Sống ở Brussels 10 năm, chị Diệp có 3 con trai, nhưng hai bé lớn 8 và 4 tuổi không nói rành tiếng Việt. Chị cứ nghĩ đơn giản sẽ dạy tiếng Việt cho con khi nào chúng phân biệt rõ tiếng mẹ đẻ và tiếng cha đẻ- tiếng Hà Lan, dạy sớm chúng sẽ bị rối ngôn ngữ. Nhưng cách đây chưa lâu, khi đưa cả nhà đến dự Lễ hội Trung thu 2011 chị mới vỡ lẽ rất nhiều em bé mang hai dòng máu Bỉ- Việt mới 4 - 5 tuổi đã có thể nói tiếng Việt và tiếng Hà Lan hoặc tiếng Pháp rất tốt.
Quỳnh Thư ở thành phố Antwerpen chia sẻ kinh nghiệm: “Ngay khi bé Fiana mới tập nói, hai vợ chồng tôi đã phân công rõ, mẹ chỉ nói tiếng Việt với con, bố chỉ nói tiếng Hà Lan. Nay cháu 4 tuổi nhưng có thể hiểu hết những từ hàng ngày mẹ nói”. Mỗi khi ông bà ngoại sang chơi, bé Fiana trò chuyện với ông bà khá thành thạo, nhưng đôi khi vẫn có nhầm lẫn ngộ nghĩnh kiểu “Bà ơi, chị đói” hoặc “Bà ơi, cho chị đi chơi”.
Chị Thư giải thích: “Cháu xưng chị với bà vì quen xưng chị với em gái. Theo logic ngôn ngữ của người phương Tây, tiếng Việt có ngôi vị, thứ bậc quá phức tạp. Bản thân tôi cũng không đủ thời gian và kiên nhẫn giảng dạy hết được cho con. Khi cháu bước vào lớp một, tôi sẽ đăng ký cho cháu theo học lớp tiếng Việt ở Brussels để hiểu tiếng mẹ đẻ một cách bài bản hơn”.
Liên minh Bỉ Việt- Belgium Vietnamese Alliance vừa khai giảng lớp học Việt ngữ Hùng Vương tại Brussels là một trong những giải pháp tốt để các bà mẹ như chị Diệp và chị Thư cho con đến học tiếng mẹ đẻ. Chỉ sau vài tuần theo học, cậu con trai 8 tuổi của chị Diệp đã có thể về nhà thực hành những câu giao tiếp cơ bản với mẹ khá tốt. Mỗi tuần bé học một buổi (3 tiếng), học phí cả năm đóng trọn gói 200 EUR. Chị Diệp khoe: “Quê tôi ở miền Nam, nhưng con trai bây giờ nói giọng Bắc vì cô giáo người Bắc. Càng vui!”.
“Mẹ ơi cái bình bị té”, bé Lika 3 tuổi, con chị Thanh ở thị trấn Kesse-Lo khiến cả nhà bật cười. Chị Thanh tự hào vì hai con chị đều biết nói tiếng Việt, thậm chí còn sử dụng được nhiều từ hơn bố và cô ruột của chúng (người Bỉ gốc Việt). “Khi biết tin tôi có bầu, mẹ tôi ở TPHCM gọi điện sang dặn ngay: “Phải dạy cháu tiếng Việt, nếu không đừng về chơi với bà”.
Mẹ cũng khuyên tôi rằng ngay khi còn nằm trong bụng, em bé đã có thể nghe âm thanh, do vậy cứ kiên nhẫn nói chuyện hoặc hát ru bằng tiếng Việt hàng ngày cho chúng nghe, khi lớn lên chúng học tiếng Việt cũng dễ dàng hơn. Chưa có điều kiện cho con đến lớp học tiếng Việt như chị Diệp, nhưng chị Thanh đang nỗ lực dạy con tiếng Việt mỗi khi các con đi học mẫu giáo về.
“Ở lớp cháu Lika vẫn nói tiếng Hà Lan với cô, nhưng khi cháu tức giận hoặc bị đau bụng, theo bản năng cháu đều bật ra tiếng Việt khiến các cô chẳng hiểu cháu muốn gì. May có anh trai của cháu là Brian 5 tuổi, học lớp mẫu giáo lớn cùng trường nên mỗi lần như vậy các cô thường gọi cậu đến phiên dịch giùm”.
Nỗi lo con không nói được ngôn ngữ mẹ đẻ không phải chỉ riêng của các bà mẹ Việt Nam ở nước ngoài mà của hầu hết các cặp vợ chồng có hôn nhân vượt biên giới, xu hướng đã trở nên quá quen thuộc trong thế giới phẳng hiện nay. Tuy nhiên, nếu biết xác định và có những giải pháp ngay từ ban đầu, sẽ thấy việc để con cái hòa nhập mà không quên cội nguồn hóa ra lại dễ hơn rất nhiều.
LÂM VĂN