Dự án trồng cây cao su xóa đói giảm nghèo tại Thừa Thiên - Huế

Đánh trống xin đừng bỏ dùi

Tư thương đắc lợi!
Đánh trống xin đừng bỏ dùi

Từ năm 2002, thông qua dự án “Đa dạng hóa nông nghiệp (ĐDHNN) tại tỉnh Thừa Thiên - Huế” do TƯ hỗ trợ, 230 hộ nông dân xã Hương Thọ, huyện Hương Trà đã trồng được 541,3ha cao su. Tuy nhiên, 1 năm trở lại đây, khi cây cao su chuẩn bị cho mủ thì dự án trên đột ngột ngưng trệ. Người làm vườn hoang mang, dẫn đến quyết định tự ý chuyển nhượng diện tích hoặc mở miệng cạo cao su lấy mủ non đem bán. Việc làm này ảnh hưởng đến mục đích tốt đẹp của dự án và nhất là quá trình sinh trưởng phát triển của cây trồng. Lỗi tại ai?

Tư thương đắc lợi!

Đánh trống xin đừng bỏ dùi ảnh 1

Ông Lê Văn Tám đang khai thác cao su.

Ngày 21-7, UBND xã Hương Thọ đã có thông báo cấm và sẽ xử lý nghiêm những trường hợp tự ý cạo lấy mủ cao su (được trồng theo dự án ĐDHNN) chưa đến tuổi khai thác. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến Hương Thọ, hàng chục hộ trồng cao su tại khe Đầy (tiểu khu 125) vẫn đang thản nhiên cạo mủ. Ông Lê Văn Tám, thôn La Khe Trẹm, xã Hương Thọ, nói rất bức xúc: “Từ khâu trồng mới, đến khi khai thác cao su, nếu tuân thủ theo quy định của dự án là 7 năm. Vườn cao su của chúng tôi trồng được 6 năm và kích cỡ vanh tròn đều đạt từ 50 - 60cm.

Trong khi đó kích cỡ vanh tròn được phép lấy mủ theo hướng dẫn khoa học là 50cm với chiều cao 1m tính từ gốc lên thân cây. Việc người dân chủ động khai thác mủ cao su bán cho tư thương dù có bị ép giá, vẫn có cái lợi. Đó là có được ít tiền trả bớt cho ngân hàng. Chúng tôi rất cần vốn chăm sóc cho cây. Hiện lãi suất ngày càng tăng. Từ cuối năm 2006 đến nay, chúng tôi phải chịu mức 1,75%, trong khi đó giai đoạn 2002-2006 là 1,15%”.

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân còn tự ý chuyển nhượng diện tích vườn cao su cho tư thương khiến mục tiêu của dự án có nguy cơ phá sản. Ông Nguyễn Ngọc Chính - Chủ tịch UBND xã Hương Thọ - thừa nhận: “Dự án ĐDHNN nhằm hỗ trợ vốn và kỹ thuật giúp bà con nông dân trong xã trồng cây cao su, xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững. Nhưng gần một năm nay, khi cây cao su chuẩn bị cho khai thác mủ thì nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án ngưng trệ. Người làm vườn gặp khó khăn trong huy động vốn chăm sóc cây.

Một số hộ đã phải chuyển nhượng diện tích cây cao su. Điều này khiến tư thương thả sức quy định giá. Cụ thể từ đầu năm 2008 đến nay, cao su được tư thương mua với giá thỏa thuận từ 120 - 150 triệu/ha”. “Chúng tôi hỏi: Tại sao xã không can thiệp? Ông Chính lắc đầu: Chúng tôi chỉ vận động bà con không nên chuyển nhượng diện tích cao su, bởi sẽ ảnh hưởng đến mục đích của dự án. Làm sao can thiệp được vì vườn cao su của bà con đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi”.

Đơn vị triển khai lệ thuộc đơn vị chỉ đạo?

Vì sao một dự án xóa đói giảm nghèo, giúp người dân phát triển kinh tế bền vững, đã đi những bước dài và thành công trong 6 năm lại đột ngột ngưng trệ? Ông Phan Văn Huynh, cán bộ Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh giải thích: Theo kế hoạch của dự án, người trồng cao su được hỗ trợ theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, trồng và chăm sóc. Giai đoạn 2, chăm sóc và trang bị kỹ thuật khai thác mủ. Thực tế, giai đoạn 1 đã hoàn thành nhưng giai đoạn 2 chưa được Sở NN-PTNT (cũng là đơn vị chỉ đạo Ban quản lý dự án ĐDHNN) phê duyệt, khiến TTKN tỉnh (đơn vị hỗ trợ kỹ thuật và các khâu liên quan đến cây cao su) không có kinh phí hoạt động. Dự án đành ngưng trệ.

Cây cao su sẽ ra sao khi người làm vườn không được hướng dẫn về kỹ thuật tự ý khai thác? Khai thác cây cao su mới được 6/7 năm tuổi quy định sẽ làm giảm tuổi thọ, ảnh hưởng mạnh đến quá trình tái sinh làm mủ về sau… Để khắc phục tình trạng này, vấn đề không chỉ dừng lại ở những thông báo cấm của chính quyền địa phương, thậm chí dùng những biện pháp mạnh như tịch thu các vật dụng khai thác mủ. Phải giải quyết từ gốc, đó là nhanh chóng khảo sát và phê duyệt giai đoạn 2 của dự án. Tránh kéo dài tình trạng bỏ giữa chừng, mạnh ai người ấy làm. Và với nguồn kinh phí có được, cán bộ khuyến nông sẽ bắt tay tập huấn kỹ thuật khai thác mủ cho người làm vườn, giúp bà con chăm sóc vườn cây đúng quy trình, khai thác hiệu quả cây cao su. Điều này cũng là mục tiêu, ngay từ đầu, dự án hướng đến.

Vũ Văn Thắng

Tin cùng chuyên mục