Đạo diễn Pháp Markus Hansen: Sự ám ảnh của con người luôn thu hút tôi

Đạo diễn Pháp Markus Hansen: Sự ám ảnh của con người luôn thu hút tôi

Nung nấu ý định thực hiện bộ phim trong gần 7 năm, cuối cùng, vào những ngày cuối năm 2006, Markus Hansen đã cùng nhân vật của mình đến Việt Nam để thực hiện bộ phim “Bài ca cứu rỗi của Billy Bang”… Markus Hansen, một trong hai đạo diễn Pháp của bộ phim đã trò chuyện với chúng tôi.

PV: Xuất phát từ ý tưởng nào anh thực hiện bộ phim này?

Đạo diễn Pháp Markus Hansen: Sự ám ảnh của con người luôn thu hút tôi ảnh 1
Đạo diễn Pháp Markus Hansen. Ảnh: H.G.

MARKUS HANSEN: Cách đây 10 năm, tôi gặp Billy ở Chicago, khi ấy tôi sang Mỹ với dự định làm một bộ phim. Bẵng đi một thời gian, mãi đến năm 2001, tôi mới gặp lại Billy, anh tâm sự với tôi, anh quyết định sẽ trở về Việt Nam để giải thoát khỏi nỗi ám ảnh của mình. Quá khứ chiến tranh ở Việt Nam đã hành hạ anh suốt 40 năm qua, anh hỏi tôi có muốn đi cùng anh không? Và rồi chúng tôi đã có 6 tuần ở Việt Nam, cùng đi tìm sự bình yên trong tâm hồn cho Billy...

Tại sao lại là “Bài ca cứu rỗi”? Anh bị hấp dẫn bởi điều gì ở nhân vật này?

“Cứu rỗi” chính là điều Billy tìm kiếm, anh muốn được giải thoát khỏi những ám ảnh sai lầm trong quá khứ. Trong phim, các bạn cũng thấy khi Billy đi vào Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, anh nói nhiều về những sai lầm của mình… “Bài ca” là sự cảm nhận của riêng tôi, rõ ràng toàn bộ bộ phim là một bài ca với âm nhạc của Billy và âm nhạc Việt Nam.

Nói về Billy, ngay từ lần gặp đầu tiên, tôi đã cảm nhận ở anh nguồn năng lượng rất mạnh mẽ, tôi thử đặt mình vào vị trí của anh, vào những gì anh đã trải qua, vào nỗi ám ảnh dẫn đến việc anh nghiện ma túy và bị nhiều rối loạn trong cuộc sống… Ở Billy vừa có cái khao khát thoát ra khỏi nỗi ám ảnh, vừa muốn tìm lại sự bình lặng trong tâm hồn. Tôi bị Billy thu hút bởi chính tính cách và âm nhạc của anh...

Dường như không có sự sắp đặt trong bộ phim?

Những gì Billy kể trong phim hoàn toàn là ứng tác, không hề có biên kịch hay sắp xếp lời thoại trước. Điều này xuất phát từ chính bản tính của Billy, anh vốn là một nhạc sĩ và khi biểu diễn, anh ứng tác rất nhiều. Làm phim với một nhân vật như vậy rất khó, nhưng điều đó đã khiến tôi thích thú. Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam để thực hiện bộ phim, do đó, bối cảnh tôi không hề biết trước. Billy rất ngẫu hứng, vì vậy chúng tôi không thể sắp đặt trước mọi chuyện, chuẩn bị về góc máy, ánh sáng… Khi cảm xúc của Billy dâng lên, đoàn phim cứ thế bị cuốn theo...

Bộ phim trải dài từ Nam ra Bắc với một dụng ý…?

Trước khi làm phim, tôi đã nghiên cứu rất nhiều về Billy và những gì liên quan đến chiến tranh Việt Nam giai đoạn đó. Quá trình làm phim bắt đầu từ Sài Gòn, là nơi mà Billy đã tham chiến, rồi đến các vùng núi Tây Nguyên, sau đó ra Hà Nội. Billy chưa biết Hà Nội, chưa biết văn hóa, không khí Hà Nội như thế nào, nhưng âm nhạc Việt Nam thì lại gần gũi với anh.

Trước khi sang Việt Nam, chúng tôi cũng gặp một chuyên gia chuyên nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam ở Paris là GS-TS Trần Quang Hải (con của GS Trần Văn Khê), và nhờ anh ấy giới thiệu những địa chỉ ở Việt Nam. Những người nước ngoài sẽ không thể tưởng tượng được sự phong phú và đa dạng của âm nhạc Việt Nam... Một đặc điểm nữa là người Việt Nam rất hiếu khách nên mọi liên lạc, tiếp xúc thật dễ dàng. Đặc biệt khi đến Kon Tum, gặp Siu Black, tôi nghĩ đó là lần đầu tiên dàn nhạc cồng chiêng Tây Nguyên chơi nhạc chung với một người nước ngoài…

Sau chuyến trở lại Việt Nam, Billy có thoát khỏi nỗi ám ảnh của mình không?

Một điều quan trọng mà các bạn thấy trong phim, đó là chuyến đi này đã làm thay đổi hình ảnh Việt Nam ở trong Billy. Hồi Billy sang Việt Nam tham chiến, anh không tiếp xúc nhiều với người Việt Nam, thời gian chủ yếu của anh là cầm súng ở trong rừng và lúc nào anh cũng sợ hãi, bị ám ảnh bởi bom đạn. Lần này sang, anh có dịp gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với người Việt Nam, kể cả những nhạc sĩ. Mọi người thấy Billy rất thân thiện, rõ ràng chuyến đi này đã làm thay đổi hình ảnh Việt Nam trong Billy.

Khán giả muốn biết nhiều hơn về đạo diễn Markus Hansen…

Tôi sinh ra tại Đức, từng sống ở Anh, Mỹ và hiện giờ sống, làm việc tại Pháp. Xuất phát điểm của tôi không phải là một đạo diễn, tôi là nghệ sĩ làm triển lãm sắp đặt video. Tôi quan tâm đến điện ảnh cách đây khoảng 15 năm, khi tôi sang Pháp. Tôi đã làm một số phim ngắn. Tôi luôn bị thu hút bởi những gì liên quan đến sự ám ảnh của con người. Chính vì vậy, khi gặp Billy tôi quyết định làm phim về anh. Sau phim “Bài ca cứu rỗi”, tôi đang thực hiện một dự án làm phim khác nhưng không phải là phim tài liệu.

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục