Đảo xanh Nam Yết

Đảo xanh Nam Yết

Nằm ở phía Bắc của quần đảo Trường Sa, đảo Nam Yết được ví như “hòn đảo xanh” giữa trùng khơi bão tố. Đặt chân lên đảo, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh ngút ngàn của dừa xanh, của các loại cây đa, nhàu, chuối, đu đủ, mù u… mọc khắp nơi trên đảo. Đi đến đâu trên hòn đảo xinh đẹp này cũng gặp một màu xanh của cây lá khác hẳn với trước đó gần chục năm, hòn đảo chỉ trơ ra cái nắng gắt cháy bỏng và những bãi cát chìm trong gió biển mịt mù…

Đảo xanh Nam Yết ảnh 1

Chăm sóc cây nhàu tại công trình lấn biển thuộc đảo Nam Yết.

Thượng tá Đảo trưởng Ngô Văn Cải chỉ tay về bãi bồi nằm phía Nam của đảo giới thiệu về công trình lấn biển được thực hiện bởi mồ hôi và công sức của toàn thể cán bộ - chiến sĩ trên đảo trong hơn 2 năm qua.

Anh cho biết: Lợi dụng lúc thủy triều rút xuống, anh em khuân đá đắp thành một con đập chạy dài uốn lượn theo doi cát nhô lên trên mặt nước. Đắp đá đến đâu là chuyển cát lấp vào đến đó. Cứ như vậy, lâu dần trở thành một bãi bồi nhô lên trên mặt biển, có đoạn cao hơn 1m. Có được mét vuông đất nào là phải giữ bằng đủ cách, từ lấp xuống cây, lá, rác mùn đến chuyển đất thịt từ đất liền ra. Đất “nở” ra đến đâu được anh em cho trồng cây xanh ngay đến đó. Đầu tiên là trồng cây dừa, cây nhàu chắn gió, chắn cát, sau đến chuối, đu đủ phủ xanh đảo.

Chỉ tay về phía doi cát nhô lên mỗi khi con sóng rút xuống, Thượng tá Đảo trưởng Ngô Văn Cải nhẩm tính: “Chỗ đó cũng hơn 1.000m² và chỉ 1 năm nữa thôi là thành đất, thành lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc với màu xanh được phủ kín”.

Để màu xanh phủ kín trên hòn đảo là cả một quá trình gian nan được các chiến sĩ trên đảo ví như một việc làm “dời non, lấp biển”. Đảo trưởng Ngô Văn Cải nhớ lại: “Đầu năm 1996, hai cây dừa đầu tiên được mang ra đảo trồng thử nghiệm trong điều kiện nước ngọt và đất trồng thiếu trầm trọng. Cả đảo dồn mọi công sức, vật dụng để che chắn gió cát và chăm sóc, tưới nước cho dừa dưới cái nắng gió của biển đảo. Dừa nhanh chóng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt và trở thành “cây chiến lược” tạo màu xanh cho đảo. Đến cuối năm 1999, đảo Nam Yết được phủ xanh bóng dừa.

Sau cây dừa, anh em trên đảo đưa cây nhàu ra trồng thử nghiệm. Khác với cây dừa, cây nhàu cần một lượng nước rất lớn để sinh trưởng, nhưng khi đã bám rễ được trên cát rồi thì lớn rất nhanh. Quả và lá nhàu phơi khô, sắc ra uống còn là vị thuốc chữa được các bệnh thông thường.

Cây nhàu dễ trồng ở chỗ chịu được nắng gió và có thể trồng xen với các loại cây khác như mù u, đu đủ… Mỗi con đường trên đảo được trồng một loại cây khác nhau và mang tên “Đường thanh niên”.

Bí thư chi đoàn đảo Nguyễn Đình Hoán cho biết, phong trào trồng cây xanh trên đảo được phát động rất rầm rộ và lấy cây nhàu làm chỉ tiêu phấn đấu. Ở đâu có đất là anh em cắm cây nhàu xuống và chỉ một mùa là đã lên xanh tốt. Hiện toàn đảo đã trồng được hàng ngàn cây xanh, trong đó nhiều nhất là dừa (hơn 300 cây), sau đến là nhàu và đu đủ. Dừa của đảo Nam Yết hiện nay còn được đưa sang trồng tại nhiều đảo ở Trường Sa và nhanh chóng tạo màu xanh, giữ đất cho đảo.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu trại chăn nuôi trên đảo, chiến sĩ Vũ Đức Thuấn giới thiệu: Nhờ có màu xanh của cây lá, mấy năm gần đây đảo đã nuôi được heo, gà vịt - điều mà nhiều năm trước chỉ có chó sống được. Dưới bóng mát của hàng dừa, các chiến sĩ trung đội 2 dùng lưới quây lại thả hơn 20 con vịt cỏ. Đàn vịt hơn 1 tháng tuổi rộ lên cạp cạp khi Thuấn vãi nắm thóc xuống đất.

Để “tắm” cho vịt, các chiến sĩ dùng một chảo lớn đổ nước vào để đàn vịt “tung tăng” mỗi ngày một lần. Với cách nuôi này, cả đảo hiện đã nuôi được hơn 200 con vịt lớn nhỏ. Còn gà và ngan (vịt Xiêm) thì đơn vị nào cũng nuôi được. Heo những năm trước chỉ đến dịp tết đất liền chuyển ra mới có - thì nay tháng nào anh em trên đảo cũng giết heo cải thiện bữa ăn.

Thuấn còn cho biết, không chỉ gia súc chăn nuôi được trên đảo mà nhờ có cây xanh, bóng mát những năm gần đây các loài chim biển và chim di trú còn tụ về sinh sống, đã tạo nên cho hệ sinh thái biển đảo Trường Sa thêm phong phú và đa dạng.

Chia tay đảo Nam Yết, Đảo trưởng Nguyễn Văn Cải không ngần ngại khi nói với chúng tôi về “hòn đảo xanh” trong tương lai không xa sẽ đón những cư dân đầu tiên ra đảo sinh sống. Và màu xanh hôm nay sẽ tạo một vùng sinh thái bền vững trên vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc giữa muôn trùng khơi.

Phạm Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục