ĐBSCL có tỷ lệ lao động qua đào tạo và học sinh theo học nghề thấp nhất cả nước. Dù có nhiều nỗ lực, song 5 năm qua, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước chỉ đạt 35,2%. Tuy có tăng so với năm 2010 (23,5%) nhưng vẫn còn thấp so với bình quân cả nước (40,6%). Vấn đề này đang đặt ra nhiều thách thức trong giai đoạn phát triển tới.
Ít học nghề, thu nhập thấp
Thời gian qua, hệ thống dạy nghề vùng ĐBSCL đã hình thành mạng lưới đa dạng với tổng số 364 cơ sở. Đặc biệt, 119/131 đơn vị cấp huyện có cơ sở dạy nghề công lập đóng trên địa bàn. Công tác xã hội hóa dạy nghề cũng được đẩy mạnh với 39 cơ sở dạy nghề ngoài công lập, chiếm 22,16%; nhiều mô hình dạy nghề đa dạng, sáng tạo như dạy nghề tại các doanh nghiệp, dạy nghề tại các khu công nghiệp…
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Huỳnh Văn Tý, năm học 2013-2014, toàn vùng có 73 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, tăng 11 cơ sở so với năm học 2010-2011. Đáng chú ý, trong 5 năm qua (2011-2015), dạy nghề vùng ĐBSCL đã phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Trong giai đoạn 2011-2015, tổng số tuyển sinh học nghề là 1.238.643 người, trong đó CĐ nghề là 29.120 người (chiếm 2%), trung cấp nghề là 58.917 người (chiếm 5%), sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 1.150.606 người (chiếm 93%), số lao động nông thôn học nghề là 794.147 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của vùng năm 2015 ước đạt 35,2%, đã tăng so với năm 2010 (23,5%) nhưng còn thấp so với bình quân cả nước (40,6%), nguyên nhân chính là chất lượng, hiệu quả dạy nghề ở một số địa phương, cơ sở dạy nghề còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ của thị trường lao động và sự thay đổi nhanh chóng về kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất…
Cần định hướng tốt để phân luồng học sinh đi học nghề (Ảnh: CAO PHONG)
Theo TS Trương Đăng Khoa (Trường ĐH Võ Trường Toản), lao động có kỹ năng là tiền đề cho sự phát triển bền vững, thu nhập cao và đáp ứng được yêu cầu của các ngành trong việc sử dụng công nghệ hiện đại và hoạt động quản lý. Trong nhiều năm trở lại đây, tiền lương bình quân trả cho lao động làm công ăn lương ở ĐBSCL được đánh giá là thấp nhất so với các vùng kinh tế trong cả nước. Theo số liệu thống kê (tính đến thời điểm ngày 1-7-2014,) tiền lương bình quân người lao động làm công ăn lương nhận được ở ĐBSCL là 3.323.000 đồng/người/tháng, thấp hơn cả khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, hai nơi vốn được đánh giá là không có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Lao động không qua đào tạo, chất lượng đào tạo lao động chưa cao, năng suất lao động thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến thu nhập của người lao động làm công ăn lương ở đây còn thấp. Ngoài ra, kinh tế vùng chưa phát triển, số lượng doanh nghiệp và nhu cầu nhân lực còn thấp nên dẫn đến tình trạng thừa lao động cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thu nhập của người lao động thấp.
Nâng cao năng lực dạy nghề
Theo Bộ LĐTB-XH, mục tiêu đến năm 2020, dạy nghề vùng ĐBSCL phải đáp ứng được nhu cầu của người học nghề và thị trường lao động trong vùng cả về số lượng lẫn chất lượng; cơ cấu nghề và trình độ đào tạo, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội... Theo đó, giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm dạy nghề cho khoảng 300.000 người, trong đó trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm 12-15%.
Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Để làm được điều này, bên cạnh các giải pháp như tăng cường tuyên truyền, các địa phương trong vùng cần xây dựng kế hoạch hoặc chương trình hành động về công tác đào tạo nghề nghiệp, rà soát, đánh giá lại các cơ sở đào tạo nghề, sáp nhập các trung tâm ở cấp huyện hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng cần có những giải pháp để thay đổi hoạt động hướng nghiệp cho học sinh phổ thông nhằm phân luồng từ sau khi tốt nghiệp THCS, nhằm đảm bảo ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề theo chỉ thị của Bộ Chính trị. Trong đó, cần chú trọng mở rộng cánh cửa cho các em tiếp tục học liên thông lên được, có vậy mới thu hút học sinh đi học nghề.
Theo ông Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, từ năm 2015, trường này là một trong 9 trường của Việt Nam được chọn đầu tư trở thành trường chất lượng cao theo chuẩn quốc tế và là một trong 25 trường được đầu tư đào tạo chuẩn quốc tế 12 nghề. Tuy nhiên, hệ đào tạo trung cấp của trường 3 năm nay tuyển sinh thấp, không đạt chỉ tiêu. Ông Châu Hồng Thái, Phó giám đốc Sở LĐTB-XH Cần Thơ, cho biết: Nhận thức về học nghề của người lao động chưa cao. Quan niệm của các bậc phụ huynh học sinh vẫn nặng về bằng cấp, bằng mọi giá phải cho con em mình thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học. Bí quá mới cho con em học các trường nghề. Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ mới cải thiện được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”?
Vừa qua, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất trăn trở vấn đề này. Theo Phó Thủ tướng, các tỉnh, thành trong vùng cần chủ động xây dựng, kiến nghị chính sách đặc thù nhằm tăng cường kết nối, tự chủ để sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt trong phát triển giáo dục, dạy nghề của khu vực.
HÀM LUÔNG