Phong trào đổ xô đi mua đất nông nghiệp ở các nước nghèo châu Phi và châu Á dường đã kết thúc. Giờ đây, một số nước, đi đầu là Trung Quốc, đang vung tiền tìm mua đất tại những nước giàu hơn, như Pháp, Australia, thậm chí cả Mỹ.
Mới đây, một số tiết lộ về những hợp đồng mua đất khổng lồ tại Pháp, Australia hay Canada đã gây ngạc nhiên trong công luận, và nhất là đã làm cho giới lãnh đạo chính trị chưng hửng vì không hay biết gì về các thỏa thuận đã ký kết. Tại Pháp chẳng hạn, chính quyền đã được biết một cách muộn màng là một quỹ đầu tư Trung Quốc đã mua 1.700ha đất ở vùng Berry, miền Trung nước Pháp, để trồng lúa mì.
Tại Australia, nông trại lớn nhất thế giới, hơn 100.000ha đất, tương đương với 2,5% đất nông nghiệp của quốc gia này, vào tháng 4 vừa qua cũng đã suýt lọt vào tay Trung Quốc cùng với đàn gia súc 185.000 con. Cuối cùng, Canberra đã chặn hợp đồng này lại với lý do trái với quyền lợi quốc gia của Australia. Tại Canada, những vụ doanh nhân Trung Quốc vung tiền mua đất, như ở vùng Quebec với mục tiêu trồng cỏ, sấy khô, rồi xuất khẩu qua Trung Quốc cũng đã khuấy động dư luận vào đầu năm.
Ngay cả Mỹ cũng lọt vào tầm ngắm của giới tìm mua đất nông nghiệp, dù đó không phải là người Trung Quốc. Các nhà đầu tư Saudi Arabia đã nhắm vào các cánh đồng cỏ tại 2 bang California và Arizona để có cỏ nuôi đàn bò sữa 170.000 con của họ.
Phong trào mua đất nông nghiệp đã rộ lên vào khoảng năm 2008, với cuộc khủng hoảng giá nông sản và việc đóng cửa một số thị trường xuất khẩu. Khi đó, Trung Quốc và một số nước vùng Vịnh đã nhận thấy phải đi mua đất nông nghiệp ở nơi khác để trồng trọt và chuyển sản phẩm trở lại nước mình để bảo đảm nguồn cung ứng lương thực.
Đất nông nghiệp các nước giàu hút kháchđang bị thâu tóm
Trên thế giới đã có hơn 42,4 triệu ha nằm trong hợp đồng của các nhà đầu tư nước ngoài và phân nửa đất mua là ở châu Phi (22,9 triệu ha). Thế nhưng, từ hơn 10 năm nay, theo ông Ward Anseeuw, một nhà nghiên cứu của Viện CIRAD, trên toàn bộ số đất nói trên, chỉ có 6% được khai thác tốt và chỉ 4% ở châu Phi. Phần lớn còn lại bị phá sản và các nhà đầu tư đã mất rất nhiều tiền, trong lúc sản xuất không thể vận hành. Hệ quả, theo ông Ward Anseeuw, sau 3 hay 5 năm bế tắc, rõ ràng là việc mua đất ở châu Âu hay Mỹ vì tuy giá có đắt hơn, nhưng có lợi hơn, với hạ tầng cơ sở tốt và nhất là bảo đảm có nước để sử dụng.
Chuyên gia Devlin Kuyek, tổ chức phi chính phủ Grain, Canada giải thích, giới đầu tư vào đất nông nghiệp hiện chủ trương chọn những nơi ít rủi ro hơn, với quyền sở hữu được bảo đảm và quay sang Australia, Mỹ hay châu Âu. Thế nhưng, sự việc cũng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Theo ông Kuyek, tại Canada chẳng hạn, tỉnh Saskatchewan đã tổ chức xin ý kiến và sửa đổi luật pháp dưới áp lực của dân chúng và cấm các quỹ hưu trí thu mua các trang trại. Đối với chuyên gia này, trong số các quỹ đầu tư tìm mua đất, các quỹ Trung Quốc vẫn đóng vai trò tiên phong. “Trước đây họ tìm mua lâu đài ở Pháp. Bây giờ là đất nông nghiệp”, ông Kuyek nói.
MINH CHÂU