Sổ tay

Đảo chiều

Đầu năm 2008, nhiều nhà nhập khẩu nhân điều thế giới như Hà Lan, Anh, Úc… đã đến TPHCM làm việc với Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) để đòi nợ khi có không ít doanh nghiệp (DN) trong nước không thực hiện đúng hợp đồng đã ký.

Sự việc là do năm 2007, các DN Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu điều nhân với giá tuy không thấp nhưng gần thời gian giao hàng, giá nhân điều thị trường thế giới tăng mạnh, làm giá điều nguyên liệu trong nước tăng theo, ngay cả nguyên liệu nhập từ châu Phi cũng vậy, nên DN gặp khó khăn khi chế biến giao hàng.

Thực tế này làm các nhà nhập khẩu phẫn nộ vì cho rằng, các công ty mua bán, đóng gói và rang hạt điều nước ngoài bị thiệt hại nặng do sự vi phạm hợp đồng của các DN Việt Nam. Đại diện các nhà nhập khẩu trái cây khô của Hà Lan bức xúc phát biểu, hành động không thực hiện hợp đồng đã ký của khá nhiều công ty xuất khẩu điều nhân VN đã vi phạm nghiêm trọng những chuẩn mực quốc tế…

Có nhà nhập khẩu còn gọi đây là hành động “tống tiền” của các DN Việt Nam do có DN khi gặp khó khăn thật sự đã đề nghị nhà nhập khẩu thương lượng lại giá cả hoặc kéo dài thời gian giao hàng.

Cuối năm 2008 đầu năm 2009, “gió” đổi chiều. Suy thoái kinh tế toàn cầu xuất hiện. Thị trường nhập khẩu nhân điều lớn nhất của VN là Mỹ, EU đang trong giai đoạn khó khăn, qua đó mà việc giữ uy tín kinh doanh của đối tác, kể cả nhà nhập khẩu truyền thống cũng bắt đầu có vấn đề. Nguy cơ bị quỵt hàng, xù nợ, ép giá đã xuất hiện.

Tại hội nghị thu mua điều niên vụ 2009 diễn ra ở TPHCM mới đây, Vinacas đã cảnh báo như vậy.

Theo quyền Chủ tịch Vinacas, ông Nguyễn Đức Thanh, tháng 1-2009, sản lượng và kim ngạch XK toàn ngành điều dưới 10.000 tấn (tháng 12-2008 đạt hơn 12.000 tấn) với giá bán xấp xỉ 4.400 USD/tấn. Dự báo giá bán này có thể sẽ giảm còn 4.000 - 4.200 USD/tấn (giá trung bình năm 2008 đạt trên 5.500 USD/tấn). Sức mua giảm nhưng việc xoi mói và xù nợ hay ép giá của nhà nhập khẩu lại tăng lên.

Ông Vũ Thái Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thạnh Sơn (TPHCM) còn cho rằng, chưa bao giờ ngành điều lại gặp nhiều rủi ro như hiện nay khi uy tín của các bạn hàng truyền thống cũng có vấn đề, thậm chí, có đối tác còn “vạch lá tìm sâu”, chê cả… mùi vị nhân điều nhằm tìm cớ không lấy hàng trong khi việc này chưa hề xảy ra trước đây.

Ngay cả thị trường mới nổi như Trung Quốc, nhiều DN cũng bị khách hàng ghim nợ tới gần 1 tỷ đồng. Nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc ký kết xong, khi hàng đến nơi mới bắt đầu “bới bèo ra bọ” để ép giá.

Khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn hình như mọi người mới bắt đầu thấm thía cái khổ của người khác...

Đăng Lãm

Tin cùng chuyên mục