Đầu tư nâng giá trị gia tăng nông sản Việt

Theo các chuyên gia nông nghiệp, hàng nông sản Việt Nam rất đa dạng, phong phú nhưng lại thiếu sự đầu tư về mẫu mã, marketing và xây dựng thương hiệu hàng hóa.
Dưa lưới nông sản có giá trị cao được trồng tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Dưa lưới nông sản có giá trị cao được trồng tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tại hội thảo “Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hàng hóa nông sản ĐBSCL” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng hàng nông sản Việt Nam rất đa dạng, phong phú nhưng lại thiếu sự đầu tư về mẫu mã, marketing và xây dựng thương hiệu hàng hóa. Để gia tăng giá trị nông sản, đặc biệt là nông sản xuất khẩu, cần phải khắc phục những nhược điểm nêu trên. 

Chủ động làm mới sản phẩm

Phát biểu tại hội thảo, hầu hết DN cho rằng đã và đang chú trọng phát triển, làm mới sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Cũng không ít đơn vị nỗ lực giới thiệu, quảng bá nông sản, đặc sản địa phương đến những thị trường khác nhau, đa dạng kênh phân phối và bán lẻ, từng bước nhận được đơn hàng xuất khẩu.

Tại Công ty cổ phần Sài Gòn Food, đều đặn hàng năm, đơn vị liên tục tung ra thị trường hàng chục mặt hàng thực phẩm chế biến mới, chủ yếu sử dụng các loại nguyên liệu nông sản trong nước. Nhiều sản phẩm của Sài Gòn Food đáp ứng khá tốt nhu cầu người tiêu dùng, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Để làm được điều này, công ty đã không ngừng nghiên cứu về thị hiếu, khẩu vị người tiêu dùng; đồng thời đầu tư về bao bì, mẫu mã, ứng dụng công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác, việc chủ động phát triển sản phẩm mới còn giúp DN nắm bắt được cơ hội kinh doanh trong bối cảnh mới của thị trường thương mại tự do.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, cho hay do đặc thù của sản phẩm là hàng thực phẩm chế biến đông lạnh và bảo quản mát với kênh phối chủ yếu ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi nên công ty chưa chú trọng nhiều đến việc thay đổi bao bì, mẫu mã. Nhưng với dòng sản phẩm cháo tươi ăn liền, từ lúc tung ra thị trường đến nay, Sài Gòn Food đã cải thiện bao bì sản phẩm đến lần thứ 3, bên cạnh nâng cao chất lượng và cạnh tranh về giá thành. Những nỗ lực này đã giúp Sài Gòn Food thành công trong việc chiếm lĩnh thị phần và tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Ngoài ra, Sài Gòn Food cũng đang nghiên cứu những dòng sản phẩm mới như bánh chưng được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, với việc đầu tư mẫu mã độc đáo để mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng nhằm nâng cao giá trị nông sản Việt. 

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Các Thủy, đại diện Công ty TNHH Tây Cát, cũng cho rằng muốn cải thiện tính lỗi thời của sản phẩm truyền thống, đơn vị sản xuất cần ứng dụng công nghệ, tổ chức nghiên cứu từ nguyên liệu đầu vào và đầu tư thiết kế mẫu mã làm mới sản phẩm. Nếu DN không ngừng đổi mới sáng tạo, thì dù đơn vị sản xuất nhỏ và vừa hay hợp tác xã, cơ sở sản xuất bản địa, đều có thể nâng cao giá trị nông sản trong thương mại hóa sản phẩm.

Đặt chất lượng lên hàng đầu

Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Seo Fumio, Phó Tổng giám đốc khối thu mua của Công ty TNHH AEON Việt Nam, nhìn nhận nông dân Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đa phần muốn phát triển về sản lượng nhưng lại không nghĩ quan trọng nhất chính là chất lượng sản phẩm. Cũng có nhà sản xuất đang muốn phát triển sản phẩm theo hướng hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP… nhưng đầu ra gặp khó khăn do chưa tìm được đối tác tiêu thụ, nên khi mang ra chợ thì không bán được với giá mong muốn.

Đó là chưa kể tình trạng sản xuất ra các sản phẩm chất lượng tốt, nhưng quá trình vận chuyển lại có nhiều vấn đề phát sinh như thay đổi nhiệt độ xe chở hàng (khi cần xe chuyên dụng lạnh, lại dùng xe bình thường) hoặc đường đi không tốt nên xe va đập, dẫn đến sản phẩm bị hỏng… Theo ông Seo Fumio, đây là những vấn đề cần phải xem lại trong quá trình sản xuất để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của khách hàng. 

Về phía AEON đưa ra phương châm kinh doanh của hệ thống rất cụ thể là luôn đặt yếu tố an toàn và tiện lợi cho người tiêu dùng lên hàng đầu. Riêng với lĩnh vực nông sản, đặc sản (nhất là rau củ quả tươi), công ty yêu cầu phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP, organic. Bên cạnh đó, AEON ưu tiên những sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến và thiết yếu hàng ngày; nông sản sử dụng tươi sống không cần nấu chín.

Ông Steven Starmans, Giám đốc điều hành Công ty Kim Della Trading & Services Co., LTD, nhận định vấn đề hiện nay trên thị trường toàn cầu là niềm tin của người tiêu dùng đối với đơn vị sản xuất. Do đó, DN không nên chỉ dừng lại ở khâu kỹ thuật, chứng nhận, mà điều cần làm là giúp người tiêu dùng hiểu được nguồn sản phẩm họ sử dụng, quy trình sản xuất chế biến... Người tiêu dùng đã chuyển đổi thói quen mua sắm, không còn so sánh giá giữa những sản phẩm với nhau mà quan tâm đến vấn đề liên quan đến thương hiệu sản phẩm, chất lượng, độ an toàn. Cụ thể, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng nông sản, đặc sản tự nhiên hoặc được sản xuất theo quy trình xanh và sạch.

Để làm được việc này, ông Steven Starmans khuyến khích các nhà sản xuất sớm tiếp cận những phương thức quảng cáo, tiếp thị sản phẩm hiệu quả bằng câu chuyện bản địa gắn với quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, DN  phải quan tâm đến khâu khảo sát, nghiên cứu thị trường tiêu dùng để giới thiệu những sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Nói cách khác, DN nên thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến đến sản xuất sản phẩm thị trường cần, chứ không phải bán cái DN có sẵn. Chỉ như vậy mới nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cho hàng nông sản Việt tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

Thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất rau quả

Tại hội thảo “Xuất khẩu rau, hoa quả, những chuyển động mới từ thị trường Á - Âu” tổ chức tại TPHCM ngày 22-10 vừa qua, ông Willem Schoustra, Tham tán nông nghiệp phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, cho biết nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông sản của EU rất lớn. Việt Nam có lợi thế sản xuất các loại rau củ nhiệt đới với chủng loại đa dạng, phong phú. Cùng với việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam mà điển hình là rau, hoa quả sẽ được mở cửa để tiếp cận thị trường EU trường tốt hơn.

Tuy nhiên, thách thức mà nông sản Việt Nam nói chung, mặt hàng rau, hoa quả nói riêng đang phải đối mặt, đó là đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, bởi EU có những quy định khắt khe về chất lượng thực phẩm. Cụ thể, EU không cần thực hiện quy trình đánh giá rủi ro với các loại rau, hoa quả khi nhập khẩu, nhưng quy định rất chặt chẽ về mức độ dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật; thậm chí áp dụng các biện pháp hạn chế, cấm nhập khẩu khi phát hiện mối nguy cụ thể.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT, cho rằng muốn nâng cao chất lượng nông sản phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi; trong đó, người sản xuất phải áp dụng các quy trình sản xuất tốt, đạt chứng nhận theo yêu cầu của thị trường và thực hành vệ sinh tốt trong quá trình thu hoạch, bao gói sản phẩm. Các DN thu mua, chế biến phải đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết chặt chẽ với nông dân để đảm bảo nguồn cung và giám sát việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mặt khác, cần xây dựng kênh trao đổi thông tin quy định về an toàn thực phẩm của thị trường giữa cơ quan quản lý và nhà sản xuất, xuất khẩu; thường xuyên cập nhật thông tin và thông báo đúng lúc, chính xác.

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương, giai đoạn 2011-2018, rau quả là một trong những nhóm hàng xuất khẩu ổn định và có tốc độ tăng trưởng cao nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam, với mức tăng trưởng đạt 26,5%/năm. Riêng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,8 tỷ USD, vượt qua các mặt hàng gạo, tiêu, chè để trở thành một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp nông thôn. Mặt hàng rau quả của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến 55 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục