Kinh phí đào tạo thành công một phi công cơ bản rất lớn (khoảng 120.000-150.000 USD), vì vậy, chương trình đào tạo phi công nằm trong dự án ODA của chính phủ 2 nước Việt Nam và Pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực bậc cao cho ngành hàng không Việt Nam (HKVN) phát triển một cách bền vững.
Hướng tới trung tâm đào tạo riêng
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Nam Liên, Tổng Giám đốc Công ty Bay Việt, cho biết phát huy kết quả huấn luyện phi công của khóa 1, công ty tiếp tục khai giảng khóa huấn luyện đào tạo phi công cơ bản VFT2 cho 23 học viên phi công người Việt Nam. Cũng trong buổi lễ này, Cục HKVN đã trao chứng chỉ phê chuẩn cơ sở huấn luyện phi công cho Công ty Bay Việt, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hướng tới mục tiêu xây dựng một trung tâm đào tạo phi công riêng của Việt Nam.
Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Nam Liên, Công ty Bay Việt hiện đang có những bước đi vững chắc để tiến tới độc lập đảm trách công tác đào tạo, huấn luyện phi công cơ bản tại Việt Nam với sự tham gia của Học viện HK Pháp-ESMA – đơn vị đã có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo phi công cơ bản cho Vietnam Airlines và các hãng HK trên thế giới.
Trong thời gian tới, Công ty Bay Việt sẽ huấn luyện thêm 4 khóa phi công cho các hãng HK tại Việt Nam và trong khu vực, trong đó chủ yếu là học viên của Vietnam Airlines. Giai đoạn đầu, Công ty Bay Việt sẽ hợp tác cùng Học viện HKVN để huấn luyện thực hành bay cho học viên tại sân bay Cam Ranh, tiến đến hoàn thành chuyển giao công nghệ thành lập Trung tâm đào tạo phi công quốc gia của Việt Nam vào cuối năm 2012.
Khát vọng bay
Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Tổng Công ty HKVN thành lập cơ sở đào tạo phi công cơ bản. Và tháng 6-2008, Công ty Bay Việt được thành lập bởi các cổ đông gồm: Vietnam Airlines, Công ty Cho thuê máy bay VN, Công ty Bay trực thăng VN, Tập đoàn HIPT và Học viện Hàng không Pháp-ESMA. |
Thực tế cho thấy, thị trường HKVN tăng trưởng bình quân 20%/năm là tín hiệu đáng mừng nhưng đồng thời cũng là thách thức rất lớn đối với ngành HKVN, khi nguồn nhân lực phi công đang rất thiếu. Chưa hết, theo chiến lược phát triển của ngành HKVN, từ nay đến năm 2020, nhu cầu về phi công cho ngành sẽ phải đạt khoảng 1.500-2.000 người, tăng hơn gấp đôi số lượng phi công hiện nay.
Những con số nêu trên cho thấy cơn khát nhân lực phi công cho ngành HK là rất lớn và đòi hỏi công tác đào tạo phi công ngày càng trở nên bức thiết. Để có đủ phi công cho hoạt động bay, lâu nay hầu hết các hãng HK phải đi thuê phi công nước ngoài với giá thuê rất cao từ 4.000-7.000 USD/người/tháng (gần gấp đôi mức thu nhập của một phi công người VN). Và như thế, trung bình mỗi năm, ngành HKVN phải bỏ ra khoảng 30-40 triệu USD để thuê phi công nước ngoài nhưng vẫn không đủ.
Có thể nói, việc Cục HKVN trao chứng chỉ phê chuẩn cơ sở huấn luyện cho Công ty Bay Việt là cột mốc quan trọng để các phi công cơ bản VN bước sang giai đoạn chuyển tiếp, giai đoạn mà các phi công được giáo viên lý thuyết của Công ty Bay Việt cùng trực tiếp tham gia giảng dạy dưới sự hỗ trợ và giám sát của các giáo viên có kinh nghiệm được phê chuẩn của Học viện ESMA-Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên các học viên phi công cơ bản được Cục HKVN trực tiếp tổ chức thi sát hạch tất cả các môn học quy định theo bộ đề thi và đáp án do Cục HKVN ban hành để cấp bằng lý thuyết, nâng cao vai trò giám sát chất lượng huấn luyện phi công của nhà chức trách.
Sau giai đoạn huấn luyện lý thuyết 24 tuần tại Công ty Bay Việt ở TPHCM, các học viên sẽ lần đầu tiên được cất cánh với chương trình huấn luyện thực hành bay giản đơn 50 giờ bay tại Việt Nam cho mỗi học viên, bao gồm cả trên 10 giờ bay đơn đầu tiên của khóa học. Với hạ tầng cơ sở tương đối hoàn chỉnh và 3 máy bay TB.20 đang sẵn sàng theo đề án ODA 95-97 giữa chính phủ 2 nước Việt Nam và Pháp, sẽ giúp cho các học viên đạt được khát vọng bay của mình trong một tương lai không xa.
NGUYỄN THU TUYẾT