Đầu tư 1 đồng, thu lợi 7,4 đồng

Bộ KH-CN vừa tiến hành tổng kết các chương trình KH-CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.

Báo cáo của Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước cho biết, có 15 chương trình được thực hiện trong giai đoạn này, gồm 10 chương trình thuộc lĩnh vực KH-CN (chương trình KC) và 5 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX). Với nỗ lực lớn của các nhà khoa học, cơ quan quản lý, đến nay, 99% các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm của các chương trình đã được đánh giá, nghiệm thu. Tổng kinh phí ngân sách nhà nước đã đầu tư là 1.833 tỷ đồng và đến nay đã quyết toán xong 98,6%. Trong 5 năm qua, các chương trình KC đã tạo ra 23 loại giống mới và 25 loại chủng vi sinh, giống vật nuôi có ưu thế vượt trội so với các chủng cũ, sau đó đưa vào sản xuất. Các chương trình KC cũng đã tạo ra được 208 công nghệ mới, trong đó có 55 công nghệ đã hoàn thiện và chuyển giao ứng dụng, 630 quy trình sản xuất mới với 157 quy trình đã hoàn thiện...

Theo TS Nguyễn Thiện Thành, Giám đốc Văn phòng các chương trình KH-CN trọng điểm, mặc dù còn nhiều vấn đề, nhưng hiệu quả đầu tư của các chương trình KC thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Có trên 50% các công nghệ và thiết bị tạo ra có tính năng kỹ thuật và chất lượng tương đương với khu vực. Tác động về mặt kinh tế - xã hội của các kết quả được tạo ra từ các đề tài, dự án trong chương trình có thể đã vượt rất nhiều so với nguồn kinh phí đã đầu tư, đặc biệt đóng góp đáng kể trong việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, tăng năng suất lao động, tạo thêm việc làm mới, giải quyết các vấn đề khó khăn do sản xuất đặt ra. Ở lĩnh vực nông nghiệp, 6 nhiệm vụ thuộc chương trình KC.06/11-15 đã tạo ra 8 giống lúa thơm năng suất cao, chất lượng tốt, kháng một số sâu bệnh hại chính và hiện đã được trồng trên 100.000ha. Với năng suất tăng 0,5 tấn/ha so với giống đối chứng, các giống này giúp người dân thu thêm 50.000 tấn thóc - tương đương 325 tỷ đồng (tính theo giá thóc trung bình cả nước là 6.500 đồng/kg). Trong khi đó, tổng đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho 6 nhiệm vụ này là 44 tỷ đồng. “Nếu tính một cách cơ học cho các nhiệm vụ này thì chỉ số ICOR lên đến 7,4. Nghĩa là cứ 1 đồng đầu tư cho đề tài đem lại lợi trực tiếp 7,4 đồng”, TS Nguyễn Thiện Thành cho biết.

Một thành quả khác là công nghệ đốt than trộn của than trong nước (khó cháy) với than nhập khẩu dễ cháy, đem lại hiệu quả rất lớn cho các nhà máy nhiệt điện. Tại Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, trong gần 1 năm qua, công nghệ này đã giúp tiết kiệm khoảng 640 tấn than, tương đương 12 tỷ đồng, trong khi kinh phí cho đề tài là khoảng 6,6 tỷ đồng. Đó là chưa tính lợi ích về môi trường do lượng xỉ thải ra ít khi hiệu suất cháy tăng lên. Nếu sử dụng công nghệ mới thì với nhu cầu hiện tại, các nhà máy nhiệt điện đốt than của Việt Nam có thể tiết kiệm mỗi năm ít nhất 450.000 tấn than, tương đương 800 tỷ đồng. Hay từ chương trình KC.10/11-15, Việt Nam đã sản xuất được vaccine Rota sống giảm độc lực. Vaccine được sản xuất theo quy trình nghiên cứu có trình độ khoa học công nghệ tương đương quốc tế, nhưng giá thành giảm khoảng 1/3 ngoại nhập (vaccine nhập có giá 750.000 đồng/liều, của Việt Nam là 250.000 đồng/liều). Theo tính toán sơ bộ, nếu chỉ tính số vaccine thực tế đã sử dụng cho hơn 100.000 trẻ ở 60 tỉnh, thành đã giúp giảm chi phí trực tiếp cho việc phải mua vaccine ngoại khoảng 50 tỷ đồng, tiết kiệm khoảng 16 tỷ đồng do giảm đến 800.000 lượt thăm khám của trẻ và tiết kiệm khoảng 30 tỷ đồng do giảm được gần 140.000 lần trẻ phải nhập viện do virus Rota gây ra.

Đó là những con số biết nói, khẳng định tính hiệu quả của các chương trình, dự án KH-CN, khi chương trình, dự án đó có kết quả thành công, gắn liền với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội!

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục