Theo kế hoạch, một trong những chủ đề chính của cuộc đàm phán được tổ chức tại Vienna (Áo) ngày 18-4 với sự tham gia của Moldova, Nga, Ukraine… là việc triển khai trạm radar của Nga ở Cộng hòa tự trị Pridnestrovie của Moldova.
Trước đó, báo Nezavisimaya Gazeta của Nga dẫn một nguồn tin thân cận của Tổng thống Dmitry Medvedev cho biết Nga còn dự định đặt tại thủ phủ Tiraspol của Pridnestrovie một radar vô tuyến định vị lớp Voronezh tham gia hoạt động cảnh báo tấn công tên lửa nhằm phòng thủ trước sự hình thành Hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu (NMD) và lập căn cứ quân sự NATO ở Romania.
Ngoài ra, giới truyền thông còn dự đoán về khả năng triển khai căn cứ quân sự cho 2.000 binh sĩ Nga và đặt tên lửa Iskander tại Pridnestrovie.
Nếu đúng như vậy, sau nhiều năm lên tiếng phản đối Mỹ và châu Âu thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại nhiều nước gần biên giới với Nga, đây là lần đầu tiên phương Tây phải đàm phán về kế hoạch xây dựng trạm radar cảnh báo hệ thống tên lửa, cũng như các căn cứ quân sự phục vụ hệ thống phòng thủ tên lửa mới ngoài lãnh thổ của Nga.
Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh sau cuộc gặp với người đồng cấp phía Mỹ Hillary Clinton, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: “Không có thỏa thuận nào đạt được về phòng thủ tên lửa giữa Nga và Mỹ. Các chuyên gia vẫn đang tiếp tục làm việc”.
Trước nay, Nga luôn giữ quan điểm chống lại kế hoạch của Mỹ về phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa gần biên giới với Nga và cho rằng, đây sẽ là hành động đe dọa đến an ninh của nước này. Vấn đề này được Nga rất quan tâm và đã nhiều lần bày tỏ chính kiến. Năm 2007, Tổng thống Nga V. Putin từng cảnh báo: nếu Mỹ cứ nhất quyết triển khai hệ thống NMD của Mỹ ở châu Âu và thúc ép mở rộng NATO sát tới biên giới Nga, thì các tên lửa của Nga có thể lại phải ngắm vào các mục tiêu quân sự của họ ở châu Âu.
Hồi năm 2010, Nga cũng đã yêu cầu NATO cung cấp bằng văn bản, đảm bảo về mặt pháp lý rằng, các lá chắn tên lửa của NATO trên khắp châu Âu (với mục đích chống lại những tên lửa đạn đạo của các quốc gia mà họ cho là khủng bố như Iran và CHDCND Triều Tiên) sẽ không chống lại Moscow.
Tuy nhiên, NATO đã không đáp ứng yêu cầu trên của Nga mà Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen chỉ cam kết bằng… miệng. Mới đây, Tổng thống Nga D. Medvedev đã ra lệnh trong tháng 11 tới, nước này phải đưa ra một loạt các biện pháp để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa nhằm chống lại lá chắn của NATO, bao gồm cả việc triển khai các tên lửa Iskander tại vùng Kaliningrad, giáp biên giới với Ba Lan, nhằm bảo vệ phần lãnh thổ phía Tây của Nga và nước láng giềng Belarus của Nga.
Hàng loạt các động thái trên càng khẳng định quyết tâm đáp trả thỏa đáng của Nga đối với việc triển khai NMD của Mỹ tại châu Âu. Ngày 3 và 4-5 tới, Nga sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế về hệ thống phòng thủ tên lửa.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước khi hội nghị diễn ra, người ta thấy rõ ràng rằng việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ra ngoài phạm vi quốc gia không chỉ để phòng thủ khả năng bị tấn công từ những nước có nguy cơ, mà còn dùng để kềm chế lẫn nhau đồng thời làm tăng tốc cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc trên thế giới.
XUÂN HẠNH