
Cuối cùng bộ phim Kính vạn hoa phần 3, dựa vào tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được đạo diễn Đỗ Phú Hải “lèo lái” thực hiện tiếp tục. Phim đang ở giai đoạn hậu kỳ; có thể hoàn chỉnh và công chiếu rộng rãi trên màn ảnh nhỏ vào tháng 7 năm nay.
- PV: Phim Kính vạn hoa phần 3, chắc sẽ nhiều thay đổi, thưa anh?
- Đạo diễn ĐỖ PHÚ HẢI: Tôi vẫn tuân thủ theo mạch phim của phần 1, phần 2 của đạo diễn Minh Chung đã thực hiện trước; kết cấu cũng liên tục theo từng câu chuyện xâu kết. Về diễn viên chính có thay đổi vai do Anh Đào đi học nước ngoài và người thế vai này là cô bé Kim Anh. Lúc đầu mới nhận vai, Kim Anh rất lo lắng nhưng chỉ trong thời gian ngắn, em lại hòa nhập dễ dàng và đầy tự tin. Lợi thế nhất cho chúng tôi là các em đã quen diễn xuất và biết cách diễn “ăn ý” nhau, hỗ trợ cho nhau, công việc chỉ đạo diễn xuất cho các em đỡ “thị phạm” mà lại có hiệu quả nhanh hơn. Nhưng chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn khi tuổi diễn viên đã “so le” với tuổi của nhân vật, bởi “chú đạo diễn ơi, cháu đã lớn rồi!”. Các em đâu thể ở mãi tuổi thiếu nhi, thiếu niên để chờ… làm phim.
- Như vậy, đạo diễn đã phải “xoay xở” tình huống như thế nào?

Đạo diễn Đỗ Phú Hải (đứng bìa trái) đang chỉ đạo một cảnh quay trong phim Kính vạn hoa.
- Thực sự mà nói ý tưởng xoay trở tình huống ban đầu không phải do tôi mà là từ sáng kiến của các “fan” của câu lạc bộ Kính vạn hoa. Chính các em đã đề xuất cho những nhân vật yêu quý của mình được lớn lên theo tuổi của diễn viên và cũng được lên lớp như diễn viên.
Cho nên, nếu có điểm khác chăng là giờ đây trong phim, các em đã lớn khôn hơn, chuẩn bị giã từ tuổi nhỏ của mình. Những tình huống như thế này là ngoài ý muốn của đạo diễn và khi bàn với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, anh cũng lắc đầu chịu thua!
- Làm phim thiếu nhi, đạo diễn cảm nhận thế nào khi trước đây anh vẫn thường nhắm vào đề tài của phim người lớn?
- Lâu nay chủ trương của Hãng TFS vẫn không bỏ quên mảng phim dành cho thiếu nhi. Một số phim, hãng đã từng thực hiện trước đây hoặc có chen bóng dáng người lớn, hoặc thuần túy của thiếu nhi như Tuổi thần tiên, Đất phương Nam, Ngũ quái Sài Gòn, Vai diễn đầu đời, Xóm cào cào… Vì vậy, mỗi khi có cơ hội làm phim cho thiếu nhi, chúng tôi cố gắng thực hiện cho bằng được. Thực sự, bộ phim Kính vạn hoa phần 3 nếu không làm là chúng tôi… còn mắc nợ với thiếu nhi!
Còn làm phim cho thiếu nhi? Lúc mới bắt tay vào, tôi cũng rất lo lắng vì phải nghiên cứu lại đủ chuyện và cũng một phần lại phải “trở bộ” sau thời gian làm công tác quản lý, không trực tiếp đi làm phim. Bởi vậy, khi mọi công việc mới bắt đầu là mệt lắm. Nhưng rất may, chính nhờ làm phim với các em đã giúp tôi trẻ lại rất nhiều. Tuổi trẻ luôn năng động, nhặm lẹ, thông thoáng, cập nhật công nghệ thông tin nhanh nhạy và tư duy hiện đại. Thế giới của các em luôn rộng mở, lạ lùng. Bây giờ có thể nói rằng, tôi đã có những người bạn nhỏ tuổi sau khi làm phim Kính vạn hoa; đi đâu các em cũng gọi chú Phú Hải ới ời…
- Về phía nhà sản xuất, anh nghĩ như thế nào về kịch bản phim thiếu nhi hiện nay?
- Quá thiếu! Công bằng mà nói kịch bản nói chung đã là vấn đề rất khó; kịch bản viết cho thiếu nhi hiện nay lại càng khó khăn và hiếm hoi. Chúng ta đang thiếu trầm trọng đội ngũ làm phim cho thiếu nhi! Người viết kịch bản phim thiếu nhi vốn không nhiều và đi tìm người tâm huyết với mảng văn học, phim ảnh dành cho thiếu nhi cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ít ai chịu khó “thâm canh” và “nghiên cứu kỹ” mảnh đất này.
Cho nên chọn viết đề tài thiếu nhi nhưng có mấy người đã “sống với nó thực sự” và “giải mã” được thế giới kỳ diệu của trẻ. Phần nhiều, người lớn cứ áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ và như thế là cứ làm cho các em già trước tuổi, mất tự nhiên, thiếu sức hấp dẫn thực thụ của chuyện phim. Đó là chúng ta chưa nói đến ý tưởng từ kịch bản phim khi thực hiện phải gắn liền với điều kiện, phương tiện kỹ thuật làm phim của chúng ta hiện tại. Hiện nay, kịch bản phim thiếu nhi chúng tôi có được trong tay, hoặc quá quen với những mô-tip nhân vật cũ, hoặc có hơi hướng mô phỏng theo kiểu Harry Potter…
- Trở lại chuyện nghề của một đạo diễn, gần 20 năm hoạt động trong “ngôi nhà truyền hình” và đã thực hiện khoảng gần 10 bộ phim truyện, điều gì anh tâm đắc nhất qua những bộ phim?
- Tôi không thể bộc bạch hết điều mình suy nghĩ về những bộ phim của mình. Mỗi phim mang một đường nét riêng của nó. Có phim thể hiện tính hiện thực cuộc sống đầy bức bối, nghèo khổ nhưng người ta vẫn vươn lên, giữ cho được sự trong sạch, sự tin yêu, tình người, ví dụ như phim Xóm nước đen. Có phim là chuỗi hoài niệm của một nghệ sĩ về thời hoàng kim quá khứ, với sự hy sinh âm thầm của một người phụ nữ như trong Thương hoài ngàn năm; nhưng có phim lại thể hiện quan niệm mạnh mẽ bằng đấu tranh, bằng sức mạnh võ thuật như Những đứa con thành phố.
Lục Vân Tiên là bộ phim tôi luôn nghĩ đến chữ “nghĩa”, “điều phải” truyền thống không phải chỉ có trong văn chương, nghệ thuật mà còn cả ở bên ngoài cuộc sống xã hội. Xã hội lúc nào cũng cần những con người “Kiến nghĩa bất vi vô dũng giả” (thấy việc nghĩa không làm, không phải là người dũng). Nhưng ở Lục Vân Tiên, tôi cũng mong muốn thể hiện một cái nhìn nghệ thuật cách tân (có thể cái mới được hoặc không được chấp nhận!). Nói tóm lại, làm phim nào tôi cũng chăm chút chất nhân văn của câu chuyện, tính nhân ái ở một con người. Có lẽ, một phần là do quan niệm sống của mình… hơi tình cảm!
- Điều anh ưa thích nhất hiện nay là gì?
- Làm phim. Sau khi làm xong Kính vạn hoa, tôi cảm giác “máy đã nóng lên” và cứ trăn trở về một bộ phim mình ấp ủ. Tất nhiên, phải biết chờ đợi cơ hội…
- Cảm ơn đạo diễn.
KIM ỬNG