“Đất lửa” chuyển mình

Ngày 9-3-1975, quân dân ta nổ súng tiến công và giải phóng quận lỵ Đức Lập (nay là thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, Đắk Nông), mở toang cánh cửa giải phóng Buôn Ma Thuột, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
“Đất lửa” chuyển mình

Ngày 9-3-1975, quân dân ta nổ súng tiến công và giải phóng quận lỵ Đức Lập (nay là thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, Đắk Nông), mở toang cánh cửa giải phóng Buôn Ma Thuột, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Sau 40 năm giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Đắk Mil không ngừng vươn lên, trở thành đơn vị dẫn đầu tỉnh Đắk Nông trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Trên “đất lửa” Đức Lập hôm nay, cuộc sống người dân đang đổi thay từng ngày.

Ký ức hào hùng

Trong chiến tranh, quận lỵ Đức Lập có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng vì đây là cầu nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ và cũng là lá chắn bảo vệ thị xã Buôn Ma Thuột. Tại Đức Lập, Mỹ - ngụy đã xây 5 cứ điểm mạnh, trong đó Đồi 722 (thuộc thôn Thổ Hoàng, xã Đắk Sắk), cách trung tâm thị trấn Đắk Mil 7km về phía Đông Nam là căn cứ quân sự được Mỹ - ngụy xem là cánh cửa sắt bảo vệ quận lỵ Đức Lập và cơ sở phòng thủ phía Nam Tây Nguyên. Từ năm 1968 - 1975, nơi đây thường xảy ra những cuộc giao tranh ác liệt nhất giữa quân và dân ta với địch.

Nhớ lại những ký ức hào hùng một thời, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Nhật kể: Năm 1968, khi cuộc chiến bước vào thời kỳ cam go, quyết liệt, ông và nhiều đồng đội đang ở đơn vị chủ lực, nhưng do yêu cầu của cấp trên nên được chuyển về Đội công tác 320, hoạt động chủ yếu trên địa bàn quận lỵ Đức Lập với nhiệm vụ móc nối cơ sở, vận động nhân dân, nắm tình hình địch cũng như tổ chức các trận đánh nhỏ để tiêu hao sinh lực địch. Để làm nhụt ý chí chiến đấu của quân và dân ta, chúng đã dùng pháo kích, máy bay thả bom cày đi xới lại mảnh đất này hàng trăm lần. Chúng thực hiện chiến lược dồn dân lập ấp để cắt đứt sợi dây liên lạc giữa quân và dân. Nhưng với lòng yêu nước nguyện một lòng đi theo cách mạng, đồng bào các dân tộc nơi đây đã che chở, đùm bọc nuôi giấu bộ đội, từ đó nhiều trận chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch, chống càn của bộ đội ta đã làm cho địch hết sức hoang mang, lo sợ.

Khi thời cơ giải phóng Tây Nguyên đến, vào ngày 9-3-1975, bộ đội chủ lực cùng quân dân địa phương đã nổ súng tiến công và giải phóng quận lỵ Đức Lập, mở toang cánh cửa giải phóng Buôn Ma Thuột (ngày 10-3-1975), mở màn cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước. Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng, vào năm 2000, huyện Đắk Mil đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

“Đất lửa” chuyển mình

Mười năm sau ngày giải phóng, Đắk Mil vẫn như một “vùng đất chết” bởi nhiều bom mìn của chiến tranh còn sót lại. Nhưng hôm nay, “đất lửa” đang chuyển mình mạnh mẽ và trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Nông. Đứng trên điểm cao Đồi 722 nhìn xuống, hẳn ai cũng ngỡ ngàng trước những vườn cây ăn trái trĩu quả, những đồi cà phê xanh tốt ngút ngàn ở thôn Thổ Hoàng, xã Đắk Sắk. Ẩn hiện trong những vườn cây là những ngôi biệt thự, những ngôi nhà xây kiểu Thái đắt tiền. Ông Nguyễn Văn Phúc, chủ ngôi biệt thự vừa xây xong, nằm sát khu Di tích lịch sử Đồi 722, kể lại: Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, mấy chục hộ dân Thổ Hoàng, di cư từ Hà Tĩnh đến ở quanh Đồi 722, cày đất lên chỉ thấy toàn xương cốt và mảnh đạn bom. Giờ đây, Thổ Hoàng đã thành một trong số thôn giàu nhất xã Đắk Sắk với gần 70% hộ khá, giàu. Từ khi Đồi 722 được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, Thổ Hoàng càng được quan tâm đầu tư phát triển.

Thị trấn Đắk Mil, trung tâm của quận lỵ Đức Lập năm xưa, nay đang từng bước chuyển mình thành đô thị loại 4. Thị trấn này có vị trí địa lý thuận lợi, là đầu mối giao lưu dịch vụ, thương mại trên địa bàn huyện và các khu vực trong tỉnh thông qua cửa khẩu Đăk Peur. Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, kho tàng văn hóa phi vật thể mang đậm nét đặc trưng của vùng Tây Nguyên, Đắk Mil có nhiều điều kiện phát triển đô thị theo hướng dịch vụ, thương mại và du lịch nghỉ dưỡng. Nằm sát thị trấn Đắk Mil, xã Đức Minh năm xưa là vùng đệm chiến thuật của quận lỵ Đức Lập, từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Với tinh thần bất khuất trong kháng chiến chống ngoại xâm và trong xây dựng quê hương mới, người dân xã Đức Minh đã không ngừng nỗ lực vươn lên, hiện là xã dẫn đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Đắk Nông. Ông Bùi Đình Hiển, Chủ tịch UBND xã Đức Minh, cho biết: “Hiện xã đã đạt được 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đây là kết quả chủ yếu từ phát huy nội lực, từ huy động sức dân. Người dân đã tham gia rất tích cực, cụ thể trong các chương trình xây dựng trường học, đường giao thông, xây dựng chỉnh trang nhà cửa”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay huyện Đắk Mil đã huy động được hơn 130 tỷ đồng vốn để đầu tư cho chương trình NTM, trong đó nhân dân đóng góp gần 38 tỷ đồng. Từ số vốn đó, Đắk Mil đã kiên cố được trên 35km đường giao thông nông thôn; xây mới, sửa chữa 10 công trình thủy lợi vừa và nhỏ; lắp đặt 30km điện chiếu sáng nông thôn… Ông Ngô Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, cho biết: Cùng với xây dựng thành công chương trình mục tiêu NTM, Đắk Mil quyết tâm xây dựng một số thương hiệu đang là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như: cà phê, xoài, sầu riêng… Phát huy truyền thống anh hùng và trên cơ sở những thành quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đắk Mil quyết tâm đưa thị trấn Đắk Mil trở thành thị xã Đức Lập ở tầm cao mới, xứng danh vùng đất quê hương anh hùng.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục