Mấy hôm nay, TPHCM vinh dự chào đón đoàn cán bộ, chiến sĩ (CBCS) tiêu biểu đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo về thăm thành phố mang tên Bác - nơi mà nhiều người lính biển lần đầu tiên đặt chân đến…
Đi trên đường phố của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, các CBCS không khỏi xúc động khi tận mắt nhìn thấy kia là Bến Nhà Rồng, đây là cầu Khánh Hội, kia là Nhà hát TP, chợ Bến Thành… Những cái tên nghe quá đỗi thân thuộc mà nay mới được đặt chân đến và tận mắt chiêm ngưỡng.
Thiếu úy Nguyễn Phùng Hải, người lính từ Nhà giàn DK1/12, nói vui: “Lính nhà giàn sống giữa biển khơi, quanh năm chỉ thấy sóng gió và biển cả, rất ít khi bị say sóng. Vậy mà lần này về TP đông đúc, sôi động và hiện đại bỗng thấy mình bị say như chưa từng say thế bao giờ…”. Thiếu úy Hải tuy còn rất trẻ nhưng anh đã lần lượt làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo tại 5 nhà giàn DK1 khác nhau, có nhà giàn anh quay lại công tác đến lần thứ hai, mỗi lần công tác phải trụ lại nhà giàn từ 6 đến 10 tháng, nhưng anh luôn yêu công việc của mình. Nhiều người hỏi thật anh: “Sống trên nhà giàn chênh vênh giữa biển khơi, có lúc nào anh thấy sợ không?”. Anh thật lòng: “Lúc đầu ra nhà giàn thì có hơi lo, nhưng sau quen dần và thấy bình thường. Gần đây, đồng bào TPHCM giúp đỡ nhiều nên cuộc sống của người lính nhà giàn đã bớt khổ hơn. Ngày nào lính cũng được xem tivi để nắm bắt kịp thời thông tin của TP và cả nước…”.
Nghe tiếng nói từ trái tim của người lính bất chấp cả tính mạng mình để bảo vệ Tổ quốc, trong đó có TPHCM, người dân TP bỗng thấy dâng trào một tình thương bao la dành cho các anh…
Các lính đảo giao lưu với người dân TPHCM.
Trong buổi gặp gỡ giao lưu, một số chị em hỏi: “Sức mạnh nào khiến các anh vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ?”. Thượng úy Ngô Quang Điền, Chính trị viên đảo Đá Thị, khu vực phòng thủ phía Bắc quần đảo Trường Sa thuộc Vùng 4 Hải quân, đáp: “Đó là do tình yêu biển đảo mãnh liệt thấm sâu trong máu thịt mỗi người dân Việt Nam, trong đó có tôi. Vì vậy, ngay khi vừa tròn 18 tuổi, tôi xung phong đi bộ đội để thực hiện giấc mơ làm bộ đội Hải quân, xung phong ra nơi đầu sóng ngọn gió làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc…”.
Trong đoàn CBCS về thăm TP lần này, có chiến sĩ Nguyễn Thái An, năm nay vừa tròn 20 tuổi, nhà ở phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM, đang làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn Đông, thuộc Vùng 4 Hải quân. Thái An bộc bạch: “Lúc trước ở nhà, em cũng như bao bạn trẻ khác chỉ biết vui chơi nhưng từ ngày ra đảo Sinh Tồn Đông làm nhiệm vụ, em thấy các anh đi trước sống rất mẫu mực, dũng cảm, vượt khó khiến em thầm ngưỡng mộ và noi theo. Được sống gần những người lính quả cảm, em thấy mình trưởng thành lên rất nhiều. Về TP lần này, em muốn nhắn nhủ các bạn trẻ hãy vượt qua mọi cám dỗ tầm thường để sống sao cho có ích cho gia đình và xã hội…”.
Gần đây, tình hình biển Đông nói chung và khu vực biển đảo thuộc chủ quyền nước ta nói riêng có những diễn biến phức tạp, nhất là khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa thuộc chủ quyền nước ta, thì lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư đã dũng cảm đương đầu với kẻ xấu, quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vậy điều gì giúp các anh gắn bó tha thiết với biển đến vậy? Anh Trần Văn Thới, tàu HQ 265, Hải đội 512, Lữ đoàn 127 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đóng tại tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Đó là tình yêu biển đảo mãnh liệt, đây cũng là khát vọng tình yêu có từ ngàn đời của ông cha ta mà đến nay các thế hệ con cháu vẫn tiếp tục phát huy cao độ…”.
Chỉ trong 2 ngày đầu đặt chân đến TP mang tên Bác, đoàn CBCS đã gặp gỡ giao lưu với đông đảo cán bộ, công đoàn viên, công nhân viên chức thuộc Liên đoàn Lao động TP; hàng trăm cán bộ, hội viên và nữ thanh niên thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Ở đâu các anh cũng được đón nhận những tình cảm trân trọng và những tấm lòng thân thương nhất của tấm lòng người dân thành phố dành cho người lính biển. Vui nhất là buổi gặp gỡ những sinh viên Trường Đại học Sài Gòn. Tại đây, những người lính biển tay trong tay với các nam nữ sinh viên nhảy quanh ngọn lửa hồng hát vang bài ca kết đoàn. Nhiều bạn sinh viên, đoàn viên thanh niên lần đầu được gặp gỡ các CBCS Hải quân, Cảnh sát biển và Kiểm ngư đã không giấu được xúc động.
Cô gái Dương Lệ Dinh - sinh viên năm nhất Khoa Sư phạm Khoa học xã hội, Trường Đại học Sài Gòn chia sẻ: “Nghe các anh lính đảo trò chuyện, em rất khâm phục và biết ơn những người lính không quản gian khổ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Các anh là tấm gương, là bài học quý giá động viên chúng em nỗ lực học tập, vượt khó để chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”. Cô gái Lê Lam Linh, sinh viên năm thứ 4, Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sài Gòn thì tâm đắc: “Qua trò chuyện giao lưu với các CBCS, chúng em càng hiểu hơn về tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự cường và những hy sinh thầm lặng của các anh. Xin gửi trọn niềm tin vào người lính ở nơi đầu sóng ngọn gió…”.
MINH NGỌC