(SGGPO).- Ngày 17-10, tại Kiên Giang, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp cùng các ngành liên quan tổ chức hội nghị “Giải pháp cho vay nông nghiệp nông thôn có bảo hiểm lãi suất tại ĐBSCL”.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối tháng 8-2013, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng ở ĐBSCL đạt 301.652 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với thời điểm cuối tháng 12-2012; trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn ở các tỉnh ĐBSCL khoảng 120.507 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 17% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc.
Theo đó, các ngân hàng cho vay nuôi trồng và chế biến thủy sản hơn 35.381 tỷ đồng; cho vay kinh doanh xuất khẩu gạo trên 29.000 tỷ đồng; cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo năm 2013 hơn 14.823 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng: “Nguồn vốn tín dụng đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh ở ĐBSCL, đem lại những kết quả tích cực trong phát triển nông nghiệp nông thôn. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được hình thành và phát triển được nhiều vùng chuyên canh gắn với chế biến, xuất khẩu. Qua đó, xây dựng được nhiều thương hiệu cho sản phẩm nông sản; đưa các mặt hàng như gạo, cá tra, tôm, trái cây… đến với người tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới”.
Đồng quan điểm trên, ông Lâm Hoàng Sa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhìn nhận, cùng với thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp nông thôn, góp phần ổn định an sinh xã hội, thì nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã và đang đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn mà nhiều nông dân đã gánh chịu trong thời gian qua. Tín dụng ngân hàng cũng giúp nhiều hộ khó khăn có điều kiện làm ăn, từ đó giảm được 1,5% hộ nghèo/năm. Nguồn vốn này cũng góp phần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đẩy nhanh việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới…
Hiện tại nông dân ĐBSCL đang có nhu cầu vay vốn rất lớn để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thế nhưng nguồn vốn huy động toàn vùng từ các tổ chức tín dụng chỉ đáp ứng được 77% nhu cầu vay vốn. Điều này cho thấy vẫn còn rất nhiều hộ chưa thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, khiến việc sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực LienvietPostBank đề xuất: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có cơ chế yêu cầu các ngân hàng phải cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ít nhất là 20% trên tổng nguồn vốn cho vay; nếu ngân hàng nào giải ngân cho nông nghiệp nông thôn từ 35% vốn trở lên thì có những chính sách ưu đãi… Phải qui định như vậy thì lĩnh vực nông nghiệp nông thôn mới kích cầu được nguồn vốn”.
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho rằng: “Để người dân nông thôn có điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế hộ thì cần giải quyết 3 vấn đề thiết thực. Thứ nhất, ngân hàng cho vay với lãi suất hợp lý theo từng thời điểm; thứ hai là thủ tục cần đơn giản, nhanh gọn tránh phiền hà; thứ ba là cung ứng nguồn vốn cho nông dân phải kịp thời, đúng thời điểm bà con cần tiền đầu tư sản xuất. Nếu các ngân hàng làm tốt 3 việc trên sẽ góp phần to lớn thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển”.
HUỲNH LỢI