Đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc tổ chức tại Quảng Bình vào cuối năm 2015 với bộ phim tài liệu Cuộc gặp gỡ sau 48 năm, đạo diễn trẻ Trần Quốc Sơn, Hãng phim truyền hình TFS (Đài Truyền hình TPHCM) cảm thấy hạnh phúc vì những nỗ lực của mình và ê kíp làm phim đã được đền đáp xứng đáng. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với anh.
Phóng viên: Vì sao lại là Cuộc gặp gỡ sau 48 năm? Anh muốn gửi gắm thông điệp gì đến người xem?
Đạo diễn Trần Quốc Sơn: Nội dung bộ phim kể về cuộc gặp gỡ giữa Đại tá phi công, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy với Thiếu tá cựu phi công Hoa Kỳ - Charles Plumb. Trong chiến tranh, họ từng là kẻ thù của nhau giữa hai chiến tuyến, giờ đây sau cuộc chiến, họ xóa bỏ thù hận thanh thản bắt tay nhau như hai con người bình thường. Họ đều xác định đã làm tròn nghĩa vụ đối với đất nước mình và may mắn sống sót qua cuộc chiến nên càng thấm thía hơn ý nghĩa của cuộc sống và giá trị lớn lao của hòa bình...
Đạo diễn Trần Quốc Sơn tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2015
Ê kíp làm phim không có tham vọng làm bộ phim tài liệu khái quát cả một giai đoạn lịch sử mà chỉ thông qua sự kiện phát hiện ra cuộc hội ngộ sau 48 năm để nói lên tình yêu hòa bình của con người trong cuộc chiến. Điều may mắn với những người làm phim là gặp được các nhân vật rất có giá trị. Bộ phim chỉ dài khoảng 27 phút, nhưng với những hình ảnh hiện thực sinh động đã đem đến cho người xem những bất ngờ thú vị. Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng giữa hai cựu chiến binh thuộc hai chiến tuyến chỉ trong hai ngày nhưng đã dẫn dắt người xem trở về với những thời khắc lịch sử không thể nào quên.
Qua nhân vật “huyền thoại sống” Nguyễn Văn Bảy, một lần nữa bộ phim đã khắc họa một cách chân thực sống động vẻ đẹp giản dị của tâm hồn Việt. Với anh phi công Nguyễn Văn Bảy, việc bắn rơi một máy bay địch xâm phạm bầu trời Tổ quốc là nhiệm vụ cao cả. Chân dung Anh hùng Nguyễn Văn Bảy chính là hiện thân của dân tộc Việt Nam anh hùng, hiền hòa, nhân ái, yêu chuộng hòa bình nhưng không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào.
Quá trình làm bộ phim này, chắc anh đã gặp không ít những khó khăn, bởi đây là đề tài có yếu tố lịch sử, lại cách biệt về cả không gian lẫn thời gian?
Tất cả những hình ảnh, nhân chứng chúng tôi quay ở Hà Nội, Đồng Tháp, TPHCM, Thanh Hóa... đều đong đầy cảm xúc. Đoàn làm phim cũng gặp khó khăn do thời gian ông Plumb lưu lại tại Đồng Tháp và TPHCM chỉ có 2 ngày mà rất nhiều cảnh quay phải thực hiện cho cuộc gặp gỡ quan trọng này. Ngoài ra, tư liệu về thời trẻ của hai nhân vật chính rất khó tìm, phải liên hệ từ nhiều nơi và từ nhiều nguồn. Bộ phim là niềm tự hào với những chiến công trước đối phương hùng mạnh của phi công Việt Nam nói chung và Anh hùng Nguyễn Văn Bảy nói riêng. Đó còn là sự chia sẻ với nỗi xúc động vô bờ của gia đình phi công Mỹ Charlie Plumb khi chứng kiến giây phút ông được trao trả, trở về nguyên vẹn.
Phim tài liệu là một thể loại đòi hỏi sự đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu và khá kén người xem. Dường như anh đang muốn góp phần thổi một làn gió mới cho thể loại phim tài liệu tưởng chừng khô khan, khó hấp dẫn khán giả?
Đúng vậy, cho đến nay vẫn có khá nhiều người cho rằng phim tài liệu khô khan, khó hấp dẫn khán giả, nhưng theo tôi không hẳn thế. Mỗi sản phẩm truyền hình đòi hỏi phải có tính sáng tạo. Nếu xem kỹ khán giả sẽ thấy rõ mỗi tác phẩm phim tài liệu có một phong cách và thủ pháp riêng. Tôi đã học hỏi được nhiều cái hay, cái chuyên nghiệp của các bậc cha chú. Tuy nhiên, đã là người đi sau nếu không tìm tòi, không tư duy, không mạnh dạn sẽ rất dễ bị ảnh hưởng. Vì vậy, điều tôi luôn đau đáu khi đặt bút viết kịch bản là phải mới, phải có nét riêng để thu hút khán giả. Hơn nữa phim tài liệu là một thể loại mang nhiều thông điệp, giàu cảm xúc, làm sao để góp phần làm sống lại không khí lịch sử trong các tác phẩm, đó là trách nhiệm đặt ra cho người làm phim. Nếu như người ta hay ví những người làm báo là những người viết sử đương đại thì những người làm phim tài liệu là những người tái hiện lịch sử qua cách nhìn đương đại.
Vì sao anh chọn phim tài liệu, trong khi hiện nay dòng phim Việt trên truyền hình đang ăn khách hơn?
Tôi chọn mảng phim tài liệu như một cái duyên. Tôi đam mê làm phim tài liệu từ lâu rồi. Vì tình yêu mãnh liệt và niềm đam mê cháy bỏng ấy mà tôi phải đến với nó bằng con đường vòng. Trước đây, thấy các đạo diễn và biên kịch phim tài liệu toàn là các bác, các chú có rất nhiều giải thưởng, danh hiệu nên tôi cũng hơi e ngại vì không biết mình có kế thừa nổi không. Nhưng từ khi làm được phim rồi, tôi cảm thấy tự tin hơn và thấy mình phù hợp với phim tài liệu hơn cả. Trước đó, tôi cũng đã từng thử sức ở nhiều công việc khác nhau nhưng cuối cùng tôi vẫn chọn làm phim tài liệu bằng tất cả niềm đam mê…
Anh tâm đắc nhất với bộ phim nào mà mình từng thực hiện?
Tôi tâm đắc nhất tác phẩm “Tượng đài Bác Hồ trong trái tim người dân TPHCM” vì khi thực hiện phim tài liệu về Bác Hồ tôi mang một xúc cảm khó tả. Đây là tác phẩm để lại dấu ấn không thể phai mờ trong sự nghiệp của tôi. Cho đến nay tôi vẫn không quên niềm xúc động khi đứng trước tượng đài Bác, xem lại những thước phim tư liệu về Bác tại Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi chuyến đi đến Khu di tích K9 Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội… Tôi vẫn luôn ấp ủ dự định làm những bộ phim tài liệu thật hay về Bác Hồ.
MINH NGỌC (thực hiện)