Dấu ấn showbiz Việt

Mỹ Tâm và những liveshow đẳng cấp
Dấu ấn showbiz Việt

Thị trường giải trí năm 2014 khép lại với nhiều mảng màu khá tươi sắc. Cả âm nhạc, điện ảnh và thời trang đều có những dấu ấn đáng nhớ bên cạnh sự bùng nổ các chương trình truyền hình thực tế đã góp phần tạo nên bức tranh đa diện cho showbiz Việt 2014.

Mỹ Tâm và những liveshow đẳng cấp

2014 là năm thật sự sôi động của nhạc Việt. Không ai nghĩ trong bối cảnh thị trường ca nhạc khá chìm lắng và phó mặc cho các sô ca nhạc truyền hình trực tiếp ngày càng nở rộ mà làng ca nhạc vẫn có thể bứt phá để tạo dấu ấn đậm nét.

Trong đó, dấu ấn đậm nét nhất chính là liveshow  của Mỹ Tâm tại sân vận động Quân khu 7 (TPHCM) và sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội). Live concert Heartbeat gây dấu ấn không chỉ ở việc thu hút trên 50.000 khán giả đến với chủ nhân của sô diễn - ca sĩ Mỹ Tâm - mà trên tất cả, lần đầu tiên người ta thấy được sức hút mạnh mẽ thật sự của một ngôi sao trong nước và sự cuồng nhiệt mà khán giả dành cho Mỹ Tâm không hề kém cạnh bất kỳ ngôi sao ca nhạc thế giới nào đến Việt Nam.

Năm 2014, Mỹ Tâm cũng nhận nhiều giải thưởng mang tầm vóc quốc tế như Best-selling artists from each major territory của World Music Awards (WMA) 2014, danh hiệu Asia’s Music Legend - Huyền thoại âm nhạc châu Á của tổ chức Top Asia Corporate Ball.

Liveshow kỷ niệm 10 năm ca hát của Hồ Ngọc Hà cũng là một dấu ấn đáng ghi nhận khác của nhạc Việt năm 2014. Dù vẫn còn một số ý kiến trái chiều về chân dài lấn sân ca hát này nhưng rõ ràng, ngôi vị nữ hoàng giải trí hàng đầu trên thị trường nhạc Việt hiện nay không thể là ai khác ngoài cô. Tuy không có những đột phá về âm nhạc nhưng với sự lao động miệt mài và đặc biệt với việc tiếp tục ghi dấu ấn trong liveshow Thương hoài ngàn năm 2, Đàm Vĩnh Hưng vẫn là cái tên đáng nhắc đến của nhạc Việt 2014.

Mỹ Tâm đã có một liveshow để đời với Heartbeat.

Bước chuyển của thời trang

Có thể nói, năm 2014 là năm đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ nhất của thời trang Việt bằng những sô trình diễn quy mô, ngày càng hướng đến sự chuyên nghiệp, trong đó sự kiện đánh dấu bước hội nhập mạnh mẽ nhất của thời trang Việt chính là Vietnam International Fashion Week diễn ra từ ngày 1-12 đến ngày 6-12-2014 vừa qua. 20 nhà thiết kế trong nước và quốc tế, 17 sô diễn, 800 bộ trang phục được trình diễn, hơn 8.000 khách mời trong nước và quốc tế... là những con số nổi bật và ấn tượng của sự kiện trên.

Không chỉ truyền thông trong nước quan tâm mà báo chí quốc tế cũng đưa ê kíp sang Việt Nam tác nghiệp trong suốt thời gian diễn ra chương trình. Có thể khẳng định, Vietnam International Fashion Week mùa đầu tiên đã thổi một luồng gió tươi mới và đầy hứng khởi vào thị trường thời trang vẫn còn nhiều ngập ngừng nước ta.

Bùng nổ truyền hình thực tế và hệ lụy

Năm qua tiếp tục khẳng định thế áp đảo của truyền hình thực tế với hàng loạt chương trình cũ mới nối đuôi nhau lên sóng truyền hình. Thật sự, ngay cả giới làm truyền hình lẫn cánh phóng viên theo dõi mảng văn hóa văn nghệ không thể nào nhớ nổi tên các chương trình truyền hình thực tế phát sóng trong năm. Sau trào lưu bùng nổ các chương trình ca hát, các đơn vị sản xuất chuyển sang hài, thế là Ơn giời, cậu đây rồi!, Cười là thua, Thách thức danh hài… đồng loạt ra đời. Chương trình người lớn bội thực thì chuyển hướng qua “dụ” trẻ con với Giọng hát Việt nhí, Vũ điệu tuổi xanh, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí… Sau các chương trình tìm kiếm người mẫu khá thành công thì các đơn vị sản xuất cũng nghĩ đến việc tổ chức cuộc thi nhan sắc trên truyền hình.

Bên cạnh các chương trình cũ, lên sóng đến mùa thứ 5, thứ 6 như Thần tượng Việt Nam, Bước nhảy hoàn vũ thì những chương trình mới cũng liên tục được mua bản quyền hoặc nghĩ ra. Những khung giờ vàng quen thuộc trên các kênh truyền hình có lượng người xem đông nhất VTV3, HTV7 đã được chiếm lĩnh hết thì người ta bắt đầu mở rộng ra VTV6, VTV9, HTV9 và thậm chí kênh Truyền hình Vĩnh Long khá tiềm năng ở khu vực miền Tây cũng đã được đưa vô tầm ngắm.

Đáng tiếc, cùng với sự tăng nhanh về số lượng thì chất lượng các chương trình ngày càng giảm sút. Tính định hướng, giải trí mang yếu tố tích cực, hướng đến các giá trị nhân văn, thẩm mỹ ngày càng ít đi, thay vào đó là những nhố nhăng, giật gân, câu khách rẻ tiền.

Làn sóng phim Việt trên màn ảnh rộng

Chưa năm nào, điện ảnh Việt lại sôi động như 2014 khi số lượng phát hành ra rạp lên tới con số vài chục phim. Thời điểm cuối năm, khán giả tiếp nhận dồn dập các phim ở đủ mọi thể loại. Nhiều bộ phim Việt Nam đã “chiếm lĩnh” phòng vé và nhận được khá nhiều đánh giá tích cực của người xem cũng như giới chuyên môn. Các nhà làm phim Việt đang có những bước tiến đáng mừng trên con đường hòa nhập với điện ảnh thế giới. Phim Việt không chỉ đạt doanh thu lớn mà còn gây tiếng vang tại các liên hoan phim quốc tế.

Đã qua rồi cái thời mỗi năm lèo tèo vài ba tựa phim Việt ra rạp, hiện các phim sản xuất trong nước liên tục ra rạp, trải đều suốt trong năm chứ không còn tập trung vào mỗi mùa phim tết như lâu nay. Khán giả cũng bắt đầu quen thuộc với những thuật ngữ như “bom tấn”, “sốt vé”, “lập kỷ lục doanh thu” đối với phim Việt song hành cùng những chiến lược truyền thông quảng bá rầm rộ, ngày càng chuyên nghiệp…

Dù vẫn còn nhiều phim bị chê về chất lượng nhưng có thể nói, với những nhân tố mới mẻ ở mọi thể loại từ hài, kinh dị, hành động, hài - lãng mạn, siêu xe, siêu nhân… năm 2014 có thể coi là một nốt thăng cho điện ảnh Việt.

Lùm xùm bản quyền

Năm 2014 cũng ghi nhận một hiện tượng đặc biệt của làng giải trí trong nước - ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Sinh năm 1994, chàng trai người Thái Bình được biết đến qua phong trào underground cùng các rapper đàn anh tên tuổi như LK, Jansaker... Sau khi “Nam tiến” chỉ một thời gian ngắn, cái tên Sơn Tùng M-TP lập tức trở thành hiện tượng “gây bão”, càn quét tất cả các trang nghe nhạc trực tuyến lẫn các sân khấu ca nhạc lớn nhỏ.

Tuy nhiên, dù tạo ra cơn hâm mộ cuồng nhiệt nơi giới trẻ nhưng giọng ca vừa tròn 20 tuổi này cũng gây ra nhiều tranh cãi xung quanh những sáng tác của anh. Gần như các ca khúc ăn khách của Sơn Tùng đều dính nghi án đạo nhạc, mà gây ồn ào nhất năm qua chính là tranh cãi quanh ca khúc Chắc ai đó sẽ về - nhạc phim Chàng trai năm ấy do chính Sơn Tùng đóng vai chính.

Trước đó, ca khúc gây sốt Khi chúng ta già của Phạm Hồng Phước cũng bị tố sử dụng lời bài thơ cùng tên của tác giả Nguyễn Thị Việt Hà mà không hề xin phép. Nhóm FB Boiz cũng phải trả giải thưởng Bài hát Việt vì đạo phần nhạc nền (beat) ca khúc Tương tư từ nhạc Hàn Quốc. Năm 2014 cũng nở rộ nhiều vụ tố vi phạm bản quyền của các đơn vị kinh doanh nhạc số như vụ công ty của ca sĩ Đăng Khôi kiện Zing MP3 vi phạm bản quyền gần 10.000 ca khúc Hàn Quốc, trưởng nhóm Bức Tường Trần Lập đưa Zing MP3 ra tòa vì đăng tải bài hát Đường đến vinh quang do anh sáng tác mà không xin phép hay những lùm xùm xung quanh chuyện nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Tác quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đi đòi tiền tác quyền các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong liveshow Khánh Ly…

GIA BÌNH

Tin cùng chuyên mục