Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Giá như 200 tỷ đồng được đầu tư cho 100 suất du học

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Giá như 200 tỷ đồng được đầu tư cho 100 suất du học

Chàng trai có nickname thân mật “Dũng Khùng” là một trong số hiếm hoi những gương mặt đạo diễn trẻ, tài năng, xuất hiện trong làng điện ảnh Việt Nam thời gian gần đây. Bộ phim Nụ hôn Thần chết do anh làm đạo diễn vừa đoạt giải bạc Cánh diều 2007 (đồng hạng với phim Trái tim bé bỏng của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân). Nụ hôn Thần chết còn đoạt một số giải thưởng khác trong đó có giải biên kịch xuất sắc (cũng do Nguyễn Quang Dũng viết kịch bản).

* PV:
Vừa làm đạo diễn vừa tự viết kịch bản, anh có hơi… tham việc quá không?

* Đạo diễn NGUYỄN QUANG DŨNG:
Tôi thực sự không có ý định tự viết kịch bản rồi tự làm đạo diễn. Nó do hoàn cảnh riêng của điện ảnh Việt Nam. Khi phần lớn kịch bản hay ở các hãng sẽ được phân cho những đạo diễn thế hệ đàn anh có tên tuổi thì rõ ràng cơ hội làm phim dành cho các đạo diễn trẻ rất hiếm hoi.

Nếu muốn định ra hướng đi mới cho mình, chúng tôi chỉ còn cách tự viết kịch bản. Mặc dù, kinh nghiệm của các nhà điện ảnh Hollywood đều cho rằng đạo diễn không nên viết kịch bản, vì điều đó sẽ làm hạn chế sự sáng tạo của nghệ sĩ. Có nhiều ý tưởng nghệ thuật, tác phẩm điện ảnh được sáng tạo hay hơn.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Giá như 200 tỷ đồng được đầu tư cho 100 suất du học ảnh 1

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và diễn viên Thanh Hằng.

* Nhưng đạo diễn Quang Dũng cũng vừa có kinh nghiệm tốt khi giật giải Cánh diều biên kịch Nụ hôn Thần chết?

* Tất nhiên đây cũng là kinh nghiệm nhỏ. Tôi cho rằng viết kịch bản là khâu “nặng” nhất. Ưu thế có được chăng là khi tự viết kịch bản, đạo diễn có thể xoay xở theo nhiều hướng chọn lựa riêng của anh ta; có thể điều chỉnh được tiết tấu phim, bởi biên kịch-đạo diễn là “2 trong 1”.

Tự viết kịch bản, tôi hiểu từng câu chữ, hình ảnh, hiệu quả trong kịch bản sẽ chi phối mọi công việc trong bộ phim . Hình dung về thế giới nghệ thuật trên trang giấy, trên mô hình luôn được tính toán, cân nhắc kỹ. Với tôi, đây công việc đầy trách nhiệm để làm thế nào cho ra đời một bộ phim có tính khả thi và phải thu hút được khán giả đến rạp.

Một ưu thế cần nói thêm, tôi là người rất mê kỹ thuật và có kinh nghiệm 3 năm làm phim quảng cáo. Từ những kinh nghiệm thiết thực trong nghề dựng phim cùng mối quan hệ quen biết với các công ty làm kỹ xảo phim, tôi có thể tính toán, đoán định được những bước đi nào các nhà làm kỹ xảo có thể “làm được chuyện”… Nhưng quan niệm làm phim của tôi trọng tâm vẫn là nội dung câu chuyện, là số phận nhân vật. Thực hiện kỹ xảo chỉ là phương tiện làm tăng thêm tính hấp dẫn câu chuyện.

* Công việc của đạo diễn Quang Dũng hiện nay sau Nụ hôn Thần chết?

* Làm xong phim, tôi đã suy nghĩ đến nhiều ý tưởng cho dự án mới. Kinh nghiệm cho thấy làm phim là sự chắt lọc vốn sống, vốn điện ảnh và phải “luyện công” qua cập nhật thông tin qua sách, báo phim, ảnh liên tục. Tôi có thói quen truy cập Internet mỗi sáng, theo dõi những thông tin về nhiếp ảnh, mỹ thuật, đồ họa, âm nhạc…

Những thông tin cập nhật sẽ giúp mình hiểu biết, nắm bắt quan niệm, thị hiếu thẩm mỹ đương đại của thế giới để kết nối, so sánh, đối chiếu và biết chọn lọc, tiếp thu cái gì hay, cái gì cần thiết. Về cách làm phim, chúng tôi quan tâm đến giọng điệu mới trong cách kể chuyện phim; chú ý thể loại phim hấp dẫn nào vẫn còn thiếu vắng trong điện ảnh Việt Nam. Lớp đạo diễn trẻ chúng tôi luôn tự cảnh báo nhau phải tìm đúng mạch, đúng hướng đi của thời đại mình. Phải sáng tạo! Sợ nhất là sự lặp lại mà cái sau lại không vượt lên ngưỡng cái trước!

Hiện nay, tôi đang hướng đến một kịch bản phim vừa mang yếu tố hài vừa hành động và chắc chắn sẽ làm khán giả hồi hộp đến… thót tim!

* Các đạo diễn trẻ có quan tâm đến tình hình điện ảnh Việt Nam hiện nay?

* Quan tâm chứ! Người ta thường chê điện ảnh Việt Nam dở, thiếu kém đủ thứ nhưng tôi nghĩ không phải cái dở đó là do mình thiếu tiền, thiếu kỹ thuật mà là thiếu người tài. Nhất là chúng ta thiếu người tài am hiểu công nghệ, kỹ thuật điện ảnh… Tại sao chúng ta không có chiến lược đào tạo nhân tài ở ngành điện ảnh? Cho nên khi dư luận dấy lên câu chuyện về đề án gần 200 tỷ đồng dành cho phim Thái Tổ Lý Công Uẩn nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long thực sự cũng có tác động đến lớp đạo diễn trẻ chúng tôi.

Chúng tôi nghĩ về ý nghĩa thực hiện bộ phim là rất hay nhưng bộ phim được thực hiện với kinh phí lớn như vậy, khi làm xong, liệu có được công chúng tiếp nhận hay cũng trôi tuột theo thời gian…! Điều này chắc chắn sẽ làm lãng phí tiền bạc của nhân dân, làm hao tổn công sức của nhiều người.

Giá như với kinh phí ấy được đầu tư vào công việc đào tạo nhân tài cho ngành điện ảnh thì hay hơn: 200 tỷ đồng cho 100 suất học bổng du học các nước có nền điện ảnh phát triển cao. Đầu tư ngay bây giờ để 10 năm nữa, nền điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, không thua kém ai. Kinh nghiệm của điện ảnh Hàn Quốc về thế hệ điện ảnh trẻ được đào tạo bài bản ở Hollywood cũng là tấm gương để chúng ta học tập.

* Suy nghĩ của anh về khán giả điện ảnh Việt Nam hiện nay?

* Tôi luôn quan tâm đến họ, đó là bài học đầu tiên của lớp đạo diễn trẻ chúng tôi. Khi làm phim mình phải nghĩ đến làm cho ai xem và làm phim không phải để tiêu tiền người khác một cách thoải mái. Phải có hiệu quả với công việc mình đang theo đuổi. Tôi thường mua vé xem phim để được hòa mình với cảm xúc của khán giả, cùng thưởng thức phim với họ để hiểu rõ tâm lý, thị hiếu thẩm mỹ của khán giả.

Đa số khán giả bây giờ là những người có trình độ kiến thức, văn hóa sâu rộng. Có người xem không bỏ sót bộ phim hay nào của nước ngoài nhưng họ vẫn thích đến rạp tìm xem phim Việt Nam. Điều đó chứng tỏ, khán giả còn yêu quý phim Việt Nam, còn kỳ vọng ở những người làm phim Việt Nam, muốn tìm xem cái gì mới hơn ở phim Việt. Đừng quên rằng chính khán giả Việt Nam đã làm nên thị trường phim Việt Nam và đây là mảnh đất béo bở để các “đại gia điện ảnh” nước ngoài lần lượt tìm cách thăm dò, tiếp cận thị trường điện ảnh ở Việt Nam…

* Cảm ơn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. 

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục