Đánh thức Madagui

Đó là công trình liên doanh giữa Saigontourist với tỉnh Lâm Đồng, mang tên Suối Tiên. Quy mô thì lớn (nghe nói diện tích rừng của khu du lịch đến 500 ha) nhưng vốn thì ít và hình như “địa” không “lợi” - nằm giữa đường TPHCM đi Đà Lạt, nơi có khí hậu khô nóng nhất Lâm Đồng nên khó có thể làm điểm dừng chân cho khách đi Đà Lạt hay từ Đà Lạt về, chứ đừng nói đến chuyện đón khách tham quan, lưu trú…
Đánh thức Madagui

Đó là công trình liên doanh giữa Saigontourist với tỉnh Lâm Đồng, mang tên Suối Tiên. Quy mô thì lớn (nghe nói diện tích rừng của khu du lịch đến 500 ha) nhưng vốn thì ít và hình như “địa” không “lợi” - nằm giữa đường TPHCM đi Đà Lạt, nơi có khí hậu khô nóng nhất Lâm Đồng nên khó có thể làm điểm dừng chân cho khách đi Đà Lạt hay từ Đà Lạt về, chứ đừng nói đến chuyện đón khách tham quan, lưu trú…

Đánh thức Madagui ảnh 1

1 trong 3 hồ bơi trong KDL Madagui.

Khoảng hơn 10 năm trước, trong một lần đi công tác Đà Lạt về, anh Năm Ước, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn đưa chúng tôi vào đó nghỉ chân, ăn cơm trưa. Gọi là khu du lịch (KDL) nhưng chỉ có 1 nhà hàng, 5-6 phòng nghỉ nằm bên con suối khá rộng mang tên Suối Tiên. Bên kia suối là rừng nhưng khi tôi hỏi có vào rừng được không, một nhân viên trả lời không được vì không có cầu qua suối và… bên đó chẳng có gì để xem.

Cho đến năm 2002, nếu KDL Suối Tiên không được cổ phần hóa, thì có lẽ nó cứ tồn tại èo uột bên đường như thế và mất dần tên tuổi bởi KDL Suối Tiên ở quận 9 - sát nách trung tâm TP – ra đời và kinh doanh quá thành công. Năm đó, sau khi cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty cổ phần KDL Madagui, Bùi Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT, rủ tôi lên… xem. Tôi phân vân: “Có cái gì ở đó mà xem?”. Anh bảo, cứ đi, rồi sẽ có cái để xem. Và đúng là có cái để xem thật. Xem… thở bằng tai!

Sau gần 3 giờ đồng hồ hành trình từ TP, chúng tôi đến Suối Tiên và lội qua con suối cạn vô rừng. Mặc dù đã có cái xe Uoat hai cầu sản xuất từ thời còn Liên Xô, nhưng ngồi trên đó mà người lắc lư quăng bên này, quật bên kia như làm xiếc, thì thà đi bộ sướng hơn. Do vậy, mất mấy tiếng đồng hồ, chúng tôi chỉ đi được vài cây số đường rừng, đến được hai địa danh mà những người khám phá trước đó đặt tên là suối Voi và Thạch Lâm là… mắt hoa, gối run, mồ hôi mồ kê vã như tắm. Tôi bảo đùa: “Như thế này mà gọi là du lịch à? Khổ sai thì có!”. Bạn tôi động viên: “Đi khảo sát, mở đường mà, ngon ăn sao được. 5 năm nữa, khi Madagui được đánh thức, ông cứ trở lại mà xem…”.

Những năm sau đó, có vài lần ghé qua, mỗi lần cũng thấy một khác. Đầu tiên là cái cầu treo bắc qua suối Tiên, nghe nói đầu tư cũng gần cả tỷ đồng, nối liền đường với rừng. Bên này cầu là bức tượng một ông già râu dài được dựng bằng bê tông cốt thép. Tôi hỏi tượng gì, Dũng bảo: “Tượng thần rừng Madagui. Đất có thổ công, sông có hà bá thì rừng phải có thần. Chúng tôi thỉnh ngài dậy đểâ chứng kiến…”. Qua cầu treo, vào bên trong, những khu vườn đặc dụng theo kiểu bộ sưu tập cây ăn trái, tre trúc, hoa lan, hoa mai, rừng mưa nhiệt đới… đang hình thành. Điều dễ nhận thấy, thể hiện ý đồ của chủ đầu tư là không phá rừng, bê tông hóa rừng làm KDL như một số nơi đã làm mà là trồng rừng, bảo vệ rừng, làm đa dạng động thực vật rừng, lấy rừng và thiên nhiên hoang dã làm sản phẩm du lịch...

Gần đây, nhân kỷ niệm 5 năm thành lập Công ty Du lịch Madagui, tôi trở lại. Madagui đã được đánh thức! Một KDL tầm cỡ quốc tế đang hình thành từ trong rừng. Bây giờ, KDL ngày trước chỉ còn là trạm nghỉ chân cho khách qua đường đúng nghĩa. Còn muốn nghỉ ngơi, du lịch, khám phá… hãy qua cầu treo, vào rừng. Ở trong đó đã khá đủ các dịch vụ cho du khách, từ resort 4 sao, nhà hàng tiêu chuẩn quốc tế cùng lúc phục vụ 400-500 khách, sân tennis, hồ bơi có diện tích được coi là lớn nhất VN…

Nghĩa là cùng lúc, KDL rừng Madagui có thể đón tiếp hàng trăm du khách hạng sang lưu trú. Về cái sự chơi, khám phá, học hỏi, Madagui có bộ sưu tập thực vật rừng khá phong phú và độc đáo. Ngoài những cây, hoa cỏ vốn có, người ta còn mang về trồng hàng trăm loài hoa, hàng trăm loại cây ăn quả, hàng mấy chục loại tre trúc… ở khắp mọi miền đất nước. Khách đến, nếu đủ sức khỏe thì lội rừng, leo núi để khám phá bí ẩn của rừng Madagui nguyên sinh. Nhẹ hơn thì có thể ngồi bè vượt suối hoặc học cưỡi ngựa. Nếu không thích khám phá, mạo hiểm, du khách cũng có nhiều chỗ để… xem. Như bộ tượng mãnh thú độc đáo có một không hai – những con hổ, sư tử, voi , bò tót, cá sấu, bạch tuộc, con nào con nấy sừng sững bằng cả tòa nhà…

Chúng được điêu khắc trên đá núi, dựa vào hình thế có sẵn. Chỉ cần vài ba năm nữa, khi mưa nắng rêu phong, thì giá trị của nó đúng là không có tiền nào đong đếm được. Đã có hàng chục kilômét đường đá chẻ dẫn từ cầu treo vào khắp các điểm tham quan như hang Dơi, suối Voi, khu vườn ươm, bộ sưu tập thực vật rừng nhiệt đới, những vườn cây đặc dụng… và có thể đi sâu hơn nữa vào rừng cả ngày không hết. Đặc biệt, ở Madagui, ngày cũng như đêm, đi đâu cũng nghe thoang thoảng mùi thơm của hoa, cũng nhìn thấy bên dưới tán xanh rì của cây rừng có nhiều loài hoa rừng, hoa nhà đua nhau khoe sắc.

Đánh thức Madagui ảnh 2

Suối Voi trong rừng Madagui.

Năm 2002, khi tiếp nhận KDL Suối Tiên với vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng, không ai nghĩ chỉ sau 5 năm, mặc dù đã một vài lần tăng vốn lên hơn 20 tỷ đồng, Công ty cổ phần DL Madagui có thể xây dựng được một cơ ngơi như vậy. Hồi đó Chủ tịch HĐQT Bùi Việt Dũng đã phác thảo một ý tưởng, mà nhiều người cho là lãng mạn. Anh nói, đại ý: Trong vòng bán kính 100km từ TPHCM, không mấy nơi còn rừng.

Rừng chiến khu Tây Ninh chỉ còn một cụm nhỏ làm di tích căn cứ TƯ Cục, Rừng Nam Cát Tiên là khu bảo tồn thiên nhiên, là rừng cấm. Rừng đước Cần Giờ là rừng trồng, mới được phục hồi… Chỉ có nơi này - rừng Madagui - nếu được đầu tư, mở mang, mới có thể trở thành KDL rừng duy nhất của cả khu vực TPHCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ… Không ngờ, những điều anh vẽ ra khi đó, giờ hầu hết đã thành hiện thực. Rừng Madagui đã được đánh thức, đã được du khách trong và ngoài nước biết tiếng, thân thiện đặt chân đến. Có cả giới văn nghệ sĩ, các đoàn làm phim chọn làm nơi lưu trú và dựng cảnh quay…

Bây giờ, Madagui đang trở thành điểm nghỉ cuối tuần hấp dẫn. Chiều thứ bảy rời TPHCM lên rừng, được hưởng cái không khí tĩnh lặng, trong lành, thoang thoảng hoa rừng; được ăn bữa tối ngoài trời, dưới tán cây rừng, bên đống lửa rừng bập bùng với thực phẩm là các loại rau rừng như tàu u, rau nhíp, đọt đùng đình, đọt mây và đặc biệt là bắp chuối rừng luộc chấm muối vừng; được uống rượu cần và xem các cô gái, chàng trai Tây Nguyên hát múa theo nhịp cồng chiêng. Và cứ thế mà đi vào giấc ngủ rất sâu, để sáng mở mắt ra đã nghe tiếng chim rừng tấu nhạc… kể cũng thú vị thật.

Trong kế hoạch phát triển, Madagui sắp nhận thêm 500ha để mở rộng thành KDL 1.000 ha. Vài năm nữa, sản phẩm du lịch ở đây sẽ phong phú hơn gấp nhiều lần với những khu bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm, khu bảo tồn linh trưởng mà du khách có thể tham quan, nghiên cứu; sẽ có những bản làng dân tộc K’ho, Stiêng sẵn sàng đón du khách đến tìm hiểu tập tục, văn hóa, sản xuất và đời sống; sẽ có khu di tích căn cứ quân giải phóng trong thời đánh Mỹ, mà du khách vừa tham quan vừa có thể tham gia tour “1 ngày làm chiến sĩ giải phóng”… “Phương châm của chúng tôi là dựa vào rừng, khôi phục rừng để làm du lịch…”. Ông chủ Madagui nói như vậy cũng là nói bí quyết kinh doanh của mình: đầu tư ít tốn kém nhất nhưng mang lại hiệu quả cao nhất… Điều đó đã được chứng minh, đến thời điểm này, giá trị đầu tư của KDL Madagui chưa đến 2 triệu USD, thế nhưng, có nhà đầu tư nước ngoài xin mua cổ phần, đã định giá lên đến cả chục triệu USD…

Nguyễn Đức

Tin cùng chuyên mục