Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang:
Kiên Giang nằm tận cùng ở phía Tây Nam Tổ quốc, là một tỉnh ven biển thuộc ĐBSCL, nhưng có đủ các dạng địa hình từ đồng bằng đến núi rừng, hang động, biển đảo… vì thế mà nhiều người ví von Kiên Giang như một Việt Nam thu nhỏ. Từ những lợi thế đó, Kiên Giang đang tập trung phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về thực trạng và giải pháp để đưa du lịch tỉnh nhà cất cánh…
Ông Phạm Vũ Hồng
* PHÓNG VIÊN: Với rất nhiều danh lam thắng cảnh như Hà Tiên thập cảnh, quần đảo Nam Du, quần đảo Bà Lụa, quần đảo Hải Tặc, rừng quốc gia U Minh Thượng, Hòn Đất… đặc biệt là đảo ngọc Phú Quốc đang thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế, hiện nay Kiên Giang phát triển du lịch thế nào, thưa ông?
* Ông PHẠM VŨ HỒNG: Năm 2016 vừa qua là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội (2016 - 2020), đồng thời thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020; Kiên Giang vinh dự đăng cai Năm du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long; đây cũng là năm đầu tiên thành lập Sở Du lịch Kiên Giang (tách ra từ Sở VH-TT-DL)… Với những sự kiện đó, cũng như quyết tâm của các ngành chức năng, du lịch Kiên Giang đã có bước phát triển vượt bậc. Theo đó, toàn tỉnh đón hơn 5,6 triệu lượt khách đến tham quan du lịch (tăng 29% so với cùng kỳ), trong đó khách quốc tế về Kiên Giang hơn 309.793 lượt (tăng 27% so cùng kỳ), tổng doanh thu về du lịch đạt hơn 3.671 tỷ đồng (tăng 48% so cùng kỳ).
Trong 2 tháng đầu năm 2017, các điểm du lịch ở Kiên Giang đón hơn 1 triệu lượt du khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng (tăng hơn 10% so cùng kỳ), trong đó, khách quốc tế gần 80.000 lượt; tổng doanh thu từ du lịch hơn 784 tỷ đồng. Riêng huyện đảo Phú Quốc trong 2 tháng đầu năm 2017 đón hơn 438.774 lượt du khách, trong đó, khách quốc tế 65.848 lượt, doanh thu hơn 633 tỷ đồng… Có thể nói, du lịch của Kiên Giang đang có sức hút mạnh đối với du khách trong nước và quốc tế; đặc biệt là lượng khách đến Phú Quốc có tăng không ngừng…
* Thưa ông, đâu là nguyên nhân để du lịch Kiên Giang tạo nên sự bứt phá ngoạn mục như hiện nay?
* Ngoài những danh lam thắng cảnh, điều kiện mà thiên nhiên ưu đãi… thì thời gian qua, tỉnh tập trung cao cho ngành du lịch trên nhiều mặt như: đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông; nâng cấp các điểm du lịch khang trang, sạch đẹp; quy hoạch, xây dựng các bãi biển đẹp phục vụ du khách tắm, vui chơi; đầu tư những khu vui chơi tầm cỡ như Vinpearl Phú Quốc, công viên vườn thú Safari Phú Quốc; xây dựng nhiều khách sạn tiêu chuẩn; kết nối các tour, tuyến du lịch với các địa phương trong vùng. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; tổ chức nhiều hội nghị về du lịch, ký kết hợp tác phát triển du lịch. Ngoài ra, Kiên Giang còn mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về du lịch; kết nối với Thái Lan và Campuchia trong xây dựng tour du lịch theo đường hành lang ven biển phía Nam; đề xuất nhiều nội dung hợp tác ở những thị trường lớn, có khả năng tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế từ Pháp, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc…
Tỉnh cũng yêu cầu các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra các khu du lịch về an toàn vệ sinh thực phẩm, thái độ phục vụ du khách, không “chặt chém”, tự ý tăng giá những dịp lễ, tết… Từ sự chuyển biến đồng bộ đã tạo luồng gió mới cho du lịch Kiên Giang tăng tốc.
Mặt được là vậy, nhưng du lịch Kiên Giang vẫn còn nhiều hạn chế nhất định, trong đó nguồn nhân lực chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Hiện toàn tỉnh có khoảng 18.400 lao động làm việc trong ngành du lịch; hàng năm tỉnh tổ chức nhiều lớp đào tạo về du lịch để nâng cao trình độ, nhưng vẫn còn chậm. Vấn đề xử lý môi trường từ rác thải, nước thải… cũng là một nhức nhối ở các khu du lịch.
* Xin ông cho biết, đâu là những định hướng phát triển du lịch của Kiên Giang trong thời gian tới?
* Năm 2017 này, Kiên Giang sẽ tập trung quyết liệt để ngành du lịch tăng tốc hơn nữa, tạo tiền đề cho du lịch Kiên Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, tỉnh phấn đấu đón hơn 5,8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế hơn 360.000 lượt; tổng doanh thu về du lịch hơn 3.798 tỷ đồng, tăng 7,5% so năm 2016. Để làm được điều này, tỉnh đang tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; thực hiện chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch; nâng cấp các cơ sở kinh doanh du lịch, phát triển du lịch cộng đồng, các dịch vụ hỗ trợ du lịch; tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư cho ngành du lịch… Kiên Giang đã quy hoạch 4 vùng du lịch trọng điểm gồm “Hà Tiên - Kiên Lương; Rạch Giá - Kiên Hải; U Minh Thượng - các điểm phụ cận và Phú Quốc”; trong đó, Phú Quốc được xác định là trọng điểm về du lịch của tỉnh. Phải thấy rằng, khi Phú Quốc phát triển sẽ “kéo” các vùng khác như Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, Rạch Giá… phát triển theo.
Điều đáng mừng là gần đây lượng du khách trong và ngoài nước ở Phú Quốc liên tục tăng. Chính vì vậy, mà nhiều hạng mục đầu tư cho Phú Quốc phải “chạy đua” trước so với kế hoạch, như mở rộng sân bay quốc tế Phú Quốc, kéo thêm đường điện ra Phú Quốc, làm nhanh cơ sở hạ tầng, giao thông… Có thể nói, Phú Quốc đã và đang chuyển mình mạnh mẽ và sẽ tăng tốc hơn nữa trong thời gian tới. Vấn đề mà lãnh đạo tỉnh Kiên Giang trăn trở là tiếp tục đầu tư thêm những dự án vui chơi tầm cỡ ở tỉnh nói chung và Phú Quốc nói riêng, để giữ chân khách ở lại lâu hơn, nhằm chi tiêu nhiều hơn.
Bên cạnh dự án cáp treo Hòn Thơm, dự án xây khu casino…, Kiên Giang đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng thêm những khu vui chơi tầm cỡ nhằm phục vụ nhu cầu phát triển du lịch ở đảo ngọc Phú Quốc; đồng thời giữ chân du khách, tỉnh sẽ đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp về đây đầu tư, làm ăn… cùng phát triển, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…
| |
HUỲNH LỢI thực hiện