
Được biết đến như là một trong ba trung tâm gốm cổ của vùng đồng bằng Bắc bộ xưa (Phù Lãng, Thổ Hà, Bát Tràng), ngày nay, gốm Phù Lãng vẫn giữ nguyên tên tuổi của mình. Chỉ khác trước là người dân Phù Lãng đã năng động hơn để thích ứng với thị hiếu và nhu cầu mới của người tiêu dùng.
Giữ gìn nghề truyền thống
Phù Lãng là một làng quê thuộc huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội chừng 70km. Làng gốm nằm sát chân một quả đồi, với những con đường làng dốc, quanh co. Gốm Phù Lãng nổi tiếng qua hàng trăm năm bởi chất thô trong những sản phẩm với nước men màu vàng da lươn đặc trưng. Từ lâu, gốm Phù Lãng được biết đến với các sản phẩm mang tính gia dụng chủ yếu là niêu đất, chum, vại, tiểu quách...
Dân trong nước, nhất là những vùng nông thôn rất ưa dùng sản phẩm gốm Phù Lãng bởi giá rẻ và thông dụng. Chum đựng nước, chum làm tương, vại muối dưa, muối cà... những thứ tưởng chừng đơn giản nhưng tạo nên nét quê riêng biệt mà không có vật dụng nào có thể thay thế.

Gốm mỹ nghệ Phù Lãng được bày bán tại các siêu thị.
Cho tới tận bây giờ, các công đoạn làm gốm Phù Lãng kể từ lúc tạo hình sản phẩm đến khi đưa vào lò nung đều được làm thủ công.
Trên những bàn xoay thủ công, người thợ gốm vừa dùng chân vần bàn xoay vừa thoăn thoắt đôi tay tạo hình cho sản phẩm.
Do làm thủ công nên dù cùng một chủng loại nhưng mỗi hộ sản xuất lại cho ra đời những sản phẩm không hoàn toàn giống nhau, từ hình dáng đến màu men.
Men gốm Phù Lãng không bóng như men gốm sành trắng Bát Tràng, không đều màu mà có chỗ đậm, chỗ nhạt, chỗ rạn men, chỗ co men.
Đây là đặc trưng làm nổi bật nét đầy đặn, chắc khỏe riêng biệt của sản phẩm gốm sành nâu Phù Lãng. Loại gốm sành nâu này là bước phát triển mới của loại gốm đất nung ở nhiệt độ nung đến 1.000 độ C.
Được nung ở nhiệt độ cao, gốm sành nâu có lớp da ngoài đanh mặt, nhẵn bóng và rất chắc. Theo các nghệ nhân làng nghề Phù Lãng, không phải bất kỳ loại đất sét nào cũng cho ra được sản phẩm gốm sành nâu có chất lượng tốt. Chọn đất sét để có được sản phẩm gốm sành nâu là bí quyết riêng của Phù Lãng.
Từ năm 1990, gốm Phù Lãng phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm nhựa gia dụng. Làng gốm trở nên sa sút, các sản phẩm chum, vại sành hầu như không thể tiêu thụ. Các gia đình trong làng dần chuyển sang nghề vận tải thuê, có lúc cả làng có tới trên 130 chiếc xe vận tải hạng nặng (từ 15 tấn trở lên) tham gia vận chuyển hàng hóa trên cung đường Bắc-Nam. Trong làng lúc ấy chỉ còn vài hộ gia đình theo đuổi nghề gọi là duy trì nghề tổ trong nỗi lo âu, thấp thỏm.
Làm thế nào để nghề gốm Phù Lãng sống và phát triển được trong cơ chế thị trường trước sự cạnh tranh quyết liệt? Câu hỏi lớn dằn vặt những người thợ gốm Phù Lãng...
Sức sống mới trong từng sản phẩm
Và cuối cùng, cũng chính những hậu duệ của các nghệ nhân gốm Phù Lãng đã tìm được câu trả lời. Gốm mỹ nghệ Phù Lãng ra đời với đủ các loại hình, kiểu dáng và hoa văn trang trí phong phú, đa dạng.
Với tư duy nhạy bén, sau khi được đào tạo tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, nhiều chàng trai Phù Lãng đã quay trở về chính làng quê mình và bằng lòng yêu nghề cùng óc sáng tạo, họ đã “vẽ” một diện mạo hoàn toàn mới cho sản phẩm truyền thống của làng quê, bắt đầu từ việc thay đổi kiểu dáng và họa tiết, hoa văn trang trí trên sản phẩm.
Hình ảnh làng quê và các mảng đề tài văn hóa dân gian Việt Nam được đặc biệt chú trọng khi trang trí cho gốm Phù Lãng. Tiếp đó là nâng thêm độ sắc nét và sự đa dạng màu men phủ trên thân gốm. Có lẽ những người thợ gốm trẻ ở Phù Lãng ngày nay hiểu hơn ai hết hồn gốm chính là hồn quê, do vậy, tăng thêm bóng dáng quê nhà trên từng sản phẩm gốm sẽ làm gốm trở nên có giá trị hơn rất nhiều.
Thực tế đã chứng minh ý tưởng đó của họ hoàn toàn đúng đắn. Giữa nhịp sống hối hả thời hiện đại, giữa những bon chen phố thị mà sự quay cuồng của nó thừa sức làm người ta kiệt quệ cả sức lực và tinh thần thì việc xuất hiện ngày càng nhiều những người hoài cổ hay mong muốn tìm thấy chút yên bình trong tâm hồn ngay nơi phố thị sáng choang đèn đuốc là điều dễ hiểu.

Sản phẩm ra lò đạt yêu cầu, niềm vui nở bừng trên khuôn mặt người làm gốm ở Phù Lãng.
Chính trong sự hoài niệm ấy, người ta tìm tới gốm Phù Lãng. Với màu đất quê, kiểu dáng quê và thấp thoáng hình bóng quê nhà trên từng thân gốm, sản phẩm của Phù Lãng giúp người tiêu dùng có chút phút giây trở về chốn xưa, thấy lại nếp nhà tranh, thửa ruộng, lũy tre làng…
Nhiều khách hàng tìm đến mua gốm Phù Lãng chỉ với một mục đích: bày chúng ở một góc nhà hay khoảnh sân nho nhỏ để làm cảnh.
Với những người này, chỉ vậy thôi cũng đủ thấy dịu mắt và thư thái mỗi khi trở về nhà sau một ngày mưu sinh vất vả. Thời kinh tế phát triển, không ít người xây biệt thự, nhà vườn.
Ở những ngôi nhà này, với trào lưu hiện nay, có thể coi là không chỉn chu và chủ nhân sẽ không được coi là sành điệu nếu trong sân vườn thiếu những sản phẩm gốm trang trí “quê thật là quê” mang thương hiệu Phù Lãng.
Nếu ở Phù Lãng, những lò gốm với thương hiệu “Gốm Nhung”, “Gốm Thiều”... ngày càng khẳng định được vị trí độc tôn trong dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ của làng thì trên thị trường, gốm mỹ nghệ Phù Lãng đang bán rất chạy tại các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, TPHCM... và còn có mặt cả ở các quốc gia khác trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Mỹ, Pháp...
Vũ Hữu Nhung, chàng trai Phù Lãng 30 tuổi đã thành danh với thương hiệu “Gốm Nhung” là một điển hình cho sự năng động của lớp trẻ Phù Lãng ngày nay. Anh đã từng đoạt giải thưởng “Ngôi sao Việt Nam”, giải thưởng cao quý của hội thi các ngành nghề truyền thống Việt Nam, nhờ sản phẩm gốm mỹ nghệ Phù Lãng.
Chắt lọc những tinh túy của cha ông cộng với những kiến thức hiện đại được đào tạo bài bản, Nhung đã khoác cho các sản phẩm chum, vại, đèn vườn... thô mộc của mình nét mềm mại uyển chuyển rất riêng. Mới đây, nhận ra nét tinh xảo trong mỗi sản phẩm gốm mỹ nghệ Phù Lãng, Khu du lịch quốc tế Tuần Châu đã đặt Nhung cung cấp toàn bộ sản phẩm gốm trang trí cho các biệt thự trên đảo.
Anh đã xây dựng xưởng sản xuất cho trên 200 công nhân đến làm việc và dự định sẽ xây dựng một trung tâm trưng bày sản phẩm ngay gần nơi sản xuất. Ngoài ra, anh còn dự định sẽ sử dụng công nghệ nung gas để thay cho công nghệ nung gốm thông thường bằng củi, vừa nhiều rủi ro, vừa ô nhiễm môi trường làng nghề.
Cũng như Nhung, Trần Mạnh Thiều sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật đã bằng kiến thức được đào tạo cùng với những kiến thức tích lũy khi tiếp xúc với thị trường gốm trang trí mỹ thuật tại Hà Nội, anh trở về làng mở xưởng sản xuất, tìm kiếm những hợp đồng xuất khẩu. Hôm chúng tôi đến thăm, cũng là lúc xưởng của anh đang cho ra lò mẻ gốm chậu hoa xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Trao đổi với chúng tôi về những sản phẩm của làng mình, anh nói: “Phải suy nghĩ để làm sao cải tiến sản phẩm nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp đặc trưng của gốm quê. Sự đơn điệu là điểm yếu của gốm Phù Lãng. Do vậy, chúng tôi phải thay đổi và làm đa dạng thêm các sản phẩm của mình”.
Từ những chum, vại bình dị đựng tương cà mắm muối, anh đã miệt mài biến hóa, chuyển tải thật uyển chuyển để có thêm những chiếc bình, chiếc lọ, những đĩa treo tường, gạch ốp, phù điêu...
Cách làm mới đã tác động mạnh mẽ đến làng nghề và người dân trong làng bắt đầu học cách làm gốm sành mỹ nghệ xuất khẩu như anh Nhung, anh Thiều. Thành công của lớp trẻ hôm nay khiến chính quyền xã rất mừng. Xã tuyên bố sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho bà con làng nghề phát triển sản xuất. Không có tiền, xã hỗ trợ bằng cách giao đất với chính sách ưu đãi để bà con làm nhà xưởng mở rộng sản xuất.
Về Phù Lãng, bạn sẽ cảm nhận được vẻ bình dị nhưng ấm áp của những sản phẩm ở làng gốm này bởi chúng tự nhiên như đất, mang hơi thở của đất, sự nồng nàn của lửa và độ trong suốt, mát lành của nước giếng quê…
QUANG LỘC