Đạo diễn Minh Chung: Cần định hướng cho phim truyền hình

Đạo diễn Minh Chung: Cần định hướng cho phim truyền hình
Đạo diễn Minh Chung: Cần định hướng cho phim truyền hình ảnh 1
Đạo diễn Minh Chung (áo đen) và các diễn viên trong phim "Cô gái xấu xí"

Minh Chung hiện được xem là đạo diễn “hot” trong làng phim truyền hình TPHCM. Thời điểm phim truyền hình Việt Nam được mùa như hiện nay, những sản phẩm nhàn nhạt đang nhan nhản, thì các bộ phim do đạo diễn Minh Chung thực hiện hầu hết đều ghi được dấu ấn với số lượng khán giả đón xem đông đảo.

Mới chỉ vài ba bộ phim “Kính vạn hoa”, “Người mẹ nhí”, “Nguyệt quán”, “Cô gái xấu xí” góp mặt cùng truyền hình, cái tên đạo diễn Minh Chung đã trở thành “thương hiệu”. Thế nên làm chưa xong phim này, anh đã nhận được đơn đặt hàng phim khác, toàn là những bộ phim dài tập…

* Sau thành công của “Cô gái xấu xí” với anh sẽ là…

* “Đừng đùa với thiên thần” dài 110 tập, chuyển thể từ kịch bản của Mexico. Đây đang là bộ phim gây sốt tại Mexico và châu Mỹ Latinh, phim được BHD mua bản quyền, Việt hóa kịch bản. Bộ phim này dành riêng cho các bà nội trợ, đặt vấn đề về cách hành xử đối với những người mình thương yêu. Hành xử thế nào thì sẽ nhận được kết quả thế ấy. Ngoài hai nhân vật chính sẽ có khoảng 30 nhân vật thứ chính và phụ với những số phận xuyên suốt 110 tập phim, buộc diễn viên phải theo đoàn trong suốt một năm. Tôi đánh giá đây là một kịch bản hay, tập trung nhiều vấn đề để có thể khai thác… Bộ phim sẽ được bấm máy vào đầu tháng 8.

* Làm phim dài tập, theo anh điều gì khó nhất ?

* Chống chọi với cái ngán. Suốt cả năm trời ngày nào cũng bấy nhiêu con người, cũng cùng bối cảnh, cùng câu chuyện. Thường làm tới tập 50 là có cảm giác ngán. Tuy nhiên, làm phim dài tập cũng có cái thuận lợi: diễn viên do thấm nhân vật nên càng về sau diễn càng tốt…

* Ngoài “Kính vạn hoa”, các bộ phim còn lại của anh đều là chuyển thể từ kịch bản nước ngoài, anh không muốn tự mình viết kịch bản…

* Thú thật là tôi không có thời gian. Điểm thuận lợi của kịch bản nước ngoài là được sáng tác chuyên nghiệp, những câu chuyện có nội dung sâu sắc, nhân vật được xây dựng với cá tính độc đáo..., trong khi phần đông nhà biên kịch trong nước tay nghề yếu, chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, việc chuyển thể một kịch bản nước ngoài không đơn giản. Phim chuyển thể dễ rơi vào tình trạng lai căng, phản cảm. Lỗi thường gặp nhất đó là văn hóa ứng xử. Việt Nam có văn hóa sống, ứng xử hoàn toàn khác so với phương Tây.

Khi chuyển thể đến những đoạn này, mình buộc phải thay đổi hoàn toàn so với kịch bản gốc. Ví dụ như ở phương Tây, con cái đến tuổi trưởng thành sẽ ra ngoài sống tự lập, còn ở mình, nếu chưa lập gia đình, con cái vẫn sống chung với cha mẹ. Hầu hết các gia đình ở Việt Nam đều có bàn thờ gia tiên trong nhà…
 
* Phim truyền hình đang nở rộ, đồng thời dư luận cũng dấy lên nhiều vấn đề cần được chấn chỉnh để hướng đến tính chuyên nghiệp…

* Mức độ phát triển phim truyền hình quá nhanh nhưng cơ sở hạ tầng đi theo như kịch bản, diễn viên, kỹ thuật… không theo kịp. Đội ngũ diễn viên phải “vay mượn” từ ca sĩ, người mẫu. Nhiều đoàn phim lên tiếng về vấn đề diễn viên thiếu tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đòi hỏi tính chuyên nghiệp ở diễn viên là khó, bởi ngay cả nền điện ảnh Việt Nam cũng đâu đã chuyên nghiệp. Diễn viên cũng có người nghiêm túc, có người không.

Một số diễn viên dù đã nhận lời đóng phim với đoàn này nhưng đồng thời còn muốn chạy show những bộ phim khác, những công việc khác, khiến cho đoàn phim bị ảnh hưởng. Có điều, một diễn viên không nghiêm túc dễ bị mang tiếng, các đoàn phim chỉ cần nghe đồn về thái độ làm việc của diễn viên như vậy sẽ chẳng muốn mời. Nếu các đoàn phim cùng liên kết với nhau, tẩy chay những diễn viên thiếu nghiêm túc trong công việc, tôi nghĩ sẽ hạn chế được tình trạng này.
 
Ngoài vấn đề thiếu kịch bản hay, nhà tài trợ cũng là một vấn đề nhiều khi nan giải. Việc phụ thuộc vào tài trợ khiến cho các nhà làm phim mất đi tính sáng tạo, trong khi tính quảng cáo trong phim vì thế trở nên lộ liễu… Đặc biệt, bức xúc lớn nhất hiện nay của các hãng phim chính là đầu ra cho tác phẩm. Đài truyền hình là đơn vị độc quyền phát sóng, các hãng phim hoàn toàn lệ thuộc vào việc đài “cấp quota”. Nhiều hãng phim không dám sản xuất khi chưa nhận được “quota”, đó chính là lý do có hãng kiếm được cái nào làm cái đó.
 
* Như vậy, trong tình trạng trăm hoa đua nở sản xuất phim truyền hình như hiện nay, điều anh tâm huyết nhất và thấy cần phải lên tiếng là gì?
 
* Kinh phí sản xuất phim cũng do đài truyền hình quyết định. Dù hay hay dở, thu hút được nhiều hay ít quảng cáo, cũng chỉ chừng đó tiền. Điều này khiến cho các nhà sản xuất không có động lực để làm cho tốt, cho hay. Tuy còn nhiều hạn chế nhưng cũng cần nhìn nhận mặt tích cực là phim Việt Nam đã chiếm lĩnh được sóng truyền hình.

Mọi việc đều có tính đào thải. Vì kinh phí thấp khiến cho nhiều bộ phim làm ẩu, làm nhanh để đỡ tốn kém, dẫn đến tình trạng phim dở, phản cảm và bị khán giả tẩy chay. Khi đó nhà tài trợ cũng bỏ chạy. Nếu tình trạng ấy tiếp diễn, nhà sản xuất sẽ buộc phải củng cố lại nếu không muốn ngưng sản xuất.
 
Một điều nữa là phim của mình đang thiếu tính định hướng. Bạn có để ý những bộ phim truyền hình của Hàn Quốc, họ định hướng rất rõ ràng về truyền thống gia đình. Tôi luôn cố gắng đề cập đến vấn đề nề nếp gia đình trong những bộ phim do mình thực hiện. Theo tôi, Cục Điện ảnh nên định hướng cho phim truyền hình Việt Nam để tránh tình trạng phim Việt Nam nhưng khán giả Việt Nam lại cảm thấy xa lạ…

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục