng góp cho nghệ thuật mà họ đam mê hoạt động.

Trở lại vấn đề danh hiệu của nghệ sĩ nước ta. Nhiều người nổi tiếng trong giới văn học nghệ thuật cho rằng: được phong danh hiệu thì cũng oai, đôi khi người ta cứ nhìn vào danh hiệu đó để đánh giá tài năng và thành tích. Thực tế thì có NSND, NSƯT làm quản lý đến cả chục năm, có hoạt động nghệ thuật gì nữa đâu. Nếu để họ biểu diễn và sáng tạo vai diễn đã chắc gì hơn các nghệ sĩ trẻ!

Bởi vậy, có ý kiến cho rằng: Công bằng mà nói, tại thời điểm này, danh hiệu NSND và NSƯT chưa phân biệt rõ đó là danh hiệu tặng vì tài năng hay công lao? Nếu tặng danh hiệu vì tài năng thì các cuộc thi, các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đều có Huy chương và các Hội VHNT đều có Giải thưởng hàng năm của họ.

Nếu vì công lao (thời gian cống hiến và thành tích) thì Nhà nước đã tặng Huân chương Lao động; cơ quan chuyên ngành tặng Huy chương vì sự nghiệp… và tất nhiên có giá trị vật chất kèm theo. Vì vậy, việc tôn vinh nghệ sĩ như việc tặng danh hiệu NSND và NSƯT ở giai đoạn đổi mới hiện nay liệu có còn thiết thực không, khi cuộc sống đã có nhiều phương thức tôn vinh nghệ sĩ một cách trân trọng?  

Báo Sài Gòn Giải Phóng trân trọng mời các vị trí thức, nghệ sĩ các ngành nghệ thuật, công chúng tham gia ý kiến về “Có nên duy trì danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú hay không?”. 

Thủy Vân

Tin cùng chuyên mục