
Theo sau sự kiện 11-9, cùng với nhu cầu mở rộng hoạt động tình báo của Hoa Kỳ, các doanh nghiệp nước này cũng khám phá ra một ngành kinh doanh béo bở mới: cung cấp dự án tình báo và cho thuê gián điệp.

Tình báo đang là một ngành kinh doanh béo bở tại Hoa Kỳ
Tháng 6-2007, một Ủy viên của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia trình chiếu một chương trình PowerPoint tại hội nghị ở Colorado, hé lộ một sự thật gây sửng sốt: Các hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân hiện chiếm đến 70% ngân sách tình báo Hoa Kỳ. Theo tờ Los Angeles Times, nhân viên chính thức của ngành tình báo quốc gia hiện chiếm chưa tới một nửa nhân viên đang làm việc cho Trung tâm Phản gián Quốc gia ở Washington. Trong khi đó, tại các trung tâm của CIA ở nước ngoài, con số các “gián điệp đánh thuê” có lúc gấp 3 lần số nhân viên CIA “chính tông”.
Nhận thấy thị trường đang nổi này “ngon ăn”, nhiều tập đoàn doanh nghiệp quân sự lớn như Beltway Bandits, Boeing, Lockheed Martin, Northrop Grumman… đua nhau thành lập các chi nhánh tình báo và an ninh nội địa để cùng chia sẻ. Con số các “trung tâm thầu khoán tình báo” đã tăng một cách nhanh chóng từ 41 vào năm 2002 lên 1.265 vào năm 2006. Giới phân tích so sánh việc này như một cơn sốt tìm vàng và đây chính là chiếc “bong bóng” trong ngành an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Tất cả những điều này không có gì sai trái, ai cũng muốn ngành tình báo có thể tiếp cận những kỹ thuật tốt nhất và chuyên gia giỏi nhất. Nhưng vấn đề là mối “quan hệ cộng sinh” này tỏ ra không hiệu quả. Chẳng hạn, một hợp đồng tình báo lớn đã được ký kết năm 2002. Khi đó công ty Science Applications International Corp., một nhà khổng lồ ở San Diego với hơn 40.000 nhân viên và doanh thu hàng năm 8 tỷ USD, đã đạt được một hợp đồng trị giá 280 triệu USD của Cục An ninh Quốc gia (NSA) để hiện đại hóa các hệ thống tình báo với dự án có tên “Người Mở Đường”.
Đến năm 2005, chi phí cho dự án này đã lên đến 1 tỷ USD nhưng “Người Mở Đường” vẫn chưa “xuống đường”. Song “Người Mở Đường” chưa phải là dự án lớn hoang phí nhất. “Vinh dự” đó được trao cho “Hình tượng Kiến trúc Tương lai”, một dự án mà Boeing đạt được năm 1999 để phát triển một thế hệ vệ tinh gián điệp mới. Khi Lầu Năm Góc ngưng hợp đồng với Boeing năm 2005, dự án này chậm hơn 5 năm so với dự tính và tiêu tốn cỡ 10 tỷ USD, trong đó có 4 tỷ USD vượt trội.
Điều đáng nói là dù thất bại nhiều hơn thành công, các “nhà thầu tình báo” hầu như không biết bị phạt là gì, trái lại còn được thưởng! Sự “dễ dãi” này của ngành tình báo khiến các doanh nghiệp kháo nhau: Hãy đầu tư vào ngành tình báo, vì đó là ngành kinh doanh “một vốn bốn lời, làm sai vẫn có thưởng”. Vì vậy, hầu hết các hợp đồng của ngành tình báo đều kết thúc bằng “chi phí nhân”, tức chi phí phụ trội gấp nhiều lần chi phí dự toán ban đầu, trong khi kết quả chẳng được bao nhiêu. Không chỉ vậy, khi một dự án với nhà thầu này thất bại, NSA ngay lập tức triển khai dự án mới. Chẳng hạn khi dự án “Người Mở Đường” của Science Applications International thất bại, NSA lập tức lập ra một dự án mới thay thế, gọi là ExecuteLocus và cũng Science Applications đã thắng gói thầu này.
Không chỉ có tiền của bị ném qua cửa sổ trong các dự án này, mà cả con người cũng bị phung phí, khi các công ty cung cấp một lượng lớn nhân viên của mình vào phục vụ cho các dự án tình báo của chính phủ. Một báo cáo gần đây của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia cho biết: “Các nhà thầu được tuyển vào làm nhân viên của chúng ta thực ra đã được đào tạo bằng tiền của chính phủ, rồi lại cho chính phủ “thuê lại” với giá cực cao”. Quá trình này được giới quan sát gọi là “làm giá lại”. Hai phần ba các quan chức cao cấp và chuyên gia của Bộ Quốc nội vốn xuất thân từ các lò đào tạo của các doanh nghiệp. Michael Hayden, Giám đốc hiện tại của CIA, lo lắng rằng cơ quan này đã trở thành một “nông trại của các nhà thầu”.
Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến ngành tình báo trở thành một môi trường “đục nước béo cò” chủ yếu vì ngân sách và chi tiêu ngân sách của ngành tình báo trước nay được xem là một trong các bí mật quốc gia. Vì vậy, việc ngành này xài tiền vung vít cũng chẳng ai kiểm soát nổi. Để khắc phục điều này, Quốc hội Hoa Kỳ vừa thông qua một dự luật yêu cầu Giám đốc ngành tình báo quốc gia phải báo cáo về chức năng của các nhà thầu, cách thức tiến hành hợp đồng và các khoản lợi khi dùng nguồn lực bên ngoài. Tuy nhiên, để giải quyết rốt ráo vấn đề, giới quan sát cho rằng ngành tình báo nên có thái độ nghiêm túc hơn về việc thưởng phạt công minh các nhà thầu khi thành công hay thất bại trong các hợp đồng.
Vĩnh Cẩm (Theo IHT)