Bước sang trung tuần tháng 4-2012, nông dân ĐBSCL xuống giống gần 1/3 diện tích lúa hè thu. Thống kê sơ bộ cho thấy, một số địa phương có diện tích xuống giống lúa phẩm cấp gạo thấp như IR 50404 chiếm đến 40%. Thị trường xuất khẩu gạo đang diễn biến bất lợi, theo hướng giảm liên tục. Mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm. Đầu ra gạo phẩm cấp thấp sẽ khó khả quan trong bối cảnh Việt Nam ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh phân khúc này.
Sạ lúa “theo đuôi” thị trường
“Thấy vụ đông xuân rồi lúa IR 50404 trúng lớn, giá bán cũng tương đương với các giống lúa dài khác, tôi chọn IR 50404 xuống giống 6 công đất trong vụ hè thu” - anh Trần Văn Nhựt, nông dân ở xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết. Đây có lẽ là lý do chính của nông dân một số địa phương ở Trà Vinh và Hậu Giang, đẩy tỷ lệ sản xuất lúa phẩm cấp thấp lên 40%. Trong khi đó, Bộ NN-PTNT khuyến cáo, diện tích sản xuất giống lúa phẩm cấp thấp chỉ nên dao động ở mức 15% - 20%. Thật ra, tâm lý của nông dân trồng lúa ĐBSCL là luôn chạy theo “đuôi” thị trường. Nói nôm na là sản xuất giống lúa nào dễ, được giá là đua nhau trồng. Tình trạng này cũng đang diễn ra đối với các hộ trồng nếp ở Đồng Tháp, An Giang. Hiện nếp đang bán được giá cao, nông dân nhiều địa phương đang gia tăng diện tích sản xuất nếp. Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã khuyến cáo nông dân không nên tăng diện tích trồng nếp ồ ạt, mà chỉ sản xuất khi có hợp đồng bao tiêu từ doanh nghiệp.
Nếu như dễ dàng đưa ra khuyến cáo đối với diện tích trồng nếp thì ngành nông nghiệp ĐBSCL đang “bối rối” không biết nên khuyến cáo thế nào đối với nông dân đã và đang dự định trồng lúa IR 50404. Ai cũng biết, cách đây 5 năm, lúa hè thu rớt giá thê thảm, tồn đọng lên mốc do thương lái và doanh nghiệp chê. Có người đề xuất nên chế biến làm thức ăn gia súc! Thời điểm đó, lãnh đạo ngành nông nghiệp nhiều tỉnh, thành bị “dần tơi tả” ở các kỳ họp HĐND. Nguyên nhân chủ yếu là nông dân ta thán: thiếu lúa giống chất lượng, lúa thơm. Ngành nông nghiệp nhiều tỉnh phải “ngậm bồ hòn” dù biết rằng nông dân sản xuất là có cái lý của họ và thực tế không đến nỗi thiếu giống chất lượng cao!
Có thời điểm người ta nhận định, tỷ lệ sản xuất lúa ở ĐBSCL với 60% giống chất lượng cao, 20% lúa phẩm cấp thấp, 20% lúa thơm - đặc sản, là lý tưởng. Nhưng liên tục trong 3 năm gần đây, các thương lái “vệ tinh của doanh nghiệp” mua lúa IR 50404 với giá tương đương hoặc thấp hơn chút ít so với các giống lúa dài, chất lượng cao đã làm nông dân trồng lúa IR 50404 “khẽ cười”, còn người trồng lúa chất lượng cao, lúa thơm bắt đầu ngao ngán. Cụ thể, nhiều nông dân ở An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ… trong vụ đông xuân vừa qua khá thấm thía khi trồng lúa thơm bị ứ đọng và doanh nghiệp “đánh rớt” giá! Nên trồng giống lúa nào? Câu hỏi mà lãnh đạo ngành nông nghiệp An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, thậm chí Viện Lúa ĐBSCL cũng khó trả lời.
Lỗi tại ai?
Ngành nông nghiệp khi bị “chất vấn” về lúa phẩm cấp thấp thường lý giải họ chỉ chuyển giao, hướng dẫn, khuyến cáo nông dân trồng lúa chất lượng cao, lúa thơm… còn khâu tiêu thụ là của ngành công thương (cụ thể là doanh nghiệp xuất khẩu gạo). Nhưng chuyện tiêu thụ “tùy hứng” của các doanh nghiệp hiện nay dẫn tới vòng luẩn quẩn lúa phẩm cấp thấp như IR 50404 cứ “đáo tới, đáo lui”, khiến sản xuất nông nghiệp ì ạch! Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ, có vẻ kiên định: “Cần Thơ xác định tập trung sản xuất lúa chất lượng cao.
Trong đó, giống chủ lực vẫn là lúa thơm. Riêng lúa phẩm cấp thấp IR 50404 ổn định ở tỷ lệ 15% - 20%, phục vụ nghề làm bánh tráng và lò bún. Người trồng lúa thơm cần phải “hiểu đất, hiểu lúa” và tuân thủ tốt các quy trình sản xuất”. Ai cũng biết, trong bối cảnh xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp và nông dân cần chia sẻ rủi ro. Nhưng một số doanh nghiệp đã trốn tránh trách nhiệm khi đưa ra nhiều lý giải khó hiểu về chuyện lúa thơm rớt giá và ùn ứ. “Chúng tôi nghi ngờ báo cáo của một địa phương có đến 70% diện tích lúa thơm. Phía địa phương vận động nông dân chuyển sang trồng giống lúa thơm, mà không điều nghiên với doanh nghiệp” - một lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu gạo dạng lớn, trực thuộc VFA viện dẫn lý lẽ!? Nói cách này thì ngành nông nghiệp tiếp tục “có lỗi” khi tăng diện tích trồng lúa thơm mà không “báo trước”!
Việt Nam từng chiếm ưu thế trong phân khúc xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp, nhưng hiện nay xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh như Myanmar, Ấn Độ. Trong bối cảnh xuất khẩu gạo khó khăn, doanh nghiệp đang “căng mình” tìm thị trường, thì nông dân trồng lúa IR 50404 cũng đứng trước “cánh cửa rất hẹp” về đầu ra! Câu hỏi đặt ra, nông dân tăng diện tích trồng lúa phẩm cấp thấp lỗi do ai; ngành nông nghiệp, công thương, hay cụ thể là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo?
CAO PHONG