Đạo diễn Phan Huyền Thư: Điện ảnh là sự thức tỉnh…

Đạo diễn Phan Huyền Thư: Điện ảnh là sự thức tỉnh…

Chuyện “xưa nay hiếm” đã xảy ra ở giải Cánh diều 2007: hai tác phẩm của cùng một tác giả đều đoạt Cánh diều Bạc và tác giả của chúng “ẵm” luôn giải Đạo diễn xuất sắc nhất của thể loại phim tài liệu video. Đó là nhà thơ, nhà biên kịch, đạo diễn Phan Huyền Thư với hai bộ phim Cha mẹ xin lỗi con và Mẹ, con đã về.

Đạo diễn Phan Huyền Thư: Điện ảnh là sự thức tỉnh… ảnh 1

Đạo diễn Phan Huyền Thư (bên phải) trên trường quay.

- Có vẻ Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương ưu ái đối với chị khi gửi cả hai tác phẩm của chị dự giải Cánh diều 2007?

Tôi nghĩ rằng, tôi đã quá được ưu ái. Đối với nghề đạo diễn phim tài liệu, ở hãng phim của tôi xưa nay, thường thì người ta được làm nghề thực sự từ khoảng 45 - 50 tuổi. Năm 2004, với bộ phim Khoa do tôi tự quay, và đạo diễn (bài thi tốt nghiệp khóa đào tạo Artelier Varan của Pháp tại VN), khi tôi 32 tuổi. Với phim Khoa, tôi được các bạn chọn để mời sang Nhật, Hàn Quốc và Pháp để trình chiếu và dự Festival Nữ đạo diễn thế giới.

Việc hãng gửi cả hai phim của tôi đi dự giải Cánh diều tuân theo nguyên tắc được áp dụng từ hàng chục năm nay là áp điểm từ cao xuống thấp. Năm vừa qua, sau khi tổng kết nghệ thuật (có chấm điểm và bỏ phiếu), không tính ba bộ phim nhựa thì trong số các phim video khoa học và tài liệu, phim của tôi đứng số một và hai. Vậy là được gửi đi thôi.

- Đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất chắc hẳn là niềm động viên với những nhà làm phim tài liệu trẻ như chị. Liệu giải thưởng có gây áp lực cho chị trong công việc và khiến chị… khó khăn hơn trong quan hệ với các đồng nghiệp - những người làm phim lâu năm hơn chị?

Với tất cả những người đoạt giải, không riêng gì tôi, thường gặp hai loại áp lực: tích cực và tiêu cực. Cả hai đều cần thiết. Nhưng tôi thấy ấm áp khi cảm nhận rất rõ được sự công nhận của bạn bè đồng nghiệp. Quan trọng nhất là cảm giác đã nắm được bàn tay của các thế hệ đi trước chìa ra dắt mình đi cùng.

- Có người cho rằng, chị khôn khéo trong việc chọn ra những nhân vật điển hình làm chủ đề cho bộ phim nên dễ đi đến thành công, hay chị chọn được những đề tài dễ lấy nước mắt của khán giả và… dễ giành giải thưởng. Ý kiến khác đánh giá, các tác phẩm của chị đặt ra được những vấn đề bắt người xem phải suy ngẫm. Chị nghĩ gì về những ý kiến này?

“Hàng ngàn thai nhi bị vứt bỏ như bệnh phẩm và rác rưởi, những đứa trẻ bị bỏ rơi và sự thống hối của con người trong Cha mẹ xin lỗi con khiến chúng ta tự điều chỉnh hành vi sống của mình. Mẹ, con đã về là cuộc vật lộn với cái chết, sự giằng co giữa bệnh tật đau ốm và miếng cơm, viên thuốc từng ngày của những người nghèo khổ trong xã hội… Hai bộ phim là hai nỗi đau của con người. Tôi tin rằng, không chỉ riêng tôi, bất kỳ ai có lương tri đều sẽ phải ám ảnh và suy nghĩ về những gì mình đã chứng kiến…”. (Phan Huyền Thư)

Với tôi, những ý kiến trên đều là lời khen. Chỉ có điều, với ai hiểu và muốn chia sẻ với tôi thì đó là thành quả lao động thực sự, thậm chí còn là sự hi sinh rất nhiều thứ riêng tư mà một người phụ nữ nên được hưởng nữa... Còn ngược lại, ai đã không ưa tôi sẽ thấy ở đó nhiều sự tính toán và ham hố, muốn vươn lên bằng mọi cách... Khôn khéo? “Tính từ” này hình như rất hay được gắn với tôi và bao giờ tôi cũng nhận thấy ở đó sắc thái xấu nhiều hơn tốt! Phải xem lại từ điển tiếng Việt nhỉ (cười). Tôi nghĩ, mọi người đều có quyền suy diễn và phát ngôn.

- Người ta nói, để làm phim tài liệu hay cũng phải biết bày trò. Chị thì sao?

Tôi không biết “người ta” là ai, nhưng tôi tin rằng, đó là một người rất biết nghề. Bày trò trong phim tài liệu có nghĩa là phải biết “dan díu” với nhân vật, với bối cảnh, với câu chuyện để “dụ dỗ” người ta tự bộc lộ trên phim. Riêng tôi thì có một số nguyên tắc tự đặt ra cho mình, chẳng hạn: không dàn dựng  những “sự thật giả”, chỉ tái hiện những gì vẫn thường là sự thật để phục vụ mục đích thẩm mỹ nghệ thuật mà thôi. Tôi cũng tin rằng, xem phim của tôi, khán giả cảm nhận được sự chân thành và trung thực đó.

- Từng nhiều năm làm báo, chị có đưa tư duy báo chí vào phim tài liệu?

Tôi chỉ đưa tư duy thơ vào phim thôi. Tôi quan tâm đến chất thơ và cảm xúc thẩm mỹ nhiều hơn là tính báo chí. Tôi cũng biết, có người cảm giác phim của tôi giống với phim truyện... Chúng tôi vẫn gọi đùa đó là những bộ phim “tài - truyện” chứ không phải tài liệu. Tuy vậy, tôi không muốn áp đặt khiên cưỡng điều mình nghĩ lên màn ảnh và bằng lời bình... Phải hàm ngôn hơn thì mới gần với thơ chứ... Với lại, nhiệm vụ của nghệ thuật là đặt câu hỏi chứ đâu phải trả lời. Câu hỏi càng rõ ràng, súc tích thì người xem càng dễ tìm ra cách trả lời. Điện ảnh là sự thức tỉnh, không phải sự tuyên truyền, nên tôi không thấy nó gần với tư duy báo chí lắm.

- Xin cảm ơn chị.

Võ Thâm thực hiện

Tin cùng chuyên mục