Đào tạo cán bộ quản lý các chợ tại TPHCM: Hướng đến chuyên nghiệp

Sở Công thương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TPHCM, UBND các quận, huyện và Ngân hàng TMCP Sacombank vừa khai giảng khóa học đầu tiên nằm trong chuỗi chương trình đào tạo ngắn hạn “Nghiệp vụ quản lý chợ cho ban quản lý chợ và tập huấn kỹ năng bán hàng cho tiểu thương các chợ trên địa bàn TPHCM” năm 2013.
Đào tạo cán bộ quản lý các chợ tại TPHCM: Hướng đến chuyên nghiệp

Sở Công thương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TPHCM, UBND các quận, huyện và Ngân hàng TMCP Sacombank vừa khai giảng khóa học đầu tiên nằm trong chuỗi chương trình đào tạo ngắn hạn “Nghiệp vụ quản lý chợ cho ban quản lý chợ và tập huấn kỹ năng bán hàng cho tiểu thương các chợ trên địa bàn TPHCM” năm 2013.

        Học để quản lý tốt hơn

Theo số liệu của Sở Công thương, TPHCM hiện có 243 chợ truyền thống, gồm 17 chợ loại 1, 48 chợ loại 2 và 178 chợ loại 3. Tổng số cán bộ ban quản lý (BQL) chợ có 729 người (bao gồm trưởng và phó ban) với khoảng 66.598 hộ tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết, lâu nay cán bộ BQL chợ gần như chưa được đào tạo bài bản, trong khi đó, hoạt động ở chợ là khá đặc trưng, phức tạp. Cán bộ ở đây vừa làm công tác quản lý nhà nước, vừa là người giải quyết và kết nối các mối quan hệ giữa cơ quan quản lý với tiểu thương, giữa người bán với người bán, giữa người bán với người mua… Thực tế cho thấy, ở những chợ nào có đội ngũ cán bộ quản lý có nghề, tâm huyết thì nơi đó luôn có những hoạt động đoàn thể sôi nổi; nạn nói thách, chửi thề sẽ giảm dần, hướng đến văn minh thương mại.

Do vậy, mục đích của chương trình đào tạo nghiệp vụ chợ cho BQL, trước hết là giúp cho công tác quản lý nhà nước tại các chợ đạt hiệu quả cao, qua đó triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến chủ trương, chính sách, công tác quản lý điều hành hoạt động chợ. Chương trình sẽ giúp BQL hiểu rõ về phương thức kinh doanh, cách thức xây dựng, quảng bá thương hiệu chợ, phương pháp quản lý nhân viên, hàng hóa, vệ sinh môi trường,…

Gian hàng bình ổn của Công ty Ba Huân được nhân rộng ở các chợ truyền thống tại TPHCM.

Gian hàng bình ổn của Công ty Ba Huân được nhân rộng ở các chợ truyền thống tại TPHCM.

Với chương trình này, tất cả BQL các chợ loại 1, 2, 3 sẽ được tham gia các lớp đào tạo, mỗi lớp gồm 5 buổi học với 5 nội dung cụ thể, gồm: hệ thống các văn bản nhà nước về các chủ trương, chính sách, công tác quản lý điều hành và hoạt động chợ, các thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của BQL chợ; nghiệp vụ quản trị chợ truyền thống; công tác sắp xếp, quản lý, quảng bá xây dựng thương hiệu chợ; kỹ năng giao tiếp, ứng xử và hòa giải, giải quyết khiếu nại; công tác quản lý, điều hành thu, chi tài chính và phát triển chợ. Theo đó, chương trình đào tạo năm nay sẽ được chia thành 3 lớp, trong đó có 2 lớp cơ bản dành cho cán bộ quản lý chưa từng tham dự lớp đào tạo năm 2012 (458 người) và 1 lớp nâng cao dành cho cán bộ quản lý đã tham dự lớp đào tạo năm 2012 (319 người).

        Tạo điều kiện cho cán bộ đi học

Tính đến thời điểm hiện nay chương trình tập huấn ngắn hạn về “Nghiệp vụ quản lý chợ cho BQL chợ và kỹ năng bán hàng dành cho tiểu thương” đã cấp giấy chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn cho 319 cán bộ BQL các chợ (chiếm 43,7%) và 4.073 tiểu thương (chiếm 6%).

Theo nhận định của Sở Công thương, kết thúc các lớp đào tạo ngắn hạn năm 2012, chương trình đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận, ủng hộ khá cao của cán bộ BQL chợ trên địa bàn TP. Sau khóa học, nghiệp vụ quản lý của cán bộ tại chợ được cải thiện khá rõ rệt do được tiếp thu những kiến thức thực tế, tăng khả năng giải quyết các tình huống khiếu nại. Đây không những là sự khích lệ đáng quý mà còn là cơ sở, là tiền đề cho đơn vị chủ trì có thêm động lực mở rộng quy mô của chương trình cho các năm sau.

Với chương trình này, Sở Công thương kỳ vọng sẽ từng bước chuyển dần quản lý, điều hành hoạt động chợ như là một nghề nghiệp có tính chuyên môn cao.

Tiếp xúc với đại diện BQL của một số chợ, họ rất vui vì TP đã tổ chức chương trình huấn luyện về chuyên môn cho các cán bộ. Quản lý chợ là nghề “làm dâu trăm họ”, nhưng từ trước đến nay các cơ quan chức năng chưa xem trọng công tác này. Hễ nơi nào sắp xếp lại đội ngũ cán bộ mà có dư thừa là “đẩy” ngay về chợ! Do vậy, họ rất đồng tình với quan điểm quản lý, điều hành chợ là một nghề nghiệp có tính chuyên môn.

Anh Hoàng Văn Minh, Phó trưởng BQL chợ An Nhơn Tây, huyện Củ Chi nhìn nhận: “Tôi mới được điều về làm việc tại chợ được 2 năm. Khó khăn nhất trong quá trình làm việc đó chính là cách giao tiếp, ứng xử và giải quyết các vướng mắc của tiểu thương. Nguyên do trình độ của tiểu thương rất khác nhau, một số người ý thức không cao. Tham gia khóa học này, tôi đã được trang bị kiến thức khá toàn diện và rất bổ ích cho công việc của mình. Tôi sẽ động viên và tạo điều kiện cho tất cả cán bộ trong BQL theo học chương trình này”.

Chị Hà Kim Thảo, làm việc tại chợ Thành Thái, quận 10 tâm sự: “Ngoài việc được trang bị kiến thức toàn diện thì tham gia lớp học tôi có cảm giác mình như trẻ lại, đầu óc thoải mái hơn, được lên lớp lắng nghe và trao đổi với các giảng viên, với đồng nghiệp. Lớp học này thực sự ý nghĩa và thú vị. Qua đây tôi cũng thấy mình được học hành, đào tạo bài bản hơn”.

HẢI HÀ

Tin cùng chuyên mục