Đạo đức người cách mạng khi Đảng cầm quyền

Đạo đức người cách mạng khi Đảng cầm quyền

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt cảnh báo và nhấn mạnh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Lời yêu cầu và cảnh báo này đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Nhưng làm sao để thực hiện được điều cao cả, thiêng liêng nhưng rất khó khăn này?

Ngay từ khi Đảng mới giành được chính quyền, chính quyền về tay nhân dân, từ năm 1947, Bác Hồ đã căn dặn, nhắc nhở và phê bình về hiện tượng cán bộ, đảng viên lợi dụng chức quyền, xa dân, ức hiếp dân như cường hào, lý trưởng xưa. Và suốt nhiều năm, Bác đã luôn quan tâm nhắc nhở, khuyên răn, cảnh tỉnh đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức quyền về đạo đức cách mạng. Khi cần, Người đã xử lý nghiêm khắc kẻ suy thoái đạo đức nghiêm trọng như với trường hợp đại tá Trần Dụ Châu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các học viên dự lớp bồi dưỡng đảng viên mới của Đảng bộ Hà Nội (14-5-1966). Ảnh: Tư Liệu

Có chức có quyền mà không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức người cách mạng và quyền lực lại không bị giám sát, hạn chế bằng luật pháp có hiệu lực, hiệu quả thật sự thì việc lạm dụng chức quyền và tư lợi từ đó mà ra là điều khó tránh khỏi, như một quy luật, như chúng ta đã và đang chứng kiến.

Đạo đức cơ bản của người cầm quyền là việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, phải thể hiện rõ trong từng quyết sách; phải gần dân, kính dân; dân là gốc nước, trăm điều phải có “thần linh pháp quyền”; bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, bao nhiêu lực lượng đều ở nơi dân; chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ. Đó là tư tưởng nhân văn và cốt lõi hành động suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhưng làm lãnh đạo đã không dễ, làm công bộc, đầy tớ của dân nghe ra còn khó thực hiện hơn. Để làm được như vậy, theo tôi, đội ngũ cán bộ đảng viên chỉ cần trả lời được thấu suốt những điều Bác dặn về đảng cầm quyền.

Trước hết là tự soi mình, tự vấn lương tâm thường xuyên về những điều cơ bản nhất. Trong mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm, tự soi mình vào những yêu cầu đạo đức thiết thực, cụ thể mà Bác Hồ nêu ra xem thực hiện được như thế nào? Có thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư chưa?

Cần: Có chịu khó, cần cù, sáng tạo trong công việc chưa? Chất lượng hiệu quả công việc thế nào? Mình có trách nhiệm trong công việc chưa?

Kiệm: Tiết kiệm thời gian, tiền bạc, vật chất, tinh thần, sức lực ra sao? Trong lao động sản xuất, công việc, quyết sách và tiêu dùng ra sao, như thế nào? Có lãng phí, thất thoát, hoang phí không?

Liêm: Có liêm khiết không, có tham ô, nhũng nhiễu không? Có tư lợi, ích kỷ không? Động cơ hành vi có trong sáng không? Mình có bao che cho kẻ xấu không? Mình có vô tâm với nỗi khổ người khác không? Mình có bị tiền tài mua chuộc không?

Chính: Có công minh chính trực không, có thật thà, trung thực không? Có thẳng thắn trong đấu tranh, tự phê bình và phê bình không? Có lừa trên dối dưới không? Mình có dám đấu tranh với kẻ sai, xấu không? Mình có dám chịu trách nhiệm cá nhân không?

Chí công vô tư: Kết hợp các lợi ích cá nhân - tập thể - xã hội có hài hòa không? Khi cần có đặt lợi ích của đất nước, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân không? Có tôn trọng quyền của nhân dân, của người khác không?

Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch: Đảng ta, mỗi chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta đã thật sự trong sạch chưa? Đã là đạo đức, là văn minh, là tinh hoa trí tuệ của dân tộc, của nhân dân chưa? Đã làm cho dân tin vào Đảng, vào chi bộ, vào cán bộ, đảng viên chưa? Khi nhân dân phê phán Đảng thì Đảng đã thật lòng tiếp thu, sửa chữa chưa?

Xứng đáng là người lãnh đạo: Có thật sự gương mẫu không, có sức cảm hóa, thuyết phục quần chúng không, có hiểu dân, nghe dân, có lấy ý dân làm ý mình không? Có vì lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân ra quyết sách không? Tư tưởng của mình có tiến bộ không, trí tuệ có cao chưa, đạo đức, lối sống, lương tâm có trong sáng không? Mình đã xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong chưa, là người lãnh đạo chưa?...

Đảng hay chi bộ, cán bộ đảng viên cũng là con người, không phải thần thánh. Tất cả đều từ trong xã hội mà ra. Hoạt động, công việc thì có hay có dở, có đúng có sai. Vấn đề là biết sai, biết dở mà sửa; biết hay, đúng mà phát huy. Cốt nhất là phải phấn đấu rèn luyện, dám sửa sai và xử lý nghiêm, nhất là đối với người sai phạm nghiêm trọng. Nhưng đồng thời phải có cơ chế, thể chế pháp quyền đúng, đủ sức mạnh. Đó cũng là ý tứ mà Bác Hồ kính yêu đã nhiều lần tâm sự, nhắc nhở chúng ta.

HỒ BÁ THÂM
(Nguyên Giám đốc Chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia tại Cần Thơ)

Tin cùng chuyên mục