Ngày 2-8, sau 2 ngày làm việc, Chính phủ đã kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Chiều tối cùng ngày, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ. Hacker tấn công trang web của Vietnam Airlines và vấn đề an toàn, an ninh thông tin; việc kiểm tra, xử lý bùn thải của Công ty Formosa; việc vay vốn ưu đãi của Trung Quốc để đầu tư xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái… là những vấn đề nóng được báo chí đề cập.
Chưa điều chỉnh chỉ tiêu 2016
Tại phiên họp này, một lần nữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thành viên Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của năm 2016; cần có chuyển biến rõ nét trong giải ngân đầu tư công; bảo đảm thu ngân sách nhà nước vượt dự toán ít nhất 10%; quyết liệt chống thất thu, nợ đọng thuế; giữ tỷ lệ bội chi ngân sách theo kế hoạch; kiểm soát chặt chẽ nợ công. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch đề ra, trước mắt chưa điều chỉnh chỉ tiêu 2016.
Chất thải của Formosa chôn lấp trong trang trại ở thị xã Kỳ Anh. Ảnh: T.L
Tại buổi họp báo, báo chí đặt câu hỏi: cơ sở nào để Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ (TTCP) tiến hành thanh tra toàn diện việc MobiFone mua Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) với 95% cổ phần; dư luận cho rằng AVG trị giá chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng nhưng MobiFone mua với giá 8.000 tỷ đồng? Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, MobiFone là doanh nghiệp (DN) viễn thông hàng đầu Việt Nam, việc mua cổ phần nêu trên là hoạt động đầu tư lớn của DN, rất cần sự cẩn trọng, đó là lý do để Ban Bí thư giao Thủ tướng chỉ đạo TTCP thanh tra toàn diện việc mua bán này. Còn theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn, giá trị của AVG bao nhiêu phải do các cơ quan định giá được Bộ Tài chính cấp phép thẩm định, không thể đưa ra dự đoán; việc mua bán với giá bao nhiêu cũng là dựa trên thỏa thuận của các bên.
Vừa qua, đề xuất của Bộ GT-VT vay trên 300 triệu USD (gần 7.000 tỷ đồng) của Trung Quốc để thực hiện dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) kết nối với Đông Hưng (Trung Quốc) đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho biết, đây là dự án quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế vùng, Thủ tướng chỉ đạo tìm kiếm nguồn vốn để triển khai dự án. Trong quá trình đó, Trung Quốc đưa ra phương án hợp tác hai bên. Nhưng Bộ KH-ĐT thấy cần phải thảo luận, đàm phán thêm nhiều vấn đề, nhất là việc lựa chọn nhà thầu, lãi suất, các điều kiện vay. Hiện nay Bộ KH-ĐT đang tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn, có thể là vốn Trung Quốc hoặc nguồn vốn khác.
Formosa phải báo cáo trực tiếp với Bộ TN-MT về xử lý chất thải
Vụ Formosa xả thải có chất độc xyanua, xử lý ra sao cũng là vấn đề nóng của buổi họp báo. Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, như công bố ngày 2-8 của bộ, rất may là bùn thải này chưa gây hại đến môi trường. Tuy nhiên, toàn bộ 390kg chất thải đó coi như chất thải nguy hại. Hiện tỉnh Hà Tĩnh chưa có cơ quan nào xử lý chất thải nguy hại được cấp phép. Cách xử lý hiện nay là đốt, thiêu hủy. “Chúng tôi đã yêu cầu kiểm kê toàn bộ chất thải, kể cả chất thải công nghiệp thông thường và nguy hại (đến thời điểm này đều coi là chất thải nguy hại) thì Formosa phải lập kế hoạch, lựa chọn các DN đủ năng lực, định kỳ báo cáo cơ quan quản lý nhà nước, báo cáo trực tiếp cho Bộ TN-MT về việc xử lý”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Hiện Bộ TN-MT cũng đã đưa 2 phòng kiểm nghiệm di động để kiểm soát các chất thải của Formosa và cùng Formosa khắc phục các vấn đề trước đây liên quan đến công nghệ, hệ thống nước thải… để phòng ngừa sự cố môi trường, mục tiêu là kiểm soát toàn bộ các thông số môi trường. Bộ TN-MT cũng yêu cầu họ có một kế hoạch rõ ràng trong thống kê, kê khai để xử lý chất thải, kể cả thông thường hay nguy hại. Khó khăn hiện nay là trên địa bàn Hà Tĩnh chưa có DN đủ năng lực để xử lý chất thải, nên Formosa phải tìm DN ở ngoài tỉnh Hà Tĩnh, trong quá trình họ vận chuyển chất thải thì Bộ TN-MT sẽ kiểm soát chặt chẽ.
Nguy cơ mất an toàn mạng rất cao
Về vụ hacker tấn công trang web của Vietnam Airlines ngày 29-7, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết, trước thời điểm tấn công khoảng 2 giờ, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Cục An toàn thông tin của Bộ TT-TT đã gửi cảnh báo. Khi sự cố xảy ra, VNCERT và Cục An toàn thông tin đã trực tiếp cử cán bộ kỹ thuật có mặt tại hiện trường, tham gia cùng Vietnam Airlines, Cục an ninh mạng và các tổ chức, DN khác khẩn cấp khắc phục kịp thời sự cố. Đến chiều 1-8, tất cả các máy ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã hoạt động bình thường.
Về vấn đề thông điệp hacker đưa ra mang màu sắc chính trị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết nhóm hacker ban đầu tự xưng là 1937CN đến từ Trung Quốc, nhưng trên diễn đàn của mình, nhóm 1937CN lên tiếng bác bỏ vụ tấn công. Để đưa ra kết luận cuối cùng về nguồn gốc vụ tấn công phải có sự điều tra kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật. Trong khi các cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân, tìm thủ phạm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khuyến nghị các cơ quan báo chí và thông qua đó khuyến nghị với cộng đồng mạng phải tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, tránh những hành vi khiêu khích hoặc thách thức không cần thiết đối với các nhóm hacker nước ngoài, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia. Điều cần làm hiện nay là Việt Nam cần tăng cường năng lực hơn nữa để đề phòng như cuộc tấn công tương tự có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trả lời câu hỏi về lo ngại của dư luận về cáo buộc của một số nước trên thế giới cho rằng, các thiết bị viễn thông của Trung Quốc có nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, thực tế hiện nay, các nhà mạng lớn của Việt Nam sử dụng thiết bị công nghệ của Trung Quốc và có khả năng thiết bị công nghệ đó có lỗ hổng (gần đây các thiết bị đầu cuối cho laptop của Lenovo đã phát hiện ra rủi ro mất an toàn thông tin và xâm phạm việc riêng tư của những người sử dụng). “Có nhiều nguyên nhân các nhà mạng lớn của Việt Nam sử dụng công nghệ viễn thông Trung Quốc. Đó là do hoàn cảnh lịch sử để lại, do chính sách, chiến lược ban đầu chưa đồng bộ, do Luật Đấu thầu có những hạn chế, nhất là về giá thành và cách tiếp cận thị trường bên ngoài của các hãng viễn thông Trung Quốc rất linh hoạt. Nhưng về luật thì chúng ta chưa thể cấm, cũng không có sự phân biệt đối xử. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ rà soát, đánh giá và có chính sách kiểm soát tốt hơn trong thời gian tới. Đặc biệt sẽ có những yêu cầu cụ thể về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong việc đấu thầu, mua sắm thiết bị đối với những hệ thống thông tin quan trọng”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết. Đặc biệt, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn mong muốn các DN viễn thông Việt Nam ngoài nhiệm vụ kinh doanh, cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, góp phần cùng với Nhà nước giữ vững an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh, trong tình hình mới.
Không có vùng cấm trong xử lý vi phạm
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư liên quan đến việc đề bạt, bổ nhiệm, thuyên chuyển ông Trịnh Xuân Thanh; kiểm tra toàn bộ tính pháp lý của dự án Formosa; chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc mua 95% cổ phần của MobiFone với AVG; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các vụ việc môi trường và các vụ việc khác, từ những vấn đề sự vụ như quán cà phê Xin Chào, xử lý nghiêm với công trình xây dựng 8B Lê Trực… đã cho thấy thông điệp kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, chống lợi ích nhóm, chống lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi bất chính. Không có vùng cấm trong xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, bất cứ ai vi phạm đều xử lý nghiêm, công khai.
PHAN THẢO