Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân đã triển khai được 5 năm đã giúp nhiều hộ nông dân có “chiếc cần câu” để tự làm giàu nhưng tại nhiều địa phương vẫn chỉ triển khai theo kiểu phong trào, nông dân mất công đi học nhưng không hiệu quả...
Cơ quan quản lý nói đạt hiệu quả...
Cuối năm 2009, Chính phủ đã ban hành Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) với các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 như: giai đoạn 2011- 2015 đào tạo nghề cho 5,2 triệu LĐNT, giai đoạn 2016 - 2020 đào tạo nghề cho 6 triệu LĐNT. Tổng kinh phí để thực hiện đề án đến năm 2020 là gần 26.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn từ 2010 - 2015 là hơn 13.000 tỷ đồng. Số liệu từ Bộ LĐTB-XH và Bộ NN-PTNT cho biết, qua 4 năm thực hiện đề án (2010 - 2013) khoảng 5 triệu người nông dân đã được đào tạo nghề, chiếm 20% lao động khu vực nông thôn, riêng số lao động được học nghề nông nghiệp là hơn 660.000 người, đạt trên 50% mục tiêu của đề án. Ngoài ra, đã xây dựng chương trình, giáo trình của 132 nghề; thí điểm nhiều mô hình dạy nghề như cấp thẻ học nghề nông nghiệp, dạy nghề cho lao động để cung ứng cho các doanh nghiệp.
Chỉ riêng năm 2013, cả nước đào tạo được hơn 203.000 LĐNT. Hiệu quả sau học nghề khá khả quan, trong số gần 190.000 LĐNT đã học nghề xong có đến gần 170.000 đã có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động và thu nhập cao hơn. Đặc biệt, ông Nguyễn Minh Nhạn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ NN-PTNT đánh giá, các lớp đào tạo nghề đều theo nhu cầu của địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới và quy hoạch phát triển nông nghiệp của xã. Các lớp dạy nghề phần lớn lấy thực hành là chính, giáo viên là người có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp và có khả năng thực hành… Công tác đào tạo nghề cho LĐNT cũng được thường xuyên giám sát, kiểm tra tại các địa phương. Phía Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB-XH cũng đánh giá: sau 5 năm đã có nhiều mô hình dạy nghề mang lại thu nhập cao cho nông dân và LĐNT.
Địa phương “than” còn nhiều bất cập
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều địa phương đang triển khai chương trình thì vẫn còn rất nhiều bất cập và lãng phí. Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu thẳng thắn thừa nhận, đã có khoảng 30% nông dân trên địa bàn được đào tạo nghề nhưng tỷ lệ nông dân sống được với nghề mình được học rất ít, gần như vẫn quay lại nghề cũ với lối sản xuất cũ. “Đào tạo nghề cho LĐNT còn mang nặng hình thức, phong trào mà không có quy hoạch gắn với sản xuất của từng địa phương cụ thể. Đào tạo chưa xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và doanh nghiệp sử dụng lao động” - ông Lê Trọng Quảng đánh giá. Lãnh đạo tỉnh Lai Châu lấy dẫn chứng trên địa bàn tỉnh này có tới 90% nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp với một số sản phẩm chủ lực như cao su, chè, lúa chất lượng cao... nhưng thời gian qua chương trình đào tạo nghề lại tập trung vào những thứ viển vông như điện tử, điện lạnh, dạy nuôi công, chim trĩ, cá tầm. Năm 2013, khoảng 200ha cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu do các tiểu nông trồng đến kỳ thu hoạch nhưng nông dân không biết cạo mủ, xử lý ra sao. Từ UBND tỉnh đến ngành nông nghiệp địa phương đều lúng túng, nông dân phải sang Trung Quốc tìm chuyên gia về hướng dẫn.
Còn một bất cập là quá chồng chéo trong đào tạo nghề cho LĐNT, quá nhiều ngành, tổ chức cùng tham gia như Bộ NN-PTNT, Bộ LĐTB-XH, rồi cả Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ, hiệp hội nghề nghiệp… cũng tham gia. Việc này đã nảy sinh sự chồng chéo về các dự án triển khai, thậm chí là tình trạng “chia chác” lợi ích. Trong thời gian qua, mô hình phổ biến là để triển khai chương trình đào tạo nghề cho LĐNT, ngành NN-PTNT thường ký hợp đồng với các cơ sở đào tạo, dạy nghề và sau đó các cơ sở tự đi tuyển sinh, vận động nông dân đi học. Cũng bởi sự “khoán trắng” này đã xảy ra tình trạng tranh giành hợp đồng giữa các cơ sở. Trong khi đó, nông dân đi học cũng không xuất phát từ nhu cầu mà tranh thủ lúc nông nhàn, được hỗ trợ thì đăng ký đi học “cho vui”. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, chúng ta không thể đánh giá kết quả dựa trên số liệu báo cáo về lượng người đã được cấp chứng chỉ đào tạo nghề và được học nghề mà phải căn cứ vào hiệu quả và việc làm, thu nhập của bà con. Thậm chí, nhiều người còn hồ nghi về chương trình khi cho rằng ngay cả sinh viên được đào tạo chính quy, bài bản đến 4-5 năm, có bằng tốt nghiệp trong tay mà tỷ lệ làm được việc cũng không lớn thì nói gì đến một khóa đào tạo ngắn hạn chỉ dăm bảy tháng. Tiền bỏ ra nhiều mà hiệu quả chưa như mong muốn.
Để khắc phục những bất cập trên, nhiều địa phương cho rằng cần phải thay đổi ngay phương pháp đào tạo bởi thời gian không còn nhiều và ngân sách cũng khá tốn kém. Nếu đào tạo nghề nông nghiệp thì phải yêu cầu từng địa phương đào tạo gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, đào tạo phải theo kế hoạch, mỗi địa phương gắn với 1-3 cây, con chủ lực. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm đến các cấp mới giải quyết được vấn đề. Còn như hiện nay, hiệu quả chưa cao nhưng cũng không biết trách nhiệm thuộc về ngành, đơn vị nào.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng cần rút kinh nghiệm để triển khai có hiệu quả hơn trong giai đoạn tới. “Chúng ta không nên đào tạo theo kiểu dàn trải và chạy theo phong trào mà phải tập trung vào những nghề trọng điểm, nhắm tới những sản phẩm chủ lực, có thu nhập cao cho nông dân”. Bộ trương Cao Đức Phát cho rằng, ở nông thôn có rất nhiều lĩnh vực - nghề còn thiếu nhân lực vì nông dân không có tay nghề. Do đó, phải căn cứ trên thực tiễn để đào tạo. Hướng triển khai hiệu quả là khai thác lợi thế và các nghề sẵn có của nhiều địa phương, vùng để đào tạo. Chọn ra các sản phẩm chủ lực của địa phương, còn nếu đáp ứng theo nhu cầu muôn hình vạn trạng của nông dân thì chẳng khác nào xây dựng một nền nông nghiệp hàng xén, tủn mủn.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, lộ trình đào tạo nghề cho LĐNT đã đi được nửa chặng đường. Mặc dù các số liệu của Bộ NN-PTNT và Bộ LĐTB-XH đều cho rằng có thể đạt vượt kế hoạch, nhưng nếu cứ duy trì cách đào tạo ồ ạt, hình thức như thời gian qua thì sẽ chẳng đem lại hiệu quả thực sự. Trong khi ngân sách rót cho chương trình là một con số khổng lồ. Các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm hơn để tránh lãng phí.
VĂN PHÚC