Phải xác định quy mô tuyển sinh
Bộ VH-TT-DL quản lý trực tiếp 28 cơ sở đào tạo, trong đó có 16 cơ sở đào tạo VHNT (11 trường đại học, 1 học viện, 1 viện nghiên cứu, 3 trường cao đẳng và 2 trường trung cấp), 4 cơ sở đào tạo TDTT và 8 cơ sở đào tạo du lịch. Các cơ sở đào tạo trình độ đại học thực hiện theo các quy định của Bộ GD-ĐT, các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp thực hiện theo các quy định của Bộ LĐTB-XH.
Năm học 2018 - 2019, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VH-TT-DL được giao trên 16.600 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển sinh được hơn 13.600 thí sinh, chiếm 82%. Trong đó, ngành du lịch khả quan nhất với 105%, khối VHNT đạt 74%, khối ngành TDTT thấp nhất với 52%. Dự báo là công tác tuyển sinh năm 2019 đối với các cơ sở VHNT và TDTT sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2018, vì đều là các trường thuộc nhóm ít được thí sinh và phụ huynh quan tâm.
Mới đây, tại Hội thảo khoa học “Tuyển sinh và đào tạo lĩnh vực VHNT, TDTT và du lịch năm học 2019 - 2020”, Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT-DL) cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc khó tuyển sinh. Đó là, quy định một thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng; các cơ sở đào tạo được phép tuyển sinh nhiều lần trong năm theo đề án riêng; mức điểm sàn xét tuyển tương đối thấp, dẫn đến số lượng thí sinh lựa chọn vào các trường VHNT và TDTT giảm. Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các trường, ngành nghề đào tạo cùng với sự cấp phép mới cho các cơ sở đào tạo về việc mở mã ngành cũng ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh trong lĩnh vực VHNT và TDTT.
Ngoài ra, theo các trường, đào tạo VHNT là lĩnh vực đặc thù, tiêu chí hàng đầu phải là có năng khiếu. Thời gian đào tạo kéo dài, tuổi nghề lại ngắn, sinh viên tốt nghiệp ra trường khó tìm được việc làm, hoặc có việc làm nhưng lương thấp. Một số trường địa bàn tuyển sinh chủ yếu là vùng sâu vùng xa, kinh tế còn nhiều khó khăn nên sau khi trúng tuyển, nhập học một thời gian thì học sinh, sinh viên bỏ về vì không đủ điều kiện theo học…
Để tuyển sinh được tốt hơn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Nguyễn Thế Hùng khuyến nghị cần phải xác định quy mô tuyển sinh phù hợp với nhu cầu của xã hội để không chỉ nâng cao chất lượng nguồn tuyển mà còn nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp. Đặc biệt, đối với các ngành nghề đào tạo năng khiếu, đặc thù không có tính phổ cập như các ngành đào tạo đại trà khác, vì vậy, những ngành này phải có quy định rõ ràng chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra đối với mỗi ngành nghề đào tạo; chú trọng đào tạo tài năng đỉnh cao, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo đặt hàng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.
Đào tạo “vướng”
Trong cuộc làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc xây dựng chính sách pháp luật giáo dục nghề nghiệp đối với lĩnh vực đặc thù, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông khẳng định: Hiện một trường đào tạo năng khiếu, nghệ thuật, thể thao có tới 3 bộ quản lý. Vì thế, nếu không có cơ chế đặc thù đối với đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật thì sẽ không vực dậy được lĩnh vực này. Kéo theo đó là nguy cơ mất nguồn nhân lực và không bảo tồn được nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Hiện Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH cùng quản lý nhà nước đối với một cơ sở giáo dục như Học viện Âm nhạc quốc gia, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TPHCM, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội… Việc này dễ dẫn đến chồng chéo về thực hiện chính sách và các quy định về quy trình, chương trình, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, đội ngũ giảng viên, giáo viên và chế độ làm việc, chế độ chính sách ưu đãi đối với giảng viên, học sinh, sinh viên; việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, vấn đề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp...
Một số quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và Nghị định số 48/2015NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật còn nhiều nội dung chưa phù hợp hoặc chưa được quy định đối với khối đào tạo đặc thù năng khiếu nghệ thuật.
Rất nhiều cơ sở đào tạo VHNT cho rằng cần có sự thống nhất trong điều hành quản lý. Các cơ sở đào tạo VHNT không thể áp dụng cơ chế cứng như các cơ sở đào tạo ở lĩnh vực khác. Bởi hệ thống các trường nghệ thuật hiện nay mang nặng tính truyền nghề, đa ngành nghề, đa lĩnh vực, đa trình độ, trong cùng một trường đào tạo từ trung cấp cho đến cao đẳng, đại học, sau đại học. Do đó, theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến: Không thể đòi hỏi người dạy phải có học hàm, học vị đối với các giảng viên là NSND, NSƯT. Nếu thực hiện theo quy định cứng là không cho đào tạo sơ cấp, trung cấp thì chẳng khác nào “giết chết” nghệ thuật. Việc quy định chi tiết đào tạo năng khiếu nghệ thuật, thể thao... phải do Bộ VH-TT-DL đề ra.
Nếu không tiến hành nghiên cứu, sửa đổi sớm những bất cập trong quy định hiện nay thì đào tạo năng khiếu nghệ thuật sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.