
Dự kiến, từ ngày 15-6 đến 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trước khi đưa ra thảo luận và thông qua dự án này trong kỳ họp sắp tới. Nội dung quan trọng được nhiều nhà đầu tư quan tâm là việc chính sách thuế đối với thu nhập từ lãi tiết kiệm, lãi từ cổ phiếu, cũng như chuyển nhượng bất động sản.
- Lãi từ tiền gửi tiết kiệm: chưa thu thuế

Các nhà đầu tư này sẽ là đối tượng phải nộp thuế TNCN. Ảnh: Việt Dũng
Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, trong tờ trình của Chính phủ, dự luật đã bỏ quy định về thu thuế đối với lãi từ tiền gửi tiết kiệm. Theo giải trình của Chính phủ, việc thu thuế đối với thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm có thể góp phần kiểm soát thu nhập và thực hiện động viên công bằng, bình đẳng hơn giữa các cá nhân có thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau.
Tuy nhiên, qua ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, trước mắt chưa nên thu thuế đối với thu nhập này, bởi thực tế hiện nay ở nước ta, lãi tiền gửi tiết kiệm của cá nhân mang tính tích lũy là chủ yếu. Hơn nữa, tiền gửi tiết kiệm là một nguồn cung cấp vốn quan trọng cho sản xuất kinh doanh thông qua kênh huy động vốn là các ngân hàng thương mại.
Việc chưa thu thuế vào thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, đồng thời cũng nhận được sự đồng thuận của đa số tầng lớp nhân dân. Ngoài ra cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, việc thu thuế đối với loại thu nhập này như dự thảo là khó khả thi trong điều kiện quản lý của Việt Nam hiện nay.
Cũng theo quan điểm của Chính phủ, nếu chưa thu thuế lãi từ tiền gửi tiết kiệm, thì cũng chưa nên thu lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vì khoản thu này cũng tương tự như lãi từ tiền gửi tiết kiệm. Trước ý kiến cho rằng, cần bổ sung khoản thu nhập từ kiều hối vào thu nhập chịu thuế để đảm bảo công bằng đối với người có thu nhập từ nguồn khác, ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, cho rằng nếu thu thuế đối với khoản thu nhập này, kiều hối có thể sẽ không được chuyển qua ngân hàng, do đó sẽ vừa không thu được thuế vừa không quản lý được và ảnh hưởng đến nguồn vốn phát triển kinh tế (năm 2006, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam khoảng 4,6 tỷ USD). Cũng vì lý do này, năm 2000, Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao cũng đã bỏ việc thu thuế đối với loại thu nhập này. Vì vậy, để khuyến khích Việt kiều gửi tiền về nước đầu tư, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách đề nghị đưa khoản thu nhập này vào diện không chịu thuế.
- Thu thuế đối với chứng khoán?
Đây là nội dung được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong dự án Luật Thuế TNCN. Dự kiến mức thuế cho thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chứng khoán là 25%/năm. Tuy nhiên, trong các giao dịch hàng ngày nếu nhà đầu tư thực hiện chuyển nhượng thì CTCK sẽ khấu trừ tại nguồn là 0,1%. Cuối năm cơ quan thuế sẽ tính toán ra số tiền cụ thể phải nộp hoặc được hoàn thuế dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư.
Một nhà đầu tư tại CTCK Quốc tế cho biết dù đã chơi chứng khoán 4 năm, nhưng số tiền anh thu được tính trung bình cũng chưa được 60 triệu đồng/năm, nhiều khi phải vay mượn, cầm cố chịu lãi suất cao. Những khoản chi phí đó thì cơ quan nào tính toán được cho nhà đầu tư. Nếu đánh thuế đối với việc chuyển nhượng cổ phiếu thì có thể anh sẽ tính toán rút khỏi thị trường trước khi Luật này có hiệu lực.
Còn nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Nam tại sàn SSI thì băn khoăn, nếu thu thuế từ chuyển nhượng cổ phiếu, liệu CTCK có thể tính toán được phần lỗ, lãi thực tế của nhà đầu tư, rồi giấy tờ chứng minh liên quan. “Tôi được biết trong dự thảo có đề cập đến việc giảm trừ gia cảnh, không biết nhà đầu tư như tôi có được giảm trừ hay không” -anh băn khoăn.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc điều hành CTCK VnDirect, cho rằng với quy định này thì hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm vi tính của công ty phải thay đổi hoặc phải viết thêm để phù hợp. Để làm được điều này các công ty phải có một khoản thời gian nhất định. Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Phó giám đốc môi giới CTCK Tràng An, nếu đánh thuế TNCN vào chứng khoán thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường.
TTCK Trung Quốc vừa qua chỉ có thay đổi về mức thuế đã ảnh hưởng đến thị trường, nhà đầu tư tham gia đã yếu đi, chỉ số chứng khoán giảm. “Việc thu thuế là của cơ quan thuế, nay việc này “chuyển” sang CTCK vậy liệu chúng tôi có được ngành thuế hỗ trợ gì không. Chẳng hạn như đầu tư cho phần mềm” -ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn thắc mắc.
Đối với thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết Dự thảo Thuế TNCN sẽ không thu thuế trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có 1 nhà duy nhất; thu nhập từ chuyển nhượng, chuyển đổi bất động sản của cá nhân đã có quyền sở hữu, sử dụng trên 5 năm. Dự án Luật cũng quy định các thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản và bất động sản thừa kế, quà tặng giữa vợ với chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi với con đẻ, con nuôi; ông bà nội, ngoại với cháu nội, cháu ngoại, anh chị em ruột với nhau không thuộc diện chịu thuế.
Bà Dương Thu Hương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, bày tỏ quan điểm: Tôi không phản đối việc đánh thuế TNCN đối với hoạt động đầu tư vốn, chuyển nhượng chứng khoán, lợi tức từ cổ phần. Bởi đây là hoạt động đầu tư, hoạt động kinh doanh, mà đã kinh doanh thì phải nộp thuế. Tuy nhiên, mức thu bao nhiêu để TTCK vẫn tiếp tục phát triển, Nhà nước vẫn thu được thuế, nhà đầu tư chịu đựng được thì cần phải tính toán, cân nhắc kỹ. Vì vậy, việc đánh thuế như thế nào phải hợp lý để nuôi dưỡng nguồn thu.
Hằng Thanh