Câu chuyện người dân mấy ngày gần đây rủ nhau mua dưa hấu ủng hộ bà con nông dân tỉnh Quảng Nam tránh khỏi tình trạng bị ép giá đang được quan tâm nhiều.
Do bị lũ trái mùa làm hư hỏng hoa màu, đặc biệt là dưa hấu đang đến vụ thu hoạch, những ngày qua bà con trồng dưa hấu ở Quảng Nam đứng trước nguy cơ thua lỗ, mất trắng. Giá thu mua dưa tụt thê thảm, chỉ còn 1.000 đồng/kg. Trước tình cảnh đó, nhiều người ở Quảng Nam, Đà Nẵng đã mở các điểm bán “Mỗi trái dưa là một tấm lòng” để giúp bà con nông dân. Câu chuyện này ngay lập tức lan nhanh trên mạng xã hội. Kết quả là có hàng chục nhóm thiện nguyện ở Hà Nội đã đứng ra tổ chức thu mua dưa hấu tại ruộng của bà con với giá 3.000 đồng/kg và chuyển ra Hà Nội bán cho người dân chỉ với giá 5.000 -10.000đồng/kg. Hàng chục điểm bán dưa như vậy đã được thiết lập ở Hà Nội, được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Và chỉ ngay sau vài giờ, hàng trăm tấn dưa đã được người dân đăng ký mua hết. Cảnh các tình nguyện viên thức đêm nhận dưa, dỡ dưa cũng như cảnh nhiều người sẵn sàng đến các điểm để mua dưa cả đêm đã để lại xúc động trong vài ngày gần đây.
Đặc biệt, trong sáng 9-4, tại trụ sở Bộ Công thương xuất hiện cảnh tượng khác lạ, đó là những nhân viên của bộ đứng trực tiếp bán dưa hấu. Trước tình hình ùn ứ dưa hấu ở cửa khẩu Lạng Sơn, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phối hợp với công đoàn bộ mua một xe container đang bị ùn ứ tại cửa khẩu, đem về bán tại trụ sở bộ với mục đích chia sẻ khó khăn với bà con nông dân, thương lái Việt Nam. Chỉ trong vòng vài giờ, gần 20 tấn dưa hấu đã được bán hết.
Thực tế, câu chuyện nông sản Việt Nam “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã đề cập nhiều trong những năm qua. Hành động của Bộ Công thương cũng như các nhóm thiện nguyện bán dưa hấu vừa qua chỉ có thể giải quyết tình thế trước mắt, mang tính chia sẻ còn mấu chốt của vấn đề là phải có chính sách hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ nông sản một cách bền vững.
Hiện Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì hoàn thiện đề án “đổi mới phương thức kinh doanh nông sản” nhằm phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Bộ NN-PTNT cũng đã xác định việc tìm thị trường đầu ra cho nông sản phải gắn bó mật thiết với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó xác định những cây, con chủ lực của nông nghiệp Việt Nam. Từ đó có chính sách, khuyến khích tạo cơ chế phát triển mạnh mẽ cho những cây, con chủ lực này. Đặc biệt với 4 nhóm nông sản là gạo, rau quả, chăn nuôi và thủy sản càng cần phải được quan tâm hơn, vì đây là những nhóm ngành hàng gặp nhiều rủi ro do các biến động của thị trường. Đầu ra cho nông sản Việt Nam không thể mãi quẩn quanh với một vài thị trường khiến chúng ta bị động, lệ thuộc.
LÂM NGUYÊN