Giá dầu tiến thẳng đến mức 100USD/thùng chắc chắn sẽ là nỗi lo lắng của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, việc giá dầu leo thang đã mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho chính phủ Cuba, đảo quốc đang hưởng lợi từ việc xuất khẩu dầu thô của… nước khác.
Dưới chính sách cấm vận của Mỹ, nhiều năm qua Cuba không có điều kiện khai thác triệt để các mỏ dầu ngoài khơi. Tuy nhiên, theo Hiệp định hợp tác về dầu lửa (Petrocaribe) được ký năm 2005, các nước vùng Caribe được phép mua dầu giá rẻ của Venezuela với các hình thức thanh toán vượt lên các cơ chế tài chính thông thường. Các nước nghèo như Jamaica, Haiti, CH Dominica… có thể thanh toán một phần hóa đơn dầu của mình bằng chuối và đường. Khoảng 40% giá trị hóa đơn dầu còn lại được thanh toán trong vòng 25 năm với tỷ lệ lãi suất 1%. Riêng Cuba, quốc gia được vinh danh là một trong những nền y học tiến bộ của thế giới, thì thực hiện mô hình hợp tác “đổi bác sĩ lấy dầu” với Venezuela.
5 năm nay, mỗi ngày Venezuela vẫn chuyển khoảng 100.000 thùng dầu tới Cuba. Đổi lại, khoảng 40.000 bác sĩ, y tá Cuba được đưa tới Venezuela để chăm sóc y tế cho các bệnh nhân nghèo. Theo Văn phòng thống kê Quốc gia, năm ngoái, các dịch vụ “xuất khẩu bác sĩ và chăm sóc y tế” chiếm đến 9,4 tỷ USD trong tổng doanh thu xuất khẩu 13,6 tỷ USD của Cuba, lấn át hẳn doanh thu những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như đường và nickel (theo Global Post). Với số dầu nhập khẩu từ Venezuela, Cuba dùng để đáp ứng một phần nhu cầu trong nước (cùng với 50.000 thùng dầu tự sản xuất mỗi ngày), phần còn lại Cuba tái xuất khẩu sang các nước khác.
Ngoài Venezuela, Cuba còn “xuất khẩu” bác sĩ sang các quốc gia dầu mỏ khác như Angola và Algeria. Chính sách trao đổi này không những giúp Cuba thu về nhiều ngoại tệ, mà còn giúp giải quyết việc làm cho lực lượng lao động trong ngành y tế sẽ bị tinh giảm trong vài tháng tới theo chính sách cải cách kinh tế của chính phủ.
Jonathan Benjamin-Alvaro, chuyên gia năng lượng tại trường ĐH bang Nebraska của Mỹ nhận định: “Vận may của nền kinh tế Cuba chắc chắn sẽ gắn chặt hơn nữa với giá dầu thế giới trong những năm sắp tới”. Với trữ lượng dầu tại vịnh Mexico được chính phủ tuyên bố có thể lên đến hơn 20 tỷ thùng, gấp đôi so với mức dự đoán, trữ lượng dầu của Cuba sẽ có thể lên ngang hàng với Mỹ, và nằm trong tốp 20 nước có trữ lượng dầu nhiều nhất thế giới. Hiện Cuba đã ký hàng chục hợp đồng với các tập đoàn nước ngoài để khai thác các mỏ dầu ngoài khơi. Ông Kirby Jones, người sáng lập Hiệp hội Thương mại Mỹ - Cuba có trụ sở tại Washington, đã nói: “Phát hiện mới sẽ làm thay đổi toàn bộ thế cân bằng, giúp Cuba từ một nước nhập khẩu nhiên liệu trở thành một trong những cường quốc năng lượng trên thế giới”.
Hiện Mỹ đã nới lỏng hàng loạt hạn chế với Cuba như cho phép sinh viên, nhân viên Mỹ hay nhà báo tham dự các hội nghị, hội thảo tại Cuba; công dân Mỹ được chuyển tối đa 500 USD/quý đến những người không phải là họ hàng của mình tại Cuba nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế tư nhân. Chắc chắn, việc Cuba có khả năng trở thành nước xuất khẩu dầu lớn sẽ gia tăng thêm áp lực cho Washington trong việc nới lỏng cấm vận để mở đường cho các công ty Mỹ đổ vào Cuba, đồng thời giảm đi sự phụ thuộc vào Trung Đông.
Xuân Hạnh