Đạo diễn Việt Linh: Phải có người khởi xướng những điều tốt đẹp

Đạo diễn Việt Linh: Phải có người khởi xướng những điều tốt đẹp

Những ngày trước và sau tết, thật khó lòng gặp được đạo diễn Việt Linh (ảnh) bởi chị ở trên sàn tập suốt từ sáng đến tối khuya. Gần đến ngày công diễn vở Thiên Thiên, tôi đành “xông đất” sàn tập tại 372 Trần Phú. Nữ đạo diễn ngồi vắt vẻo trên chiếc kệ gỗ cũ, chỉ đạo cho các diễn viên Quý Bình và Minh Trang diễn xuất. Cuộc trò chuyện của chúng tôi mãi đến hơn 9 giờ tối mới được bắt đầu.

° Nghe nói những ngày này, có bác sĩ phải thường xuyên đi kèm để theo dõi sức khỏe của chị. Từ điện ảnh lần đầu tiên làm sân khấu, chị thấy lĩnh vực nào bị áp lực nhiều hơn?
 
° Đạo diễn VIỆT LINH: Ngày trước tôi làm điện ảnh theo kiểu… công chức, kịch bản thì có sẵn đã được duyệt, kinh phí thì Nhà nước lo, lời lỗ Nhà nước chịu, đi đoàn phim thì có chủ nhiệm, khi nào xong thì đóng máy, an toàn nhưng thiếu… sự hưng phấn. Bây giờ làm sân khấu tôi phải chịu áp lực từ nhiều phía: nào là ngày phúc khảo, ngày diễn, thuê địa điểm diễn, địa điểm tập… Chưa kể, tôi còn phải lo tìm nguồn kinh phí tài trợ, đầu tư, rồi bán vé.

Mệt vậy, nhưng lại vui vì đây là vở diễn do tôi viết kịch bản, dàn dựng, tổ chức biểu diễn. Có thể nói nó như một đứa con mình rứt ruột đẻ ra, phải chăm sóc từng chút một. Thất bại hay thành công hoàn toàn do mình. Điều này đem lại cho tôi cảm giác rất căng thẳng nhưng cũng đầy hưng phấn.
 
° Thời gian qua, nhiều người làm sân khấu đã phải bó tay với tình trạng các nghệ sĩ “chạy sô” khắp nơi, rất khó tập hợp được để tập tành, diễn xuất cho nghiêm túc. Nhưng ở đây, cho dù những ngày cận tết, các “ngôi sao” vẫn lên sàn diễn tập tành rất chăm chỉ?
 
° Có thể nói sân khấu này có sự chung tay chung sức của rất nhiều người, có người là bạn thâm giao, làm kinh doanh nhưng vẫn sẵn lòng bỏ thời gian để giúp tôi gấp 500 con hạc giấy, cũng có những người bạn mới gặp nhưng nghe chuyện cũng xắn tay vào như nhà thiết kế LiLam, kiến trúc sư Trần Lê Quốc Bình. Còn các nghệ sĩ thì đặc biệt dễ thương, khi đọc kịch bản thấy vai diễn “kỳ cục” thì cũng hơi hoang mang, nhưng ai cũng gật đầu và cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhất vai diễn của mình.
 
° Trong thời buổi nghệ thuật phải chịu nhiều áp lực bởi thị trường, bởi “cơm, áo, gạo, tiền”, điều gì đã giúp chị tập hợp được rất nhiều người, ở nhiều vị trí khác nhau trong xã hội có được sự đồng cảm và tiếng nói chung?

° Tôi nghĩ, chắc là do mình là người tử tế, đáng tin, nói là làm. Khi tôi triển khai công việc được khoảng 50% rồi hô lên và mọi người cùng chung tay góp sức. Với các nghệ sĩ, có lẽ trong vở diễn này họ không bị áp lực doanh thu, được sống trọn vẹn với cảm xúc làm nghề, cảm xúc với cuộc sống, với cái đẹp, cái thiện. Tôi không giàu, không kinh doanh, mà chỉ muốn lao động nghệ thuật nên tôi thật lòng cảm ơn, trân trọng bất kỳ những ai góp sức cho công việc, kể cả những em làm công việc hậu đài. Chúng tôi lao động bình đẳng, thân ái, hòa đồng. Ngay tên tuổi diễn viên trên các tài liệu tuyên truyền của vở diễn, tôi cũng chủ trương xếp tên theo trình tự: phụ nữ và người lớn tuổi luôn lên trước. Cuộc sống thật đẹp khi ta gọi lời hay mà có người đáp lại. Và ta sẵn sàng đáp lại khi có ai gọi lời hay.

° Từng làm điện ảnh, rồi bước sang lĩnh vực sân khấu, chị có nhận xét gì về thực trạng sân khấu và điện ảnh nước nhà trong thời gian qua?

° Tôi có rất nhiều trăn trở, nhưng cũng là người đang trực tiếp làm nghề nên thật khó nói. Thật đáng buồn khi biết rằng để làm ra sản phẩm nghiêm túc, có những sân khấu phải lỗ cả tỷ đồng trong năm…

° Có vẻ như chị là một người rất thích bày việc. Sau một số tác phẩm điện ảnh để lại dấu ấn, bị bạo bệnh rồi phục hồi, dù ở nước ngoài, chị vẫn luôn hào hứng với nhiều dự án nghệ thuật trong nước. Động lực gì khiến cho chị có một sức sáng tạo mạnh mẽ như vậy?

° Tôi chỉ làm việc khi có hai nhu cầu thôi thúc: Hứng thú và thấy công việc hữu ích. Thiếu một trong hai vế đó thì không làm được. Mà đã làm thì thèm được làm tới nơi tới chốn, làm hết khả năng. Khi đã quyết định làm, tôi luôn xem công việc như những đứa con. Chăm sóc con mình thì phải hạnh phúc chứ...

° Là một phụ nữ làm nghệ thuật, xông pha cũng nhiều, có khi xa gia đình cả nửa năm… chắc hẳn chị phải có một hậu phương rất vững chắc?
 
° Hơn cả sự đồng cảm và chia sẻ, chồng con tôi còn yêu những công việc của tôi chẳng kém gì tôi. Với tôi đó là một may mắn lớn trong đời.
 
° Vở diễn Thiên Thiên được đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc nhưng lại chỉ diễn có 3 đêm. Chị có thấy tiếc không?

° Lúc đầu do không đoán được cảm xúc của khán giả ra sao nên tôi không dám phiêu lưu giữ rạp nhiều đêm. Tôi nghĩ mình cũng như người nấu ra món ăn lạ, đang thích thú, hồi hộp chờ đợi phản ứng của người thưởng thức. Nhưng bây giờ, sau khi thấy công sức của anh em đóng góp vào đây quá lớn, thì thấy hơi tiếc. Thôi đành vậy. Nước tới đâu bắc cầu tới đó…

Chia tay với tôi, đã gần 10 giờ đêm nhưng nữ đạo diễn lại quày quả trở lại Nhà hát thành phố, chỉ để đưa cho anh em hậu đài mấy chục trứng gà luộc, vài thanh kẹo để họ bồi dưỡng lấy sức làm đêm…

VIỆT HÀ

Tin cùng chuyên mục