Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm nay có 22 đơn vị tham gia với 27 vở diễn. Đặc biệt, đây là đợt liên hoan sân khấu có số lượng đơn vị nghệ thuật ngoài công lập, các sân khấu kịch xã hội hóa (XHH) tham gia đông nhất từ trước đến nay (13 đơn vị ngoài công lập, 14 đơn vị nhà nước). Các đơn vị cùng giao lưu biểu diễn các tác phẩm kịch nói từ ngày 11 đến 25-4. Dấu ấn của các đơn vị XHH được thể hiện bằng sự đa sắc, phong phú về đề tài, phong cách dàn dựng, trình diễn và sự góp mặt của dàn nghệ sĩ, diễn viên tên tuổi của làng kịch TPHCM.
Loạt các vở kịch nổi bật
Liên hoan sân khấu năm nay, các sân khấu kịch XHH TPHCM đem đến cho khán giả, hội đồng giám khảo một loạt các vở kịch nổi bật, mang đậm phong cách và đặc trưng riêng của từng sân khấu.
Điểm qua các tác phẩm dự thi lần này có: Sân khấu kịch Hồng Vân (Đàn bà dễ có mấy tay - đạo diễn NSND Hồng Vân và Châu về hợp phố - đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc); Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ (Mua chồng 30 vạn - đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc); Sân khấu kịch Minh Nhí (Tiếng vạc sành - đạo diễn Thanh Thủy); Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi (Rặng trâm bầu - đạo diễn NSƯT Trịnh Kim Chi); Sân khấu kịch Nụ Cười Mới (Đám cưới chùm - đạo diễn Trần Bảo Châu); Sân khấu kịch Sài Gòn (Oan hồn - đạo diễn Tấn Hoàng); Sân khấu kịch Hồng Hạc (Thiên thần nhỏ của tôi - đạo diễn Lan Phương); Công ty TNHH Giải trí Hero film (Tiếng giày đêm - NSƯT Trần Minh Ngọc); Công ty TNHH Giải trí sân khấu Buffalo (Hiu hiu gió bấc - đạo diễn Lê Đăng Khoa); Công ty TNHH Sân khấu - Điện ảnh Gia Đình (Lũ quỷ sống - đạo diễn Gia Bảo); Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B sau những nỗ lực sáng đèn trở lại, cũng trau chuốt lại Gương mặt kẻ khác - đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc để cùng tham gia liên hoan; đơn vị nghệ thuật công lập duy nhất tại TPHCM là Nhà hát Kịch thành phố cũng góp mặt bằng vở mới dựng trong năm 2017 Người mẹ thứ hai - đạo diễn Lê Diễn.
NSƯT Trịnh Kim Chi chia sẻ: “Tôi rất vui khi lần đầu tiên sân khấu của mình được tham gia vào một liên hoan kịch lớn như thế này. Nhất là khi liên hoan có rất nhiều đơn vị tư nhân cùng tham gia. Đây cũng là cơ hội để các diễn viên được tiếp cận với các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, với các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, đa phong cách. Liên hoan còn là dịp để người làm nghề giao lưu, tiếp thu thêm kiến thức, kinh nghiệm. Tôi mong rằng, sau liên hoan, khán giả sẽ biết đến nhiều hơn, quan tâm và tìm đến với các sân khấu kịch nói tại TPHCM và hy vọng, khi liên hoan khép lại, các tác phẩm tham gia sẽ được các đơn vị, cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện để có nhiều dịp lưu diễn, đến với đông đảo khán giả”.
Hỗ trợ sân khấu kịch xã hội hóa phát triển
Từ nhiều năm qua, loại hình sân khấu kịch nói tại TPHCM rơi vào giai đoạn khủng hoảng khiến các đơn vị nghệ thuật kịch XHH gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tổ chức biểu diễn. Mỗi năm, khán giả sân khấu lại thưa vắng dần. Không ít sân khấu mở cửa, diễn lay lắt rồi tắt đèn. Các sân khấu kỳ cựu thì cố gắng, nỗ lực tìm mọi cách để giữ chân khán giả. Thực trạng ấy luôn làm đau đầu các ông bà “bầu”. Thế nhưng, với tình yêu nghề, sự nhiệt huyết, đam mê nghệ thuật, các nghệ sĩ kiêm “bầu” sô sân khấu kịch tại TPHCM lại cố gắng để duy trì sàn diễn sáng đèn và nỗ lực dàn dựng, phục dựng các tác phẩm sân khấu chất lượng để tham gia liên hoan.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL NSND Vương Duy Biên cho biết: “Liên hoan năm nay có nhiều nét mới, các đơn vị nghệ thuật tham gia với tiêu chí đề tài tự do, không bó hẹp; khuyến khích khuynh hướng sáng tạo mới, những thể nghiệm mới, làm phong phú sàn diễn kịch nói. Hy vọng các đơn vị nghệ thuật sẽ đem lại cho liên hoan nhiều sự sáng tạo tươi mới, hấp dẫn. Tổ chức tại TPHCM, chúng tôi kỳ vọng tạo một sân chơi có cả những đơn vị nghệ thuật công lập và rất nhiều đơn vị nghệ thuật XHH, qua đó sẽ đo lường được tác phẩm kịch chất lượng, đúng định hướng, truyền thống, văn hóa, phù hợp đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu của công chúng hôm nay. Liên hoan còn là dịp đo lường lượng khán giả, sự quan tâm của công chúng đối với sân khấu kịch nói. Thông qua liên hoan, chúng ta trông chờ sự xuất hiện nhiều tác phẩm tốt, nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn trẻ tài năng”.
Để các đơn vị nghệ thuật tư nhân có nhiều điều kiện thuận lợi khi tham gia liên hoan, ban tổ chức đã sắp xếp để các đơn vị thi diễn ngay tại sân khấu của mình, hạn chế việc di chuyển hay phải thay đổi kích thước cảnh trí có sẵn của các vở diễn, qua đó giúp các diễn viên thêm tự tin, thoải mái trên sàn diễn quen thuộc.
Ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban tổ chức liên hoan, thông tin thêm: “Chọn địa bàn TPHCM tổ chức liên hoan đã thể hiện sự quan tâm của bộ đối với nghệ thuật kịch nói, đặc biệt với các đơn vị nghệ thuật kịch nói ngoài công lập. Chúng tôi ghi nhận tình yêu nghề, sự cố gắng rất lớn để vượt qua khó khăn của các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập trong hoạt động duy trì tổ chức biểu diễn. Đặc biệt, tham gia liên hoan lần này, các đơn vị nghệ thuật XHH đem lại nhiều tác phẩm kịch nói đa dạng, phong phú về đề tài và phong cách trình diễn. Sau liên hoan, ban tổ chức sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ một phần cho các sân khấu XHH, tạo điều kiện để các đơn vị lưu diễn phục vụ công chúng”.