Theo Cơ quan phụ trách thị trường nội địa (OHMI) của Liên minh châu Âu (EU), trên thế giới hiện nay, sau buôn bán ma túy, hàng giả là lĩnh vực thứ hai các băng đảng tội phạm hoành hành. Thiệt hại do hàng giả gây ra không chỉ về mặt tài chính mà còn gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe và thậm chí tính mạng của người tiêu dùng.
Những mặt hàng giả “hot” nhất
Cục Trí tuệ chống hàng giả (CIB) thuộc Phòng Thương mại quốc tế (ICC) cho biết, số lượng hàng giả chiếm từ 5% - 7% thương mại toàn cầu. Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế LHQ (OECD), khoảng 300 - 600 tỷ USD thương mại quốc tế có thể xuất phát từ các sản phẩm làm giả, không tính tới khu vực mua bán trực tuyến hay hàng giả bán ở thị trường nội địa. Nếu tính toàn bộ, con số này có thể lên đến gần 2.000 tỷ USD.
Các ngành công nghiệp hàng đầu thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hàng giả gây ra là hàng điện tử, quần áo thời trang, nước hoa, đồ chơi, linh kiện máy bay, phụ tùng và phụ kiện xe hơi, dược phẩm… Riêng với thực phẩm và dược phẩm, bọn làm hàng giả tập trung vào 4 loại sản phẩm bán rất chạy trên thị trường là thuốc cường dương, thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân và các loại bột để kích thích phát triển cơ bắp của giới tập thể dục thể thao.
Thuốc và thực phẩm chức năng trở thành hàng “hot” để làm giả.
Ngày 21-7, Ủy ban châu Âu thông báo, doanh số bán hàng quần áo và phụ kiện giả mạo gây thiệt hại lên tới 10% doanh thu của ngành công nghiệp này ở châu Âu. Chỉ tính cà vạt, giày, túi sách và quần áo giả, năm 2014, châu Âu bị thiệt hại 26 tỷ EUR. Theo OHMI, giới phát minh sáng chế, sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng đều bị thiệt hại nặng nề do nạn làm hàng giả. Ở Mỹ, tính riêng trong năm 2013 có đến 68% hàng giả thu được ở biên giới có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng giả từ Trung Quốc xuất hiện tại Mỹ rất đa dạng, từ thịt, trứng đến trái cây, quần áo thời trang, đồ điện tử, “cướp” đi 750.000 việc làm. Ở Đức, theo thống kê của Tổng cục Hải quan liên bang, trong năm 2013, hàng giả nhiều nhất cũng đến từ Trung Quốc (59,2%), Hồng Công (18,8%) và Mỹ (4,3%).
Không từ mọi thủ đoạn
Theo RFI, luật sư Christophe Levy-Dières, chuyên nghiên cứu về hàng giả tại Paris, cho biết: Có một vụ bê bối nghiêm trọng liên quan đến một số hàng giả nhãn hiệu De Luxe, do dùng da xử lý với chất thủy ngân, làm khách hàng sử dụng bị mẩn ngứa.
Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đưa tin, chính quyền nước này vừa thu giữ hàng ngàn chai rượu từ nhà sản xuất địa phương sau khi phát hiện thuốc viagra được sử dụng làm chất phụ gia trong sản phẩm nhằm mục đích “tăng cường chức năng của đàn ông”, theo như quảng cáo của loại rượu này. Kết quả cuộc điều tra toàn quốc ở Trung Quốc đã tìm thấy tổng cộng 69 sản phẩm rượu vang từ gần 50 công ty sử dụng ma túy làm chất phụ gia. Các cơ quan quản lý xác nhận 15 công ty đã bổ sung trái phép chất sildenafil, hay thường gọi viagra, vào các sản phẩm của họ. Tại Liễu Châu, chính quyền đã tịch thu 5.357 chai rượu các loại nghi ngờ chứa 1.124kg cồn thô. Các nhà chức trách cũng tịch thu một lô bột trắng sildenafil trị giá trên 112.726 USD.
Tại Australia, các nhà xuất khẩu đang kêu gọi chính phủ liên bang có nhiều biện pháp mạnh hơn để bảo vệ uy tín của quốc gia này trước tình trạng hàng giả nhãn hiệu Australia trở thành “cơn thủy triều”. Hiện các nhãn hàng thực phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng của Australia đang là mục tiêu của những kẻ làm giả ở châu Á và Trung Đông. Thịt bò thượng hạng của Australia là mục tiêu cụ thể. Thịt bò Blackmore Wagyu của ông trùm David Blackmore được bán trên toàn thế giới và trở thành nạn nhân của hàng giả cách đây 3 năm tại Trung Quốc. Kết quả, công ty này giờ đây đã rút gần như hoàn toàn sản phẩm khỏi Trung Quốc, chỉ còn hiện diện tại 5 khách sạn 5 sao ở Thượng Hải.
Ngoài ra còn nhiều trường hợp sản xuất thực phẩm bổ sung giả có chứa chất cấm steroid, chất có thể dẫn đến suy giảm canxi, gây ra các vấn đề như loãng xương, viêm xương khớp. Trong một số trường hợp, còn có thể gây ra cơn đau tim, đột quỵ, suy tạng và có thể tử vong.
Internet “tiếp tay”
Vấn đề hàng giả trở nên phức tạp hơn khi kẻ gian đưa hàng bán trực tuyến. Tạp chí The Economist, đại diện thương mại của Mỹ vào tháng 4-2015 đã dự báo rằng, doanh số bán hàng trực tuyến của hàng hóa vi phạm bản quyền có thể vượt quá những doanh số thị trường truyền thống. Giới buôn hàng giả bán trên mạng có thể dễ dàng làm ăn và liên tục ra mắt các trang web mới để tránh cơ sở pháp lý.
Năm 2004, nhãn hàng Tiffany cho rằng trang web eBay phải chịu trách nhiệm trong việc rao bán hàng giả trên trang web của mình. eBay vặn lại rằng họ không thể ngăn chặn tất cả các quảng cáo bất hợp pháp nhưng cam kết sẽ cố gắng loại bỏ chúng. Tòa án Mỹ đã buộc eBay và Google phải có hệ thống đối phó với người bán hàng và các nhà quảng cáo đáng ngờ.
Trang mạng bán hàng trực tuyến số một của Trung Quốc - Alibaba là một thách thức mới. Kering, một tập đoàn của Pháp có các sản phẩm nổi tiếng như Gucci và Bottega Veneta đã nộp đơn lên tòa án liên bang Mỹ tại New York kiện Alibaba bán hàng giả. Kering cáo buộc rằng, Alibaba đã giúp kẻ giả mạo bán hàng trên trang web của mình. Ngày 17-7, Hiệp hội Trang phục và giày dép Mỹ (AAFA) cũng yêu cầu Alibaba phải gỡ bỏ các thông tin rao bán hàng giả. Alibaba cho biết họ đang xử lý vấn đề này và đã phân công hơn 2.000 nhân viên vào lĩnh vực chống hàng giả và trong năm 2014 từng loại bỏ 90 triệu mặt hàng nghi là giả muốn rao bán trên mạng. Các khách hàng muốn Alibaba thiết lập một hệ thống tự động tháo gỡ các danh sách hàng hóa không rõ ràng ngay lập tức, một đòi hỏi mà dường như họ không được đáp ứng. Cuộc chiến với Kering vì vậy còn tiếp tục kéo dài.
Những trang mạng bán hàng giả có thể có tên miền đăng ký tại một quốc gia, còn máy chủ đặt tại một quốc gia khác và việc sản xuất, phân phối hàng lại ở một nước khác. Theo các nhà chuyên môn, một món hàng giả có thể rao bán trên 14.000 trang web.
Liên hiệp quốc vào cuộc
Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC) trong năm 2014 đã phát động chiến dịch nâng cao nhận thức chống lại nạn buôn bán hàng giả. UNODC ra thông cáo cho rằng, việc mua và bán bất hợp pháp hàng hóa giả mạo chính là tiếp tay cho bọn tội phạm có nguồn thu nhập đáng kể và tạo điều kiện cho các hoạt động bất hợp pháp khác. Doanh thu này cũng có thể được sử dụng để làm ra nhiều hàng giả hơn nữa.
Chiến dịch của UNODC mang tên “Không mua giúp tội phạm có tổ chức” nhằm mục đích giáo dục người tiêu dùng không mua và phân phối hàng giả. Riêng với mặt hàng dược phẩm, UNODC lưu ý lợi nhuận của bọn tội phạm bán các loại thuốc chữa bệnh giả còn cao hơn cả so với buôn heroin, cocaine hoặc thuốc phiện.
UNODC đặc biệt quan ngại hàng giả gây hại cho sức khỏe cộng đồng và làm trầm trọng thêm tình trạng bóc lột lao động, buôn lậu và di cư bất hợp pháp. Người di cư đang bị ép buộc bán hàng giả để trả hết nợ cho bọn buôn người. Hàng giả cũng đặt ra rủi ro cho môi trường vì sản xuất sử dụng vật liệu độc hại không có quy định. Hàng giả còn khuyến khích rửa tiền và tham nhũng. Chiến dịch này là một phần của sáng kiến nâng cao nhận thức về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia mà UNODC ra mắt vào giữa năm.
UNODC hy vọng sáng kiến này cũng sẽ mang lại thành công tương tự như cuộc chiến chống nạn buôn bán động vật hoang dã mà tổ chức này từng phát động. Các vấn đề xã hội và đạo đức liên quan đến việc sản xuất hàng giả cũng được UNODC tập trung tuyên truyền cho công chúng.
THỤY VŨ (tổng hợp)