
Đời sống Sân khấu Hà Nội những ngày hè 2007 hầu như vắng bóng các vở diễn. Tuy nhiên, có một nơi vẫn sáng ánh đèn, đó là Nhà hát Tuổi Trẻ với vở mới: “Những quân bài định mệnh”. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Lê Hùng (ảnh), không chỉ quanh vở diễn...
* Phóng viên: Theo ông, làm thế nào để nhận ra một kịch bản hay?

* Ông LÊ HÙNG: Cái đó rất khó, vì nhiều khi kịch bản khi đọc lên hay nhưng ý tưởng lại không thể phát triển được, không gây được ấn tượng, khi dựng lại thành không hay. Còn có những kịch bản cách hành văn, cách bố cục lớp lang thì thấy là không hay nhưng ý tưởng lại được.
Ví dụ như vở kịch hình thể “Hàn Mặc Tử”, với ý tưởng 100 phút cuối cùng của cuộc đời ông. Tôi đã nhìn thấy ngay sự khao khát cuộc sống để tiếp tục, được yêu, được làm thơ, được sáng tạo. Cho dù cơ thể bệnh tật, nhưng Hàn Mặc Tử đã có những áng thơ bất hủ. Vở kịch này cũng đã gây được sự chú ý của dư luận. Sắp tới đây, xuất phát từ tình cảm bấy lâu nay dành cho mẹ, tôi sẽ dựng vở kịch hình thể “Vườn thiên đàng”. Hy vọng, vở kịch này cũng sẽ góp phần “làm nóng” sân khấu thủ đô.
* Có nhiều ý kiến cho rằng, Lê Hùng nổi tiếng trong làng sân khấu là thích sửa kịch bản theo ý mình. Vậy thì ông có nghĩ đến tác giả khi bị sửa kịch bản không hài lòng?
* Đa số là các tác giả nhất trí, một số tác giả thậm chí không nói ra mặc dù công của Lê Hùng rất nhiều. Một số tác giả thì xót xa chữ nghĩa của họ nhưng hầu như không có sự mâu thuẫn nào. Bởi vì, ngôn ngữ của đạo diễn và ngôn ngữ của tác giả là hai ngôn ngữ khác nhau. Ngôn ngữ kịch bản là ngôn ngữ của văn học. Ngôn ngữ của vở diễn là ngôn ngữ của đạo diễn. Hiện nay, Nhà hát Tuổi Trẻ vẫn có nhóm biên tập riêng cho nên thi thoảng vẫn mời cố vấn văn học kịch như chị Nguyễn Thị Minh Thái.
* Diễn viên trong con mắt của ông là những người như thế nào?
* Là bộ mặt của đạo diễn, họ đã thể hiện những gì đạo diễn mong muốn. Họ chính là nhịp cầu để nối đạo diễn và khán giả, đồng thời là khuôn mặt của đạo diễn. Nếu đạo diễn không biết yêu diễn viên kể cả những khiếm khuyết của họ thì đạo diễn đó kém. Đừng bao giờ biến diễn viên thành những con rối, như vậy diễn viên sẽ trở thành những cái máy và không thể chinh phục được khán giả.
* Quay lại vở diễn đang gây sự chú ý đối với khán giả thủ đô, đưa vấn đề tham nhũng trong đời sống lên sân khấu không dễ, vở “Những quân bài định mệnh” lần này, ông có bí quyết gì để vẫn có khán giả mà không mất đi tính giáo dục?
* Tham nhũng có thể làm cho cuộc đời người ta sung sướng hơn, đầy đủ hơn. Lần này, tôi không đưa ra những chuyện đó, không đưa ra những cảnh ăn chơi trác táng của những kẻ có tiền. Mà tôi đưa ra bi kịch của vợ con họ phải gánh chịu. Như cái giá mà họ phải trả trong cuộc đời, nếu anh không trả thì vợ con anh phải trả!
* Phong cách của đạo diễn Lê Hùng là gì?
* Với Lê Hùng, chỉ có thể nói là ấn tượng.Tôi luôn thực hiện lời các cụ dạy là “có tích mới dịch nên trò”. Vì người ta nói là đi xem trò chứ không ai nói là đi nghe trò. Khi khán giả xem những tác phẩm của Lê Hùng thì ấn tượng bởi đầy ắp những trò diễn, tất cả những tình tiết luôn bám chặt lấy nhau. Còn không ngoại trừ có những trò diễn không ăn nhập với nhau thì đó là chuyện bình thường.
* Về vấn đề ê kíp trong mỗi lần dựng vở - mỗi một tác phẩm mới bao giờ cũng là tên họa sĩ, tác giả quen thuộc. Tại sao không đặt hàng và tin tưởng nhiều vào lớp trẻ hiện nay?
* Nhà hát Tuổi Trẻ vẫn đặt hàng với nhiều nghệ sĩ trẻ tuổi như họa sĩ Doãn Bằng, nhà viết kịch trẻ Thu Phương… Có cả những nghệ sĩ không mấy tên tuổi nhưng khi làm việc vẫn đạt hiệu quả cao. Tôi luôn tin vào lớp trẻ và mong họ sẽ sáng tạo được nhiều hơn.
* Dự định của ông để phát triển Nhà hát Tuổi Trẻ trong tương lai?
* Luôn luôn tìm tòi cái mới trong sự hội nhập hiện nay của đất nước, tôi hy vọng Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ vươn xa hơn nữa không chỉ trong nước mà còn bước ra tầm thế giới.
BÙI HỒNG QUẾ