Đào tạo 2.000 chuyên viên CNTT cho xuất khẩu

Đào tạo 2.000 chuyên viên CNTT cho xuất khẩu

Sự tiến bộ, phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) đã làm cho bộ mặt của xã hội thay đổi nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, xã hội và đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Việc nắm bắt, làm chủ CNTT-TT một cách hiệu quả đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực có trình độ cao. Tuy nhiên, đây là vấn đề chúng ta chưa có giải pháp tốt nhất để giải quyết.

Đào tạo 2.000 chuyên viên CNTT cho xuất khẩu ảnh 1
Ngành công nghệ thông tin đang được giới trẻ theo đuổi. Ảnh: Việt Dũng

Tại các cuộc hội thảo chuyên ngành, các cơ quan lãnh đạo đều nhấn mạnh rằng nguồn nhân lực CNTT-TT luôn được xem là động lực và yếu tố quan trọng để phát triển ngành CNTT, thương mại điện tử, chính phủ điện tử… Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là ở chỗ số lượng giảng viên còn quá ít so với sinh viên theo học ngành này, chất lượng đào tạo chưa chuyên sâu, quá nặng về lý thuyết, trình độ ngoại ngữ của sinh viên quá kém.

Để đáp ứng nguồn nhân lực CNTT trong giai đoạn 2006-2010, các cơ quan chức năng cũng như Hội Tin học TPHCM đã xây dựng một chiến lược để giải quyết bài toán này. Theo đó, các trường sẽ chú trọng vào đào tạo chuyên ngành, đào tạo nâng cao theo chứng chỉ của các hãng nổi tiếng trên thế giới như CCNA, CCNP (của Cisco), MCSE, MCSA... (Microsoft) và Java (Sun)…

Để thực hiện tốt chiến lược này, Sở Bưu chính Viễn thông sẽ trình UBND TPHCM xem xét và phê duyệt các biện pháp hỗ trợ, trước tiên là hỗ trợ học phí các khóa học cho các sinh viên tốt nghiệp có nhu cầu đào tạo, tổ chức phối hợp giữa các đơn vị đào tạo với đơn vị tuyển dụng để đánh giá nội dung giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng của sinh viên.

Ngoài ra, sở cũng đang tiến hành lập kế hoạch khảo sát trình độ và nhu cầu đào tạo về CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố để xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể. Trung tâm Đào tạo CNTT đã và đang triển khai 10 chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực CNTT. Một nửa số dự án và chương trình đã đi vào giai đoạn thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và đạt chất lượng yêu cầu.

Dự kiến trong năm 2006, Sở BCVT sẽ là đầu mối triển khai các chương trình đào tạo sau: thành lập Quỹ phát triển đào tạo CNTT-VT, Hội giảng dạy và nghiên cứu CNTT-VT. Đây được xem là nơi tập hợp các tổ chức, cá nhân tham gia trong việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT, và là một kênh thông tin để sở định hướng và điều chỉnh phát triển nguồn nhân lực CNTT-VT.

Bên cạnh đó, sở cũng triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực cho TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2006-2010, chương trình đào tạo cán bộ quản lý CNTT, chuyên viên quản lý dự án CNTT-VT, hệ thống thông tin địa lý GIS, đào tạo 2.000 chuyên viên CNTT cho xuất khẩu và chương trình chính phủ điện tử cho cán bộ, công chức của các quận, huyện, sở, ngành.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục