Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở TPHCM: Yêu cầu cấp bách

Nhu cầu cao, khả năng đáp ứng thấp
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở TPHCM: Yêu cầu cấp bách

Mỗi năm TPHCM đào tạo và bồi dưỡng hơn 30.000 lượt cán bộ, công chức cho bộ máy chính quyền các cấp. Tuy nhiên, so với yêu cầu của công tác cải cách hành chính (CCHC) phục vụ cho phát triển, số lượng trên mới chỉ đáp ứng được một nửa.

Bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính cho cán bộ cơ sở tại Trường Cán bộ TP. Ảnh: Hoài Nam

Bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính cho cán bộ cơ sở tại Trường Cán bộ TP. Ảnh: Hoài Nam

Nhu cầu cao, khả năng đáp ứng thấp

TPHCM có đội ngũ gần 100.000 cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các đơn vị, tổ chức, cơ quan hành chính trong bộ máy chính quyền các cấp. Trong đó, đội ngũ công chức thừa hành công vụ - những người trực tiếp tham gia vào quá trình CCHC chỉ có khoảng 10.000 người. Điều đáng nói là phần lớn trong đội ngũ cán bộ, công chức trên chưa được qua đào tạo, bồi dưỡng về trình độ và kỹ năng đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính công theo hướng hiện đại, hiệu quả và hiệu lực.

Trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ CCHC cho TPHCM do tổ chức phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tài trợ, các chuyên gia tính rằng, mỗi năm bộ máy chính quyền các cấp của TP phải bổ sung thêm 20.000 - 25.000 cán bộ, công chức đã qua đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng và nghiệp vụ chuyên môn cần thiết cho các chức vụ, công việc mà yêu cầu của công tác CCHC đặt ra.

Tuy nhiên, như đề cập ở phần đầu bài viết, do số lượng cán bộ, công chức hiện có đã qua đào tạo, bồi dưỡng quá thấp (chỉ khoảng 10%), nên nhiệm vụ đào tạo lại cũng mất khá nhiều thời gian và chi phí. Chính vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng để bổ sung cho đầu vào của đội ngũ bị ảnh hưởng rất lớn và thường chỉ đáp ứng được chưa tới một nửa so với nhu cầu. Cộng chung cả số đào tạo lại và đào tạo, bồi dưỡng mới, mỗi năm TP phải cần đến  40.000 -  45.000 cán bộ, công chức.

Đây là yêu cầu rất cấp bách của công tác dự báo nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu mà TP cần tính đến và xây dựng thành chiến lược dài hạn để phát triển đội ngũ cán bộ, công chức vừa có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, vừa đảm bảo thực thi các mục tiêu, nhiệm vụ mà công tác CCHC và tiến trình xây dựng nền hành chính công đặt ra.

Giải pháp nào?

Đánh giá về Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2001-2010, lãnh đạo TP ghi nhận đã có nhiều nỗ lực trong đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cho bộ máy chính quyền các cấp. Tuy nhiên, trong nhiều bất cập của công tác này được nhìn nhận một cách hết sức nghiêm túc là hình thức và nội dung đào tạo không sát với thực tế, không gắn với các chức danh công việc tại các cơ quan hành chính. Học viên tham gia các khóa học không được dạy những kiến thức họ cần và khi ra trường rất khó ứng dụng những điều đã học vào thực tiễn công việc.

Một đánh giá khác về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2006-2010 cho thấy, có khá nhiều cán bộ, công chức không có khả năng hoàn thành công việc của mình do thiếu trình độ chuyên môn về xã hội, pháp luật, kinh tế, ngoại ngữ và tin học. Như vậy, đầu vào của đội ngũ cán bộ, công chức và công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực quan trọng này đang được cho là “có vấn đề” ở cả hai mặt: Định hướng và chính sách quan tâm.

Để giải quyết những bất cập nêu trên, trong nhóm 5 giải pháp mà định hướng Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020 đặt ra, TP xác định nội dung và phương thức đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức là giải pháp mang tính đột phá. Trong đó, cần tập trung đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức theo cơ cấu, tổ chức và bộ máy của hệ thống chính quyền các cấp; ưu tiên đào tạo những cán bộ, công chức có kỹ năng thực hành giỏi trong một số chương trình cụ thể của tiến trình cải cách nền hành chính công và xây dựng mô hình chính quyền đô thị.

Nhằm cụ thể hóa những giải pháp cơ bản này, UBND TP ban hành Quyết định 5200/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình hành động của Thành ủy về thúc đẩy chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức đến năm 2020. Từ nay đến năm 2012, TP sẽ triển khai kế hoạch tổ chức các khóa kiến thức chuyên môn cập nhật cho cán bộ, công chức tại các sở ngành và UBND các quận huyện, phường xã. Đây là giải pháp mang tính cấp thời để trong thời gian ngắn nhất từng bước khắc phục được những tồn tại và bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền các cấp hiện nay.

Mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức đến năm 2020

- 100% cán bộ, công chức các sở ngành, quận huyện và phường xã có năng lực quản lý hiện đại tương ứng với yêu cầu của từng vị trí công việc.

- 100% cán bộ, công chức tham mưu tại các sở ngành, quận huyện được trang bị kỹ năng quản lý hiện đại phù hợp với các vị trí công việc, bảo đảm tổ chức thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của thành phố.

- 100% công chức thừa hành công vụ được bồi dưỡng kỹ năng quản lý hiện đại, bảo đảm có đủ năng lực tổ chức thực thi hiệu quả nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Lê Hoài Trung
(Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TPHCM)

Tin cùng chuyên mục