
Cho đến nay, một số nhà đầu tư cá nhân vẫn đang được chào góp vốn tham gia đầu tư một số dự án thủy điện nhỏ với triển vọng mang lại hiệu quả lớn. Nhiều nhà đầu tư rất hào hứng vì cho rằng, hiệu quả nhất trong đầu tư ngành điện chính là thủy điện vì điện lúc nào cũng… thiếu.
Cơ hội lớn

Mới đầu mùa khô mà tình hình thiếu điện đang diễn ra đến mức báo động. Theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay nhu cầu sử dụng điện trên toàn hệ thống là 197 triệu KWh/ngày với công suất 11.200 MW, nhưng công suất khả dụng cao nhất đạt 9.800 MW.
Nguyên nhân chủ yếu là do lượng mưa giảm nên việc tích nước tại các hồ thủy điện hạn chế, hai tổ máy của Phú Mỹ (720 MW) đang phải ngừng hoạt động để sửa chữa, một số nguồn điện mới dự kiến đưa vào như nhiệt điện Cà Mau 1 và 2 đều chậm tiến độ... Tình trạng xấu nhất sẽ phải cắt điện luân phiên đối với khu vực sinh hoạt hàng ngày đến hết tháng 12-2007.
EVN cũng cho biết, dự kiến năm nay sản lượng điện thiếu hụt khoảng 6,6 tỷ KWh, năm 2008 sẽ thiếu 8,6 tỷ KWh và năm 2009 con số này lên đến 10,3 tỷ KWh. Nhiều dự án điện quan trọng sẽ đưa vào hoạt động trong năm nay và những năm tới đều đang triển khai chậm, tiến độ cung ứng nguồn điện chậm so với kế hoạch nên việc mua điện của nước ngoài sẽ phải tiếp tục.
Những thông tin này cho thấy, đầu tư vào ngành điện đang rất hấp dẫn, khiến cổ phiếu của ngành điện trên TTCK và OTC đều đang rất cao, khả năng thanh khoản tốt. Đặc biệt, các nhà đầu tư nhỏ rất quan tâm đến các dự án thủy điện vừa và nhỏ đang được mời chào góp vốn đầu tư.
Theo tổng sơ đồ điện VI, chỉ dọc các tuyến sông Đồng Nai đã có hàng chục nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, có công suất bình quân 50-60 MW, đã đăng ký đầu tư. EVN cũng cho biết, hiện nay có gần 100 dự án thủy điện độc lập (không do EVN đầu tư) đang đăng ký đầu tư với tổng công suất lên đến 3.150 MW. Thời gian qua, đã có gần 40 dự án thủy điện khởi công và nhiều dự án đang được triển khai công tác khảo sát thiết kế để trình phê duyệt.
Không dễ “xơi”
Mới đây, một nhà đầu tư khá thành công trên TTCK, sau khi thắng đậm trong những tháng đầu năm nay đang chuẩn bị góp vốn đầu tư một nhà máy thủy điện nhỏ tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Nhà đầu tư này cho biết, dự án trên có công suất 10 MW, đã đàm phán được giá để bán điện cho EVN, địa điểm từ nhà máy đến điểm đấu nối gần sẽ là những ưu thế vượt trội. Công tác khảo sát cũng cơ bản hoàn thành.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, đầu tư vào thủy điện thường có lãi vì vốn đầu tư ít, giá thành điện rẻ nên khả năng thu hồi vốn nhanh. Do đó, một dự án thủy điện huy động vốn sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu lập luận này được đưa ra từ những tháng đầu năm chắc sẽ được đông đảo nhà đầu tư nghe theo và sẵn sàng góp vốn. Nhưng vào thời điểm hiện nay, qua thực tế đang triển khai các dự án thủy điện nhỏ thì các nhà đầu tư cần phải cân nhắc.
Số liệu chính thức cho thấy, hơn 20 dự án thủy điện đang triển khai chậm so với tiến độ và nhiều dự án rơi vào tình trạng bế tắc. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp này ít vốn, nguồn vốn đầu tư chủ yếu vay ngân hàng, trong khi giá cả nguyên liệu và các chi phí khác tăng cao, khiến dự án tăng vốn đầu tư và không thể triển khai.
Một số dự án rơi vào tình trạng khó khăn là do công tác khảo sát ban đầu không kỹ khiến quá trình triển khai chậm, hoặc làm cho chi phí tăng rất cao. Hậu quả là hoặc phải xử lý lòng hồ tích nước để tránh thẩm thấu làm cho chi phí tăng cao, hoặc chi phí đền bù quá lớn, vượt khả năng của doanh nghiệp.
Phần lớn các dự án rơi vào tình trạng khảo sát đền bù giải tỏa không kỹ, đến khi triển khai dự án thì số lượng các hộ dân và diện tích phải đền bù giải tỏa rất lớn, công tác tổ chức tái định cư cho người dân không thuận lợi dẫn đến dự án triển khai chậm.
Tuy nhiên, đối với một thị trường đang có nhiều cơ hội, các nhà đầu tư không nên bỏ qua. Vấn đề quan trọng là cần cân nhắc, tìm hiểu và lựa chọn đầu tư vào những dự án có độ tin cậy cao nhất.
Văn Minh Hoa