Đạo diễn Trần Anh Hùng: Mỗi bộ phim là một món quà dành cho khán giả

  Sáu năm kể từ sau bộ phim Rừng Na Uy, đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng trở lại với khán giả Việt Nam bằng bộ phim Vĩnh cửu. Và lần nào cũng vậy, sự có mặt của anh cùng với bộ phim mới, luôn nhận được nhiều sự quan tâm, yêu mến của tất cả những người làm nghề. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Trần Anh Hùng.
Đạo diễn Trần Anh Hùng: Mỗi bộ phim là một món quà dành cho khán giả
Đạo diễn Trần Anh Hùng: Mỗi bộ phim là một món quà dành cho khán giả ảnh 1

Sáu năm kể từ sau bộ phim Rừng Na Uy, đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng trở lại với khán giả Việt Nam bằng bộ phim Vĩnh cửu. Và lần nào cũng vậy, sự có mặt của anh cùng với bộ phim mới, luôn nhận được nhiều sự quan tâm, yêu mến của tất cả những người làm nghề. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Trần Anh Hùng.

Phóng viên: Điều gì khiến anh quyết định chuyển thể tiểu thuyết L’élegance des veuves (tên tiếng Việt: Nét duyên góa phụ - do Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam biên dịch và xuất bản) thành kịch bản phim Eternité - Vĩnh cửu?

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Đó chính là cảm xúc mà tôi nhận được từ cuốn sách. Đó là một cuốn sách rất xúc động, tôi đọc và khóc, khóc một cách sâu xa. Cuốn sách đã cho tôi một cái nhìn xa xăm về đời sống, về sự phóng khoáng rộng rãi và sự phong phú... Tôi cảm nhận cùng lúc thật nhiều tâm trạng: tội lỗi, niềm vui, nỗi buồn, những thèm khát, thiếu hụt... Một cảm xúc rất đặc biệt. Cuốn sách có ngôn ngữ điện ảnh để truyền đến khán giả. Có thể họ không hiểu, khó phân tích, nhưng người xem sẽ cảm được.

Với cá nhân tôi, phim ấn tượng bởi những khung hình rất đẹp và khung hình đẹp hình như đã là thương hiệu của đạo diễn Trần Anh Hùng. Nhưng quả thực, tôi không hiểu lắm về bộ phim này?

Vĩnh cửu không phải là phim ca ngợi hay truyền bá điều gì. Phim nói lên những nhân vật đã sống ở thế kỷ 19 và họ đã sống như thế. Cái đẹp chính là cảm giác, cảm xúc. Cảm xúc ở đây là người phụ nữ vừa mất một đứa con, lại có đứa con khác lấy vợ, sinh cháu. Nỗi đau chồng lên nỗi đau khi người mẹ thấy con trai lấy vợ, con gái đi tu...  Phim không có câu chuyện cụ thể, mà người xem cảm được từ những hình ảnh. Hình ảnh trong phim cho thấy, người phụ nữ đã chuyển biến như thế nào theo thời gian. Độc lập, tự do của người phụ nữ thay đổi theo thời gian. Với một người đang sống, sinh ra những đứa con, một số chết đi vì bệnh tật, vì những lý do này lý do khác; một số còn sống, lấy vợ, sinh con, người xem sẽ cảm được một cách đơn giản như thế, chứ không phải là câu chuyện phức tạp. Thời gian đi qua, đàn ông và đàn bà vẫn gặp nhau và đó chính là điều tạo nên sự vĩnh cửu. Vĩnh cửu là một phim khó, không có câu chuyện cụ thể. Chỉ đơn giản phim đưa ra hình ảnh về đời sống, cái chết, sinh nở, gặp gỡ, tình yêu... Trong phim có những nhịp chậm lại, đó là khoảng thời gian để người xem trao đổi về mình, về phim.

Với tôi, hình ảnh phải có ý vị, chất lượng mới được đưa lên màn ảnh. Người xem phải thưởng thức được chất gì đó từ hình ảnh, chứ không phải để kể câu chuyện. Hình ảnh đẹp, để người xem tiếp tục nhìn vào đó, còn phim làm chậm không quan trọng vì đó là cái đích cuối cùng. Phim trước tiên phải là hình ảnh - thí dụ như hình ảnh một làn da đẹp, một đôi môi ướt át gợi cảm khiến người nhìn muốn cắn vào. Hình ảnh tạo cảm xúc cho người xem, chính vì thế hình ảnh phải đẹp.

Anh thường về Việt Nam để tham gia giảng dạy trong sự kiện điện ảnh “Gặp gỡ mùa thu” tại Đà Nẵng. Anh có nhận xét gì về thế hệ làm phim trẻ hiện nay của Việt Nam?

Lớp trẻ hay lắm, các em có những ý tưởng phong phú, tuyệt vời. Mỗi năm tôi đều về Việt Nam để tham gia sự kiện này. Tham gia sự kiện khiến tôi thấy bao nhiêu bụi bẩn trên người mình được gột hết, tôi như được thêm “máu”. Tôi luôn chờ đợi những phim hay từ các em. Cái khó của các em là môi trường còn khó khăn, nhất là việc tìm tiền để làm phim. Dũng cảm là điều cần thiết với một đạo diễn và tôi thấy các em dũng cảm gấp 10 lần tôi. Các em đi khắp thế giới để tìm tiền làm phim, xin mỗi nơi một ít, vừa đủ tiền quay phim là bắt tay làm ngay, xong lại tìm tiền làm hậu kỳ. Đó là tính dũng cảm, kiên trì rất đáng khen, đáng phục.

Vấn đề là sản phẩm của họ khi ra mắt có được người xem công nhận, chấp nhận hay không mới là điều quan trọng?

Tôi lại cho rằng, nhiều người nói những điều không hay, không đúng về thế hệ làm phim điện ảnh Việt mới. Theo tôi, những người nói ấy không đủ văn hóa, hiểu biết để nói đúng và chính xác. Có hiểu biết thật sự về điện ảnh là phải học. Điện ảnh không phải chỉ giải trí ai cũng hiểu được. Có học thì mới có niềm vui, cảm xúc mạnh mẽ với điện ảnh và hiểu chính xác về nó, lúc đó mới thật sự là thưởng thức. Chúng ta lẽ ra phải dạy các em nhỏ từ khi còn ngồi trong ghế nhà trường những kiến thức cơ bản về điện ảnh, nghệ thuật... để hình thành lớp khán giả có kiến thức thật sự, đủ khả năng để bình luận khen - chê chính xác. Người xem phải tìm chìa khóa để mở cửa, muốn thế phải học. Điện ảnh là tiếng nói riêng, như một cuốn sách vậy, người đọc có hiểu hay không là tùy vào khả năng, kiến thức. Với cá nhân tôi, khi làm ra một cuốn phim là tôi đã bỏ hết tình cảm, công sức... tất cả mọi thứ vào đó. Nó là một món quà tôi gửi đến cho mọi người. Khán giả hiểu thì sẽ nhận biết được giá trị của món quà ấy, còn không thì ngược lại.

Anh có ý định về Việt Nam hợp tác làm phim?

Tôi rất muốn 2 năm làm một phim, nhưng không làm được vì vấn đề tiền. Như tôi đã nói, đạo diễn cần có lòng dũng cảm và sự kiên trì. Dũng cảm, kiên trì đi tìm tiền và chấp nhận bị... chê bai. Tôi rất muốn về Việt Nam làm phim, nhưng phải có một dự án hay, một ý tưởng gì đó để tạo ra được một phim hay.

NHƯ HOA (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục